Mất hàng trăm nghìn ha rừng, ai chịu trách nhiệm? - Bài 4:  Xử nhẹ chủ rừng, rừng lại bị mất!

12/01/2019 17:10

(TN&MT) - Tây Nguyên được xác định là vùng có vai trò phòng hộ đầu nguồn, bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng, bảo vệ đa dạng sinh học của quốc gia và khu...

 

(TN&MT) - Tây Nguyên được xác định là vùng có vai trò phòng hộ đầu nguồn, bảo tồn và phát triển tài nguyên rừng, bảo vệ đa dạng sinh học của quốc gia và khu vực. Đây cũng là vùng đệm an toàn sinh thái và cung cấp nước cho khu vực duyên hải Nam Trung bộ và Đông Nam bộ. Tuy nhiên, thời gian qua đã có hàng trăm nghìn hécta rừng tự nhiên tại khu vực này bị chuyển đổi, chặt phá và khai thác trái phép.
 

Ảnh hiện trường rừng Kbang bị tàn phá (3)


Rừng bị chuyển đổi ồ ạt sang trồng cây công nghiệp; rừng “nhường chỗ” cho thủy điện hoặc các dự án hạ tầng khác; rừng “chảy máu” do được giao cho công ty lâm nghiệp nhưng quản lý không hiệu quả; rừng bị đốn hạ để lấy gỗ… Trong đó, tình trạng phá rừng, xâm canh, mua bán đất rừng… tại các công ty lâm nghiệp và ban quản lý rừng ở Tây Nguyên diễn ra tràn lan, công khai.

Để giải quyết hậu quả nặng nề của tình trạng mất rừng, tháng 7/2016, tỉnh Đắk Nông đã ban hành quyết định giải thể 6 công ty lâm nghiệp. Vậy là sau nhiều năm thực hiện “sứ mệnh” giữ rừng, các công ty lâm nghiệp tại Đắk Nông đã không làm tròn trách nhiệm của mình. Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông cũng đã khởi tố nhiều lãnh đạo các công ty lâm nghiệp để xảy ra mất rừng. Nhưng tại Đắk Lắk, đến nay địa phương này vẫn chưa khởi tố một chủ rừng nào cả.
 

Ảnh hiện trường rừng Kbang bị tàn phá (5)


Trong đợt thanh tra mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã kết luận việc mất rừng tại các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã gây thiệt hại tương đương khoảng 10.000 tỷ đồng. Đây là con số thiệt hại rất nghiêm trọng về cả môi trường và kinh tế. Thế nhưng, hiện mới chỉ có 9 tập thể và 41 cá nhân bị kiểm điểm rút kinh nghiệm, còn 6 tập thể và 31 cá nhân khác bị kỷ luật khiển trách, chưa có ai bị xử lý về mặt hình sự.

Tình trạng mất rừng tại các ban quản lý rừng và công ty lâm nghiệp ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng cũng diễn ra nghiêm trọng. Hàng ngày, lâm tặc ngang nhiên đưa máy móc rầm rộ vào chặt phá những cánh rừng tự nhiên tại nơi đang có hàng trăm cán bộ bảo vệ rừng, cán bộ kiểm lâm canh giữ. Chỉ khi nào báo chí, người dân phản ánh thì lực lượng bảo vệ rừng mới vào cuộc xử lý. Đến lúc đó, những cánh rừng tự nhiên cuối cùng của đại ngàn Tây Nguyên đã bị chặt phá tan nát và chưa biết đến lúc nào mới hồi sinh.

Hàng năm, Nhà nước bỏ ra hàng chục tỷ đồng để các chủ rừng làm nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, nhưng rừng càng ngày càng bị chặt phá nghiêm trọng. Khi để mất rừng, các rừng thường bao biện rằng lực lượng mỏng, địa bàn hiểm trở, thiếu công cụ hỗ trợ, lâm tặc manh động… Nhắc đến trách nhiệm để mất rừng, ngành này lại đổ lỗi cho ngành khác không phối hợp ngăn chặn. Trong khi có nhiều xe chở gỗ lậu đi qua trước trạm bảo vệ rừng không hề bị ngăn chặn, thì người dân chỉ đi vào rừng chặt mấy cành củi khô đã bị xử phạt tù ngay.

Ảnh hiện trường rừng Kbang bị tàn phá (6)


Nguồn lợi từ gỗ rừng tự nhiên quá lớn đã che mờ trách nhiệm của cá nhân được giao quản lý, bảo vệ rừng. Có người lơ là trách nhiệm cho gỗ quý đi qua, có người tham gia bảo kê việc chặt phá rừng. Khi Bộ Công an triệt phá đường dây của trùm gỗ lậu Phượng “râu” dịp tháng 4 vừa qua, cơ quan chức năng đã phát hiện ra có một số cán bộ kiểm lâm ở Đắk Nông và Đắk Lắk tham gia nhận tiền bảo kê cho đường dây này.

Rõ ràng, ai cũng biết trách nhiệm để mất rừng đầu tiên phải thuộc về chủ rừng, nên việc xử lý hình sự các chủ rừng cũng là một giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng mất rừng. Nếu cơ quan chức năng ở Tây Nguyên “xử lý nhẹ nhàng” các chủ rừng thì họ sẽ tiếp tục vì lợi ích mà làm ngơ cho lâm tặc phá rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mất hàng trăm nghìn ha rừng, ai chịu trách nhiệm? - Bài 4:  Xử nhẹ chủ rừng, rừng lại bị mất!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO