Miền thổ cẩm trong mây

Lê Quốc Thu| 31/05/2022 10:08

(TN&MT) - Tia nắng đầu hè phủ lên những rặng núi cao, rồi tràn ngập ra khắp các bản làng dưới thung lũng Lăng Can (huyện Lâm Bình, Tuyên Quang). Mùa này, những cơn gió từ dưới thung lũng thổi lên đỉnh đèo Khau Lắc mang theo cánh đồng mây trải dài, trắng xóa.

Mây cuộn lên từ dưới chân núi, vượt qua cánh đồng bông đang bung ra cả ngàn những hoa bông trắng muốt. Mây cuốn lấy những sợi hoa bông mỏng manh, rồi để gió thổi ngược lên đỉnh núi. Trên đỉnh đèo Khau Lắc, dòng thác mây trắng bạc từ từ chảy xuống thung lũng cạn. Cả mặt hồ mây trắng dềnh lên bồng bềnh, tràn ra phía xa rồi dâng cao, lơ lửng đến ngang lưng chừng núi.

Từ bên Bình An, chúng tôi thả bộ giữa lưng chừng đèo, men theo con đường cheo leo bám vào triền dốc để ngược lên đỉnh núi. Vừa đi để đôi mắt được thỏa sức ngắm núi, nhìn mây, thảnh thơi để đôi tai được tận hưởng những tiếng lảnh lót của lũ chim rừng và tha hồ được hít thở những mùi hương ban sớm của những đám hoa rừng.

Lên đến đỉnh Khau Lắc là nhìn thấy Lăng Can. Thị trấn nhỏ xinh xắn, nằm lọt trong chiếc nôi khổng lồ của núi rừng trùng điệp. Cánh đồng lúa bằng phẳng, xanh mướt trải dài theo thung lũng. Con đường nhựa vắt qua những đám ruộng, như chiếc thước của người thợ dệt đang ướm đo mảnh vải thiên nhiên tươi xanh và sống động.

xa-lang-can-khu-trung-tam-huyen-lam-binh-ngay-cang-doi-thay..jpg

Từ trên đỉnh đèo, bước ra gần mép đá, nhìn xuống thung lũng sâu, giống như hòn đá nhỏ bỗng rơi tõm xuống mặt hồ mênh mang. Cảm giác khi chạm vào mặt nước vừa hồi hộp vừa thích thú lan đến khắp thân thể. Đứng ở đây là nhìn thấy những ngọn núi xanh mờ, như ta đang lơ lửng giữa trời. Vốc lấy từng bụm sương trắng mỏng rồi phả lên đầu, lên mặt để từng hạt sương li ti mát lạnh từ từ thấm vào da thịt. Mùi hương rừng lẫn trong sương sớm dìu dịu, hình như mình đang bị lạc lối dưới chân núi nhà trời.  

Trên đường vào thị trấn, hai bên là những đám ruộng đang trổ lá xanh non. Vào trong phố nhỏ, những ngôi nhà sàn giờ cũng mang dáng dấp của cuộc sống hiện đại. Trước hiên nhà, vài em nhỏ đang mê mải chơi đùa, tiếng cười hồn nhiên của chúng thật ngây thơ, trong trẻo.

Buổi tối, hai bên đường rực sáng bởi những ngọn đèn cao áp. Góc phố nhỏ bỗng chốc rộn lên những cười tiếng ồn ã, vui mừng của những bạn trẻ.

Màn sương trắng dần thấp dần, phố núi trở nên tĩnh lặng. Đêm ở bản Nặm Đíp trời lành lạnh. Bản này nằm dưới chân dãy Pù Kiềng. Con suối Nặm Đíp ầm ào chảy từ đỉnh Pù Kiềng đổ về tưới cho cánh đồng lúa xanh tốt trước bản, mùa nào nước cũng tràn trề và trong suốt.

Nghỉ lại trong ngôi nhà sàn của ông Ma Trung Nam người Tày, tuổi ông đã hơn bảy mươi nhưng còn khoẻ lắm, ông kể: Trên núi còn nhiều loại chim, thú lắm nhưng chỉ hay thấy lũ khỉ (voọc) thôi. Ban đêm thì nghe thấy con nai, con hoẵng nó tác, lợn rừng nó kêu trong núi, ngày nó không xuống bản đâu. Nhớ lại bữa cơm ban chiều, tuy đơn giản chỉ vài món rau rừng xào, luộc nhưng rất thấy thú vị. Tôi khoái nhất là món măng luộc, rau bò khai xào và thịt lợn chua cùng với gói xôi hai màu đen, đỏ. Những món ăn dưới nước hay trên cạn được ủ bằng lá cây chua mọc trên rừng mà miền xuôi ít gặp. Hay, lần đầu tiên mình được thưởng thức những hương vị lạ đó, nên yêu quý nó chăng. Ngồi bên cạnh bếp lửa, ông Nam vừa vùi những củ khoai lang vào bếp và kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về con đèo mà ông đã hứa ban chiều.

Kể xong câu chuyện về con đèo thì những củ khoai lang mật cũng đã chín thơm lừng. Mấy đứa tôi vừa ăn vừa bàn tán về kỳ tích của Chàng trai nhà Lang, và sự đợi chờ của Bà Nàng xưa kia.

Sáng hôm sau, ông Nam đưa chúng tôi đi lễ chùa Ông nằm ở xóm Vằng Chùa, sau lưng là 5 ngọn núi đá vôi của dãy Pù Kiềng và dãy Pù Khan Phựa. Bên này là núi Đán Nhang cao vút, vách đá trắng phẳng phiu như có ai đẽo gọt. Bên kia là dãy Pù Chùa với ba ngọn núi đá vôi như ba chàng khổng lồ nhìn xuống bản. Dưới cánh đồng Nà Chùa xanh ngát, hai con suối Nậm Luông và Nặm Chá từ trên núi chảy về rồi nhập vào nhau ngay ở giữa đồng, như đứa trẻ đang nằm trên tấm thảm xanh, giơ đôi tay lên đón nhận dòng nước mát.

Rời chùa, chúng tôi đi thăm đền Pú Bảo. Từ đầu Bản Kè B vượt qua dòng suối Nậm Luông trong mát là thấy cả cánh đồng bằng phẳng, thoáng đãng và rộng lớn. Cả bản này nằm trong vòng vây của những ngọn núi đá vôi cao ngất, nhấp nhô với nhiều hình dáng khác nhau thật lạ mắt. Cánh đồng rộng như bàn tay của người khổng lồ, những ngọn núi xung quanh như những ngón tay đang chụm lại vươn thẳng lên bầu trời.

Đền Pú Bảo tựa lưng vào dãy núi theo thế tay ngai hùng vĩ, sau lưng là dòng suối Nậm Luông bốn mùa trong mát, hiền hoà. Cửa Đền nhìn về hướng Bắc trông ra cánh đồng lúa mênh mang, xung quanh những ngọn núi nhỏ đuổi nhau xuống thấp dần.

122296740.jpg

Rồi chúng tôi đến gia đình bà Noọng để xem những bức thổ cẩm do chính tay bà dệt.

Đường vào bản không rộng, đủ cho hai cái xe ngựa tránh nhau. Những ngôi nhà sàn quanh đây vẫn còn lưu giữ được những nét cổ xưa của người Tày. Bước qua khoảng sân rộng là vào đến hiên nhà. Ngôi nhà sàn rộng bằng tiếng ngân của điệu Then Tày. Khẽ bước lên từng bậc thang, mỗi bậc như những nốt nhạc của lời bài hát:

“Chín bậc núi rừng chín bậc nghiêng nghiêng…/Chín cung đàn bên nôi mẹ ru…/Chín khúc đợi chờ…/Chín bậc tình yêu”

Từ trên sàn nhà, buông xuống đất những hàng chân gỗ mập mạp, lặng im đứng trên những chiếc giày bằng đá. Mái cọ vừa mới được dặm lại, những tàu lá xanh chen lẫn vào mái cọ nâu như bông hoa xanh trên tấm vải chàm. Phía sau nhà là khoảng đồi xanh mát, những cây cọ khẳng khiu, gầy guộc vẫn xoè ra chùm lá non xanh. Những chiếc lá xanh tròn vẫn vô tư vui đùa với gió và xòe tay hứng lấy ánh mặt trời. Tôi nhớ lại ngày đầu tiên đến trường, âm thanh của bài hát “Cọ xoè ô che nắng/râm mát đường em đi” vẫn theo tôi đến tận bây giờ.

Những khung cửi dưới gầm sàn treo lên mình những hàng chỉ màu xanh trắng. Có những cái khung gỗ và những đồ dệt vải lần đầu tôi mới được nhìn thấy. Ngoài sân trên cây sào tre là tấm mặt chăn, mặt địu với hình hoa văn sống động.

Nhìn đôi chân trần của các cô gái nhấn lên, nhấn xuống hai thanh gỗ nhỏ đều đặn, nhịp nhàng, đôi bàn tay trắng trẻo nhẹ nhàng, thoăn thoắt trong vòng vây của những sợi chỉ nhiều màu, nhưng vẫn vuông, tròn đều đặn. Hẳn là, các cô gái đang dệt bằng những trái tim mong ước, mỗi bông hoa, ngọn lá là tình yêu của những đôi trai gái đang đợi ngày hẹn ước, hay là niềm vui của cụ già trong ngày Pù Liểng (mừng thọ) và tấm chăn của đứa trẻ trong ngày Ma nhét (đầy tháng). Tấm vải như chứa đựng lòng biết ơn với tổ tiên đã sinh thành và truyền dạy cho bao thế hệ, bao nhiêu con người về nghề dệt thổ cẩm và đẹp như tâm hồn trong trẻo của những người con gái Tày Lăng Can.

Mỗi chúng tôi đều chọn cho mình một thứ yêu thích để làm kỷ niệm, đó là món quà của miền thổ cẩm huyền thoại. Tôi thấy mỗi cánh hoa, nhành lá và từng sợi chỉ mảnh mai trên vuông vải của mình bỗng hiện ánh mắt, đôi tay và mái tóc dài trong làn mây trắng, mái tóc ấy như vẫn còn thẫm đẫm tình hiếu thảo của người con gái nhà nghèo năm xưa.

Tạm biệt Lăng Can, chúng tôi vượt qua Kéo Nàng để xuôi về Chiêm Hóa, thăm lại con đường mà Chàng trai nhà Lang năm xưa đã từng đi qua trong câu chuyện bên bếp lửa người Tày, những câu chuyện khiến cho miền thổ cẩm trong mây tựa hồ như quyến rũ hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Miền thổ cẩm trong mây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO