Mệt mỏi vì bị ép giá, nhà đầu tư bất động sản “quay xe” chờ thị trường hồi phục
(TN&MT) - Thị trường bất động sản (BĐS) hạ nhiệt, nhiều nhà đầu tư (NĐT) gặp khó khăn về dòng tiền đã rao bán mảnh đất đang sở hữu. Tuy nhiên, trong bối cảnh “mua dễ, bán khó” nhiều chủ đất mệt mỏi vì bị “ép giá”. Không ít chủ đất "cắn răng" thoát hàng với giá thấp hơn kỳ vọng, nhưng cũng có nhiều người vẫn cố cầm cự chờ thị trường BĐS phục hồi.
Theo chuyên gia, từ năm 2019 đến đầu năm 2022, thị trường BĐS nhiều nơi diễn biến sôi động. Thời điểm đó, không ít người bỏ tiền vào đất chỉ sau một thời gian rất ngắn "lướt sóng" đã có thể thu lời hàng trăm triệu đồng, thậm chí những người vốn lớn có thể nhanh chóng lãi hàng tỷ đồng. Trong làn sóng đó, nhiều NĐT tay ngang, ít kinh nghiệm cũng tham gia đầu tư khiến thị trường BĐS càng thêm sốt nóng. Tuy nhiên, đến giữa năm 2022, thị trường đột ngột lao dốc và rơi vào vào trầm lằng. Thanh khoản liên tục sụt giảm khiến không ít người bán muốn thu tiền về phải chấp nhận giảm giá sâu.
Thực tế cho thấy, dù nhiều NĐT BĐS đã buộc phải rao bán cắt lỗ khoản đầu tư của mình từ 10-30% thậm chí hơn nhằm thu tiền về, giảm áp lực lãi vay ngân hàng, không phải ai cũng có thể sang tay khoản đầu tư của mình. Trong thời gian gần đây, nhiều mảnh đất của các NĐT đã rao bán cắt lỗ nhưng tiếp tục bị người mua ép giá giảm thêm tới 40-50%. Bị ép giá, một số NĐT cắn răng thoát hàng, nhưng có nhiều NĐT quyết tâm “quay xe”, cố gắng cầm cự được ngày nào hay ngày đó với hi vọng thị trường BĐS sẽ sớm phục hồi.
Anh Trần Văn Hiền (quận Bình Thạnh, TP.HCM) bỏ ra gần 1 tỷ đồng mua lô đất ở thị xã Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) từ thời điểm đầu năm 2019. Mới đây do cần vốn làm ăn, anh Hiền nhờ môi giới tìm khách để nhượng lại. Cũng có vài khách xem và trả giá lô đất 100m2 của anh Hiền, nhưng với mức giá chưa tới 700 triệu đồng. Chán nản, anh Hiền đành xoay xở vốn từ gia đình và bạn bè, đồng thời gác lại kế hoạch bán đất, chờ khi nào giá tốt hơn thì tính tiếp.
Tương tự, chị Oanh cũng đang cố gồng để giữ lô đất ở xã Hòa Phú, huyện Củ Chi (TP.HCM). Chị Oanh cho biết: "Tôi mua lô đất này từ năm 2021, gần đây, tôi muốn sang tay vì cần tiền nhưng môi giới báo giá thấp hơn thời điểm mua vào rất nhiều. Vì thế, tôi quyết định tiếp tục ôm đất đợi thị trường phục hồi thay vì chấp nhận bị ép giá".
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) nhận định, thị trường nhà đất phía Nam đang ghi nhận những diễn biến mới. Bên cạnh các NĐT cố để ra được hàng, giảm giá sâu hoặc bán bằng mọi giá thì không ít NĐT đất nền vùng ven nếu không bị cán cân tài chính đè nặng hay chưa quá "đuối", lựa chọn gồng mình giữ đất chờ thị trường phục hồi thay vì thỏa hiệp. Cũng không ít người vì rao mãi không thoát được hàng nên chấp nhận tiếp tục giữ đất.
Số liệu từ Batdongsan.com.vn cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2023, đất nền rao bán tại nhiều địa phương phí Nam có động thái giảm 20-30% ở các giao dịch thứ cấp và ít nhất 5-10% ở nguồn hàng sơ cấp, nếu so với thời điểm đầu năm 2022, mức giảm phổ biến từ 100 triệu đồng đến cả tỷ đồng mỗi nền, thậm chí có nơi giảm sâu gần 40-50%. Những trường hợp giảm mạnh nhất tập trung chủ yếu ở nhóm các NĐT có sử dụng đòn bẩy tài chính, đặc biệt là mua đất trong giai đoạn đỉnh giá hay đu theo cơn sốt ảo ở những thị trường mới, chưa phát triển hạ tầng dịch vụ tương xứng.
Ông Trần Khánh Quang - Chuyên gia BĐS cho rằng, đất nền là loại hình mang tính tập quán “mua làm của để dành” và giá trị tương đối thấp. Đất vườn có thổ giá rẻ khoảng 2 tỷ đồng ở những vùng bán kính 200km so với TP.HCM vẫn là sự lựa chọn của NĐT. Tuy vậy, đây cũng là phân khúc đầu cơ, khó khai thác sử dụng ngay nên khi dòng tiền khó khăn, đất nền sẽ chững giao dịch. Ít nhất trong giai đoạn này, NĐT vẫn sẽ giữ tâm lý thăm dò, chưa xuống tiền mua đất khi các thông tin về lãi suất, tín dụng còn chưa cải thiện rõ ràng.
Còn ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định: "Năm 2023 là năm có nhiều thách thức, có thể phải từ năm 2024 trở đi, thị trường BĐS nói chung, phân khúc đất nền nói riêng mới có thể hồi phục trở lại. Nhưng sẽ khó bùng nổ các cơn sốt đất hay những đợt tăng giá nóng giống như những năm trước đây.
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thị trường BĐS vẫn đứng trước cơ hội lớn đến từ khung pháp lý tiếp tục được hoàn thiện và nhiều dự án cơ sở hạ tầng tiếp tục được triển khai. Đồng thời, kỳ vọng lãi suất sẽ hạ nhiệt sau khi Ngân hàng Nhà nước tích cực hạ lãi suất huy động về mức ổn định, khi lãi suất có dấu hiệu hạ nhiệt sẽ góp phần thúc đẩy thanh khoản thị trường, giảm bớt áp lực cho NĐT".