Xã hội

Mênh mang Pà Khốm

Trần Thị Hồng Anh 26/03/2024 - 11:27

(TN&MT) - Ngược miền biên cương phía Tây Nghệ An. Nắng đến rát da. Và dốc, dốc đến độ đầu gối chạm cằm. Lần đầu tiên chị biết đến cảnh đi trên dốc núi. Lạ nhưng hứng thú.

pa-khom-ban-nho-nam-tren-thao-nguyen-menh-mang.png
diem-truong-moi-khang-trang-tren-dinh-pa-khom.png

Bởi cái sắc đất của những ngọn đồi mọc đầy măng đắng. Cái sắc đất hợp với những lô cà phê, cao su quê nhà trong nỗi nhớ niềm thương...

Pà Khốm - "thảo nguyên" xanh mát giữa vô số các thung lũng nhỏ của mảnh đất Quế Phong, Nghệ An - chập chờn trong mây trắng, trời xanh khi ở độ cao hơn 1000m so với mặt nước biển. Con đường lên cao dần, lượn vòng theo các triền đồi nối tiếp nhau mọc đầy măng đắng. Sắc hoa theo chân người, rập rờn trong nắng như đàn bướm đa sắc. Chị ngắm nhìn những bông hoa trước mặt, cũng là hoa của núi đồi mênh mông ở quê hương chị. Nhưng trong cái nắng mới, hoa của vùng miên viễn vẫn mơn mởn xinh tươi. Cảm giác như mùa xuân đang lãng đãng trong hoa lá và cây cỏ, chỉ còn thiếu mưa xuân và sắc hoa đào nhuộm thắm mây trời.

Già Y Chò - người đàn ông tình cờ cùng đường với đoàn, mỉm cười khi nhìn những giọt mồ hôi trên trán chị: Bây giờ đường lên bản đã rộng rãi, ô tô chạy lên gần đến nơi vào những ngày nắng, trời mưa thì chịu thôi! Xe máy đi được là tốt rồi! Hơn trước nhiều lắm đấy!

13.jpg

Quả thật, con đường vẫn còn những chỗ đọng nước vì trận mưa của ngày hôm trước, các lối mòn sống trâu ngoằn ngoèo trên mặt đất đã cứng lại càng khấp khểnh hơn dưới những bước chân chưa quen với dốc núi. Chiếc xe bán tải chở một số người trong đoàn quay ngang ở khúc cua của con đường, nó không thể vượt qua chặng còn lại để lên bản. Nhưng chính đoạn này mở ra một không gian bát ngát của núi rừng, của đất trời. Nhấp nhô mây phủ, xanh thẳm đến nao lòng. Bồng bềnh gió, bồng bềnh mây trắng. Và ngút ngàn nắng. Nhìn từ trên cao, con đường vành đai nối các vùng biên cương Tây Nghệ An như một dải lụa thắt ngang lưng núi, ẩn hiện trong các thung lũng nhỏ xinh đẹp và bình yên.

Chỉ còn một quãng ngắn nữa là đến trung tâm của bản. Lưng chừng con dốc cuối, chị ngỡ ngàng khi thả tầm nhìn ra xa, những ngọn đồi xung quanh phủ kín măng đắng, đã thấy rồi mà vẫn không thể tin. Cây tre của măng đắng đây ư? Thẳng đứng, vững chãi và chắn chắc. Không có gai, không nhiều cành lá lòa xòa xung quanh như các loại tre khác. Thân tre chỉ to bằng cổ tay của người lớn, ba bốn cây tạo thành một khóm vươn lên. Đứng trên triền dốc nhìn sang các ngọn đồi đối diện, một màu xanh thẫm pha nắng đều tăm tắp như một đoàn quân. Tự nhiên chị liên tưởng đến hình ảnh của những cây tùng, cây thông ngạo nghễ trong tuyết trắng. Chị thấy nể các ngọn măng đang đâm xuyên qua mặt đất phóng lên như những mũi tên bằng đồng. Mềm mại mà cứng cỏi.

"Măng đắng Quế Phong" trở thành thương hiệu của một loại đặc sản nên chị không lạ lẫm với nó. Nhưng lần đầu tiên chị thấy cả cánh rừng nơi nó sinh ra. Chị từng ngạc nhiên khi người bán đưa cho một đoạn gốc của cây măng, giòn, ngọt. Hóa ra phần náu trong lòng đất sẽ có vị ngọt, chỉ khi phơi mình trước nắng gió măng mới đắng như tên gọi. Có thể chế biến măng đắng thành nhiều món ăn khác nhau. Ngon và đậm hương vị núi rừng.

diem-truong-moi-khang-trang-tren-dinh-pa-khom-1.png
Điểm trường mới khang trang trên đỉnh Pà Khốm

Bản nằm trên đỉnh núi, xuôi dần về phía thung lũng. Chị thầm nghĩ, nếu giờ mà mùa thu hoặc mùa đông thì có lẽ cả bản chìm trong sương núi và mây ngàn. Mùa này là mây trắng, là bầu trời trong veo xanh biếc, là đồng cỏ và tiếng suối chảy rì rào. Những tưởng chỉ nhón chân thôi là ôm cả vốc mây ấy, cái xanh trong ấy vào lòng mình. Chỉ muốn tan vào trong đó, chỉ muốn nhắm mắt lại, giang tay ra mặc gió mang theo mây bay lên, bay lên...

Chị ghé vào một căn nhà bên đường có thảm cỏ xanh mướt. Ngôi nhà lợp bằng tôn màu xanh đậm, vách gỗ đã lên màu của thời gian. Mấy đứa trẻ thập thò, níu vạt áo bà, tò mò nhìn người khách lạ. Bà mế ngồi bên bậc cửa, đôi mắt xa xăm: Giờ này bản chỉ có người già và trẻ nhỏ. Bố mẹ của lũ trẻ lên rẫy rồi, vài ngày mới trở về. Thanh niên cũng đi rồi. Nhớ lắm, nhưng vui mà! Chúng nó trở về sẽ có cách nghĩ khác, không giống người già, chỉ biết ngồi quanh bếp lửa.

Mế kể về những ngày trước. Khổ lắm, đói lắm! Cũng nuôi con trâu con bò, cũng đi nương đi rẫy nhưng không đủ ăn. Nhất là vào mùa mưa và mùa đông. Biết làm gì được khi mưa rét mãi thế? Chỉ biết tựa cửa trông trời, trông đất. Chờ đêm tới, chờ nắng lên. Cứ mặc kệ thôi! Cứ kệ thế thôi! ...

Một đứa trẻ cầm mấy gói mì tôm và tờ tiền 20 nghìn bước qua cổng gỗ xám nâu, nhìn chị dò hỏi rồi đến dập cần nước rửa chân. Mế nói bằng tiếng của bản với bé rồi quay sang bảo chị: Cháu nội đấy! Nó học ở trường tiểu học mới xây nơi con dốc thứ hai ấy! Bây giờ bản đã có trường rồi, bọn trẻ không còn thiếu cái chữ nữa! Có đường, có trường, người trong bản mừng lắm! Pà Khốm ta không giống trước nữa đâu! Mỗi mùa, mỗi năm bản đều có cán bộ dưới xã lên giúp cho, từ việc nuôi con trâu, con gà đến chuyện trồng đào, trồng măng đắng. Dân bản ta tin cán bộ, học theo cán bộ nên đỡ khổ, đỡ đói hơn rồi!

am-no-tren-thao-nguyen-pa-khom.png
Ấm no trên thảo nguyên Pà Khốm

Tạm biệt mế và những đứa trẻ của bản, chị cùng mọi người xuống núi. Giờ chị mới nhìn thấy những cây đào sai quả bên đường. Có lẽ lúc lên, chị mải say sưa với sắc hoa, sắc mây trời nên không để ý đến. Những cây đào thu hút đến độ chị phải bước lại gần để chạm vào chùm quả trắng xanh đang giấu mình trong cành lá. Rồi đây, những quả đào kia sẽ lớn lên, có màu phơn phớt hồng, căng chắc trong tay. Chỉ cần ghé răng cắn một cái sẽ giòn tan trong miệng, vị thơm ngọt tỏa ra khắp cánh mũi. Chị tưởng tượng ra khung cảnh mùa xuân của Pà Khốm. Màu hồng của hoa đào dập dềnh trên con đường đất đỏ, xen lẫn trong màu xanh của núi đồi và rừng măng đắng, in hình vào đám mây trắng lửng lơ ngang trời. Những cánh hoa thắm tươi ấy sẽ phiêu du theo làn gió mùa xuân tung bay khắp núi rừng. Hoa đào sẽ cùng người xuống phố, mang hương xuân biên giới về xuôi vào những ngày Tết đến khắp mọi làng quê. Mùa xuân ấy, hương đào ngấm trong ché rượu ngô ủ cả năm bên bếp, ngấm vào tiếng khèn gọi bạn nơi đỉnh dốc mờ sương. Sắc hoa đào theo váy áo rực rỡ của thiếu nữ Mông đi chợ tết, cài bên yên ngựa của chàng trai chơi xuân quên lối về.

Mùa xuân đã đi qua nhưng chưa hề dừng lại. Mùa xuân ẩn trong những trái đào đang ủ nắng, trong những búp măng đắng nhọn hoắt bên đường. Mùa thu hoạch đang dần đến. Bản làng lại sắp có hội mừng được mùa. Trưởng bản Vừ A Rê chỉ vào những cánh rừng măng đắng nói với cả đoàn: Mấy năm nay, người dân trong bản có thêm thu nhập từ cây đào và những cánh rừng này. Chủ trương phát triển kinh tế từ tiềm lực tại địa phương đã được bà con hưởng ứng. Họ tận mắt nhìn thấy nguồn lợi thu được từ núi rừng nên đã học cách giữ gìn và phát triển đúng theo hướng dẫn của cán bộ rồi! Ít năm nữa, đám thanh niên trong bản sẽ không còn ai muốn đi xa, rừng măng đắng và sắc xuân nơi bản làng sẽ giữ chân bọn trẻ ở lại.

Măng đắng và quả đào của Pà Khốm đã vượt qua đỉnh Pù Chông Cha, theo dòng Nặm Việc về xuôi như mong muốn của bà con dân bản và chính quyền huyện Quế Phong. Chị ngoảnh nhìn về phía bản, chợt nhớ đến vùng đất nơi cổng trời Mường Lống (Kì Sơn), vùng đất của những homestay nhỏ bé nhưng say đắm lòng người. Chị thầm mong sẽ có một Pà Khốm với vẻ đẹp nguyên sơ của vùng thảo nguyên tươi đẹp giữa mây trời, non nước. Một Pà Khốm không thể quên lãng trong lòng người đã từng đến thăm. Ở nơi đó, người ta sẽ thong dong trên lưng ngựa giữa một trời hoa đào lả tả bay trong gió xuân. Ở đó, người ta đắm mình trong men rượu ngô nồng nàn, trong vị thơm của gà nướng, của nộm măng đắng, của chẻo cá vừa giã xong. Và chị tin, mình sẽ còn trở lại, sẽ để mặc chân trần lội trong dòng suối, sẽ nhắm mắt thả mình trên thảm cỏ nghe tiếng chim rủ rỉ dưới sườn núi, để tâm trí cứ trôi cứ trôi trong tiếng khèn gọi mùa trăng lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mênh mang Pà Khốm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO