Miền Trung còn đối mặt mưa bão phức tạp trong nửa đầu tháng 11/2020

Tuyết Chinh| 30/10/2020 15:30

(TN&MT) - Theo dự báo xa của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, bão Goni hiện đang hoạt động ở phía Đông Phi-lip-pin có khả năng gây mưa lớn ở Trung Bộ trong cuối tuần tới. Nửa đầu tháng 11/2020, tình hình mưa bão trên biển Đông và miền Trung còn diễn biến rất phức tạp.

Bão Goni có thể gây mưa lớn tập trung vào Trung Trung Bộ

Hiện nay ở phía Đông Phi-lip-pin có bão Goni đang hoạt động. Đây là cơn bão thứ 19 trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, mới mạnh lên thành bão vào rạng sáng ngày 29/10/2020. Cơn bão này có khả năng đi vào Biển Đông và tiếp tục mạnh thêm. Khoảng ngày 30/10, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia dự kiến sẽ phát tin về cơn bão này.

Theo những thông tin dự báo xa, khoảng cuối tuần sau cơn bão này có khả năng gây mưa lớn ở Trung Bộ, tập trung tại các tỉnh Trung Trung Bộ; nửa đầu tháng 11/2020, tình hình mưa bão trên biển Đông và miền Trung còn diễn biến rất phức tạp. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị dự báo, cảnh báo KTTV liên tục theo dõi, giám sát, cập nhật hằng ngày trên trang thông tin điện tử của Bộ và Tổng cục Khí tượng Thủy văn và sớm cung cấp các thông tin.

Bão số 9 đổ bộ vào Đà Nẵng đến Phú Yên, gió giật cấp 15. Ảnh: PLVN

Trước đó, Trung Bộ vừa đối mặt với bão số 9 – một trong những cơn bão gây ra gió mạnh trong đất liền Trung Bộ trong 20 năm trở lại đây, tương đương cơn Ketsana năm 2009 và chỉ kém cơn Xangsane năm 2006.

Theo báo cáo tổng hợp diễn biến bão số 9 của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, sáng ngày 26/10, một cơn bão mạnh có tên quốc tế là Molave đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 9 trong năm 2020. Khi vào Biển Đông, bão số 9 có cường độ mạnh cấp 12, giật cấp 14, di chuyển nhanh theo hướng Tây với tốc độ khoảng 20-25km/h.

Đêm 27/10, khi vào gần vùng biển ngoài khơi các tỉnh/thành từ Đà Nẵng đến Bình Định, cường độ bão giảm xuống cấp 13, giật cấp 16.

Sáng ngày 28/10, bão giảm xuống cấp 12, giật cấp 15 và di chuyển nhanh hơn khoảng 25km/h. Khoảng trưa ngày 28/10, vùng tâm bão số 9 đã đi vào các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định với cường độ mạnh cấp 11-12, giật cấp 14, sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào.

Do ảnh hưởng của bão số 9, tại Bình Châu và Lý Sơn (Quảng Ngãi) có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 13-14; đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; Hoài Nhơn (Bình Định) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; Trà My (Quảng Nam) có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; ở Thành phố Huế và Thành phố Đà Nẵng có gió giật cấp 10; ở Sân bay Đà Nẵng có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11…

Từ đêm 27/10 đến đêm 28/10, do ảnh hưởng của bão số 9 nên ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên và Bắc Tây Nguyên đã có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 150-400mm, có nơi trên 400mm.

Công tác dự báo hết sức khẩn trương, kịp thời

Nhận thấy khả năng xuất hiện bão rất mạnh trên Biển Đông và có thể gây gió mạnh cấp 11-12 trong khu vực đất liền và ven biển miền Trung, ngày 24/10, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã đưa ra các tin cảnh báo sớm và gửi tới Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT về khả năng tác động lớn của bão số 9 đối với các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên. 

Sáng 26/10, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã phát tin Bão khẩn cấp và cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9 ở cấp độ 4.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo công tác dự báo cơn bão số 9

Nhận định đây là cơn bão rất mạnh khi vào đất liền nước ta, ngay sau cuộc họp với Ban chỉ đạo TWPCTT về công tác ứng phó với bão số 9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp chỉ đạo công tác dự báo cơn bão số 9 tại Trung tâm Điều hành tác nghiệp Khí tượng thuỷ văn (Tổng cục KTTV), trực tuyến với các Đài KTTV khu vực và Đài KTTV tỉnh.

Tiếp đó, ngày 27/10, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã trực tiếp đến Trung tâm Điều hành tác nghiệp Khí tượng thuỷ văn (Tổng cục KTTV) để kiểm tra và chỉ đạo công tác dự báo cơn bão số 9 với các đơn vị thuộc Tổng cục và trực tuyến với các Đài KTTV khu vực và Đài KTTV tỉnh.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng đã nhấn mạnh: Với việc nhận định bão số 9 có phạm vi ảnh hưởng rất rộng và có lượng mưa lớn sẽ gây nguy cơ về ngập lụt, sạt lở, lũ quét đến các vùng có địa hình phức tạp; do đó đề nghị các Đài KTTV địa phương sẽ có những thông tin nhanh chóng, kịp thời nhất cho địa phương để chủ động trong công tác phòng chống thiên tai tại địa phương”.

Trong quá trình theo dõi, dự báo, cảnh báo về cơn bão số 9, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, đã khai thác hiệu quả các số liệu, sản phẩm, mô hình dự báo độ phân giải cao trong phân tích, đánh giá hiện trạng và dự báo quỹ đạo, cường độ bão, đồng thời thường xuyên giữ liên lạc và thảo luận với các Cơ quan Khí tượng Philipin và Cơ quan Khí tượng Nhật Bản để trao đổi đặc điểm bão và những tác động ở Philipin, về dự báo quỹ đạo, cường độ và ảnh hưởng có thể có của bão số 9 đối với khu vực miền Trung.

Trung tâm cũng đã cung cấp trực tiếp, liên tục, kịp thời nhiều thông tin dự báo khác nhau, trong đó chú trọng dự báo, cảnh báo tác động của bão số 9 đối với khu vực miền Trung thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau.

Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia đã ban hành 62 bản tin, trong đó có 33 bản tin nhanh về bão số 9. Các thông tin dự báo, cảnh báo gió mạnh trên biển, gió mạnh trên đất liền, sóng lớn, nước biển dâng, mưa lớn đều được cập nhật thường xuyên (trước từ 24 giờ).

Từ khi bão số 9 gần Biển Đông cho đến khi bão ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam và suy yếu, Tổng cục KTTV đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Thông tấn Xã Việt Nam, các cơ quan báo chí truyền thông để cung cấp thông tin về phạm vi ảnh hưởng của bão đến cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miền Trung còn đối mặt mưa bão phức tạp trong nửa đầu tháng 11/2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO