Xã hội

Mèo Vạc: Tìm giải pháp thoát nghèo bền vững

Minh Khang 28/03/2024 - 11:17

(TN&MT) - Với mục tiêu phấn đấu giảm gần 1.500 hộ nghèo đa chiều, giảm tỷ lệ 8,53%, đồng thời hạn chế hộ tái nghèo và nghèo mới phát sinh, thời gian qua, huyện Mèo Vạc đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân thực hiện các mục tiêu và Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Thoát nghèo từ các chương trình hỗ trợ giảm nghèo

Mèo Vạc là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Hà Giang. Huyện gồm 18 xã, thị trấn với 199 thôn, tổ dân phố, 17 dân tộc cùng chung sống, hơn 17.200 hộ dân, trong đó hộ nghèo chiếm khoảng 60%.

Do khó khăn về điều kiện tự nhiên bởi chủ yếu là núi đá, đất sản xuất ít, cây lương thực của người dân Mèo Vạc vẫn là cây ngô, chăn nuôi chưa phát triển, thường xuyên thiếu nước sản xuất và sinh hoạt.

Tính đến cuối năm 2022, huyện Mèo Vạc có trên 10.000 hộ theo chuẩn nghèo đa chiều (chiếm tỷ lệ 57,61%); hơn 1.600 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 9,46%).

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, huyện Mèo Vạc được phân bổ hơn 193,1 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn đầu tư phát triển hơn 119 tỷ đồng, nguồn vốn sự nghiệp hơn 74 tỷ đồng.

Đến nay, đối với dự án hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, huyện Mèo Vạc đã triển khai đầu tư xây dựng 24 công trình gồm đường giao thông, điện sinh hoạt, nước sinh hoạt, giáo dục và văn hóa.

Thực hiện 22 mô hình đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo với 275 hộ gia đình được thụ hưởng. Hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển mô hình giảm nghèo với 8 mô hình và 125 gia đình thụ hưởng. Thực hiện đào tạo nghề cho 650 người. Hỗ trợ xây mới nhà ở cho 550 hộ, sửa chữa nhà ở cho 107 hộ.

Bên cạnh đó, Mèo Vạc cũng tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân thực hiện các mục tiêu và chương trình giảm nghèo bền vững.

Một trong những giải pháp giúp hộ nghèo hiệu quả, thiết thực mà huyện Mèo Vạc ưu tiên triển khai thực hiện là xóa nhà tạm, nhà dột nát từ các nguồn lực.

xoa-nha-dot-nat.jpg
Mèo Vạc triển khai xoá nhà dột nát cho người nghèo

Theo đó, năm 2023 huyện Mèo Vạc đã triển khai xây dựng được 515 nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025. Tính đến ngày 25/10, toàn huyện đã có 386 nhà hoàn thành xây dựng.

Cùng với hỗ trợ xóa nhà dột nát, huyện Mèo Vạc cũng triển khai nhiều chương trình về vốn vay ưu đãi, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, mô hình giảm nghèo và đào tạo nghề, tạo việc làm để người dân nâng cao thu nhập.

Cụ thể, chính quyền các cấp đã thực hiện 22 mô hình đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo với 275 hộ gia đình được thụ hưởng. Hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển mô hình giảm nghèo với 8 mô hình và 125 gia đình thụ hưởng. Thực hiện đào tạo nghề cho 650 người.

anh-1-5.jpg
Từ nguồn chính sách của các chương trình giảm nghèo, nhiều hộ nghèo được trao con giống

Để việc giảm nghèo trở lên hiệu quả, chính quyền các xã trên địa bàn huyện đã tổ chức họp thôn, lựa chọn đúng đối tượng để triển khai hỗ trợ. Nhờ vậy, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo có đồng vốn, cây, con giống để phát triển kinh tế. Đến nay, sự hỗ trợ này đã đem lại nhiều kết quả tích cực, đời sống bà con Nhân dân tại địa phương cũng ngày càng được nâng cao.

Là một trong những xã điển hình thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững của huyện Mèo Vạc, chính quyền xã Niêm Sơn đã chú trọng triển khai các dự án chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để cho nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách, hỗ trợ cây, con giống để phát triển kinh tế.

Gia đình chị Lương Thị Huyền (trú tại thôn Bản Tồng, huyện Mèo Vạc), là một trong những hộ cận nghèo của xã Niêm Sơn, đang được hỗ trợ để thực hiện mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm, với mức hỗ trợ 11,5 triệu đồng từ năm 2022. Đến nay, đàn lợn của gia đình chị Huyền đã xuất chuồng 4 lứa và thu về hơn 60 triệu đồng.

Chị Lương Thị Huyền cho biết, nhờ được hỗ trợ lợn con, được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, chị đã tập trung chăm sóc tốt đàn lợn đầu tiên, giúp gia đình chị có tiền mua sắm đồ dùng sinh hoạt gia đình, con cái có quần áo, cặp sách mới đến trường, cũng có vốn để mua thêm lợn con về tiếp tục nuôi.

duc-ket-kinh-nghiem-di-du-lich-meo-vac-ha-giang-vui-choi-quen-loi-ve-1644243697.jpg
Mèo Vạc đẩy mạnh phát triền du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Bên cạnh việc đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, huyện Mèo Vạc cũng đẩy mạnh phát triển du lịch. Là địa phương có tiềm năng lớn về du lịch, những năm qua, huyện đã và đang khai thác hiệu quả thế mạnh của địa phương, góp phần đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng huyện Mèo Vạc trở thành trung tâm du lịch vùng của tỉnh.

Trong năm 2023, tổng khách du lịch đến huyện đạt gần 500.000 lượt, trong đó khách nước ngoài trên 40.000 người. Doanh thu từ du lịch ước đạt gần 400 tỷ đồng. Nhiều hộ gia đình tại Mèo Vạc làm du lịch cho thu nhập cao, thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo

Ông Hồng Mí Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho hay, để giúp bà con vươn lên thoát nghèo, giảm nghèo bền vững, thời gian tới chính quyền huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; nhất là người đứng đầu các cấp, các ngành trong công tác giảm nghèo bền vững.

z4769056187905_38f6c075f3d815f0f71e1c7f97132d04.jpg
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, diện mạo cơ sở hạ tầng của các xã của huyện Mèo Vạc ngày càng thay đổi theo hướng tích cực

Đồng thời, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và vươn lên của hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo và người dân vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Trong thời gian tới, huyện Mèo Vạc cũng sẽ tiếp tục tích cực xã hội hóa việc huy động các nguồn lực đầu tư cho mục tiêu giảm nghèo; lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện đồng bộ các chính sách đảm bảo an sinh xã hội để giảm nghèo bền vững. Trong công tác giảm nghèo, huyện cũng sẽ chú trọng biểu dương, tuyên truyền, phổ biến các mô hình, điển hình giảm nghèo có hiệu quả để nhân rộng, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mèo Vạc: Tìm giải pháp thoát nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO