Vào năm ngoái, Malaysia đã trở thành điểm đến chính của thế giới đối với rác thải nhựa sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu, làm gián đoạn việc nhập khẩu hơn 7 triệu tấn rác mỗi năm.
Hàng chục nhà máy tái chế mọc lên ở Malaysia, trong đó nhiều nhà máy không có giấy phép hoạt động và cộng đồng đã phàn nàn về các vấn đề môi trường.
Bộ trưởng Năng lượng, Công nghệ, Khoa học, Biến đổi khí hậu và Môi trường Malaysia - bà Yeo Bee Yin, cho biết 60 container chở rác được nhập lậu sẽ được gửi trở lại nơi xuất xứ.
“Những chiếc container chở rác này đã được đưa vào đất nước một cách bất hợp pháp theo tuyên bố sai và các hành vi phạm tội khác rõ ràng vi phạm luật môi trường của Malaysia”, Bộ trưởng Yeo cho biết sau khi kiểm tra các lô hàng tại cảng Klang, ngoại ô thủ đô.
Các quan chức Malaysia đã xác định ít nhất có 14 quốc gia xuất xứ, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Canada, Úc và Anh sẽ nhận lại lượng chất thải không mong muốn.
Yeo cho biết công dân của các nước phát triển hầu như không biết rác của họ mà họ cho rằng đang được tái chế lại chủ yếu được đổ ở Malaysia, nơi nó được xử lý bằng cách sử dụng các phương pháp gây hại cho môi trường.
“Một công ty tái chế có trụ sở tại Anh đã xuất khẩu 50.000 tấn chất thải nhựa sang Malaysia trong 2 năm qua”, bà Yeo Bee Yin cho biết nhưng không chỉ rõ tên công ty.
Yeo cho biết Malaysia sẽ yêu cầu các nước điều tra các công ty như vậy.
“Chúng tôi đang kêu gọi các nước phát triển xem xét việc quản lý chất thải nhựa và ngừng vận chuyển rác đến các nước đang phát triển”, bà Yeo cho biết thêm.
Malaysia đã trả lại 5 container chất thải nhựa bị ô nhiễm trở lại Tây Ban Nha.
Nhựa không phù hợp để tái chế bị đốt cháy, giải phóng các hóa chất độc hại vào khí quyển. Hoặc nhựa này sẽ được chuyển đến các bãi rác, có thể gây ô nhiễm nguồn nước và đất.
Trong tháng này, khoảng 180 quốc gia đã đồng ý sửa đổi Công ước Basel để giúp thương mại toàn cầu về chất thải nhựa minh bạch hơn và được điều tiết tốt hơn.
Mỹ, nước xuất khẩu chất thải nhựa hàng đầu thế giới đã không phê chuẩn công ước 30 năm tuổi này.