Môi trường

Mai Sơn (Sơn La): Tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở nông sản quy mô nhỏ lẻ

Nguyễn Nga 25/11/2023 - 15:06

(TN&MT) - Liên quan đến phản ánh của người dân tổ 6 phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La về tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sơ chế cà phê quả tươi từ huyện Mai Sơn đổ về, bước đầu, Đoàn liên ngành UBND huyện Mai Sơn đã xác định nguyên nhân gây ô nhiễm chủ yếu từ hoạt động sơ chế cà phê tại thôn 2 Hoàng Văn Thụ và Hợp 3 Văn Tiên, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn.

Rà soát, xác minh nguồn thải

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, chiều ngày 20/11, huyện Mai Sơn đã phối hợp với thành phố Sơn La kiểm tra thực địa, rà soát, xác minh các nguồn thải.

Ngày 21/11, Tổ công tác của UBND tỉnh Sơn La tiếp tục phối hợp với UBND huyện Mai Sơn kiểm tra, xác minh tình trạng ô nhiễm môi trường suối Hong, Khom Lốm trên địa bàn xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn.

Thời điểm kiểm tra, nước suối có màu đen, mùi hôi, bọt trắng, nghi ô nhiễm do nước thải sơ chế cà phê và nước thải sinh hoạt của các hộ dân xung quanh. Trung tâm quan trắc TN&MT đã lấy 2 mẫu nước thải tại 2 vị trí để đánh giá, xác định nguyên nhân.

4.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Mai Sơn kiểm tra đột xuất cơ sở sơ chế cà phê quả tươi tại xã Chiềng Ban.

Tối 22/11, Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND huyện Mai Sơn đã kiểm tra đột xuất hoạt động sơ chế, chế biến cà phê quả tươi của các cơ sở nhỏ lẻ tại xã Chiềng Ban. Hoạt động kiểm tra diễn ra từ 21 giờ ngày 22/11 đến 4h sáng ngày 23/11.

Qua đó, phát hiện 1 trường hợp bị vỡ đường ống dẫn nước thải sản xuất, nước thải chảy ra khu vực kênh thoát nước chung. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, thu 1 mẫu nước để xác định ô nhiễm làm căn cứ xử lý vi phạm; yêu cầu đơn vị dừng hoạt động, khẩn trương khắc phục lỗi vi phạm.

5.jpg
Khẩn trương khắc phục lỗi vỡ đường ống.

Trong sáng ngày 23/11, Đoàn liên ngành tiếp tục các hoạt động kiểm tra đột xuất với các cơ sở sơ chế nông sản quy mô nhỏ lẻ trên địa bàn xã Chiềng Mung, Chiềng Ban, Chiềng Mai.

Tại khu vực hồ Chiềng Mai, có hiện tượng cá nuôi trong hồ bị chết, nước đục, mùi nước thải sơ chế cà phê, hiện người dân đã không dẫn nước từ suối vào hồ. Đoàn liên ngành tiếp tục lấy 2 mẫu nước hồ và nước dẫn vào hồ để tiến hành đánh giá chất lượng nguồn nước.

Nguyên nhân do đâu?

Câu chuyện ô nhiễm môi trường do ảnh hưởng từ hoạt động sơ chế, chế biến cà phê quả tươi của các hộ gia đình, cá nhân là vấn đề không mới và thường xuyên tái diễn. Có một thực tế đáng ghi nhận rằng, cây cà phê đang là cây trồng chủ lực trên địa bàn một số huyện, thành phố của tỉnh Sơn La.

Trong khi, đặc điểm cà phê Sơn La là cà phê quả tươi, sau khi thu hái nếu không sơ chế trong 24h sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, hương vị. Từ các địa phương khác, hầu như cà phê quả tươi đang đổ dồn về huyện Mai Sơn. Dù toàn tỉnh có 4 cơ sở chế biến cà phê quy mô tập trung, song mới chỉ đáp ứng thu mua, chế biến được khoảng ¼ sản lượng cà phê quả tươi.

Ông Hoàng Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ban, cho biết: Cà phê là cây trồng chủ lực xoá nghèo cho bà con Chiềng Ban nhiều năm nay. Toàn xã có 76 hộ đăng ký sơ chế cà phê, đa số các hộ đã có ý thức khi đào hố, lót bạt lưu chứa nước thải, gắn camera giám sát. Xã đã triển khai rà soát, ký cam kết với các hộ sơ chế về bảo vệ môi trường, thành lập 2 tổ công tác thường xuyên kiểm tra việc chấp hành của các hộ sơ chế.

2.jpg
Trung tâm Quan trắc TN&MT Sơn La lấy mẫu nước suối ô nhiễm tại xã Chiềng Ban.

Qua đó, phát hiện 3 trường hợp sơ chế cà phê không có hệ thống thu gom, xử lý, chưa có hồ sơ về môi trường. Tổ công tác yêu cầu dừng hoạt động sơ chế cà phê, niêm phong máy móc, đang hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm.

Song, sản lượng cà phê năm nay quá lớn, giá cao, nhân lực để kiểm soát phòng ngừa ô nhiễm của xã còn hạn hẹp, nên vẫn còn các trường hợp xả thải ra kênh thoát nước chung, xả vào suối.

Theo đánh giá sơ bộ của UBND huyện, một hộ gia đình cần khoảng 200- 300 triệu đồng và bố trí ít nhất khoảng 1ha đất mới có thể xây dựng được hệ thống thu gom, xử lý nước thải cà phê. Điều này rất khó áp dụng với tất cả các hộ gia đình, cá nhân, vì hầu hết các hộ này không có nghề nghiệp ổn định, kinh tế hộ gia đình chủ yếu là trồng trọt, sơ chế nông sản, không có đủ quỹ đất cũng như kinh phí để thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn.

Ông Nguyễn Sơn Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn thẳng thắn nhận định.

Do đó, nhằm trốn tránh lực lượng chức năng, các đối tượng vi phạm chủ yếu hoạt động vào 22 giờ hôm trước đến 5h sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ… gây cản trở công tác kiểm ta, xử lý vi phạm. Trong khi, chính quyền một số xã chưa tập trung quan tâm chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, còn ỷ lại và chông chờ vào cơ quan chuyên môn cấp huyện. Chưa phát huy được sức mạnh của người dân trong việc đấu tranh, tố giác những hành vi vi phạm về môi trường.

6.jpg
Kiểm tra khu vực hố biogas thu gom nước thải cà phê tại xã Chiềng Ban.

Giải pháp nào bền vững?

Niên vụ 2023-2024, toàn huyện Mai Sơn có trên 95.000 tấn cà phê quả tươi cho thu hoạch; 145 hộ thuộc 7 xã đăng ký sơ chế cà phê quả tươi.

Chủ động phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch thực hiện quản lý, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong hoạt động sơ chế, chế biến nông sản niên vụ 2023-2024.

Duy trì hoạt động Đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện. Từ đầu năm 2023 đến nay, Đoàn liên ngành đã tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện xử phạt 17 trường hợp vi phạm, tổng tiền phạt 537,5 triệu đồng, trong đó, đã tổ chức cưỡng chế 9 trường hợp.

Hiện nay, huyện Mai Sơn đã giao các xã tiếp tục rà soát, cập nhật lại danh sách các hộ sơ chế cà phê trên địa bàn, thống kê chi tiết số hố đào, dung tích hồ chứa, việc thực hiện lưu chứa nước thải, thủ tục trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Lập hồ sơ xử lý vi phạm với các hộ hoạt động sơ chế nhưng chưa thực hiện đăng ký môi trường; tạm giữ hoặc niêm phong toàn bộ máy móc liên quan đến hoạt động sơ chế cà phê khi chưa có hệ thống lưu chứa nước thải hoặc hệ thống lưu chứa không đảm bảo, chỉ cho phép hoạt động khi có hệ thống lưu chứa nước thải đảm bảo.

Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân về bảo vệ môi trường; chỉ đạo Ban quản lý các thôn, bản bám nắm địa bàn, kịp thời báo cáo UBND xã để ngăn chặn các hành vi xả nước thải từ hoạt động sơ chế cà phê ra môi trường.

Niên vụ 2020 - 2021, huyện Mai Sơn đã thực hiện thí điểm mô hình xử lý nước thải tại hộ gia đình ông Lò Văn Nghĩa, bản Phiêng Quài, xã Chiềng Ban. Tổng kinh phí thực hiện mô hình hơn 213 triệu đồng, trong đó, vốn do nhân dân bỏ ra khoảng 87 triệu đồng. Thực hiện theo hình thức nhà nước hỗ trợ kinh phí mua vật liệu lót chống thấm (bạt HDPE), các hạng mục còn lại theo mô hình hộ gia đình thực hiện.

Song, đây mới chỉ là những giải pháp trước mắt. Về lâu dài, UBND huyện đã giao Phòng NN&PTNT làm việc với các công ty chế biến cà phê lớn trên địa bàn, đề nghị ưu tiên thu mua nông sản cho nhân dân, giảm áp lực tiêu thụ cà phê quả tươi ra thị trường.

Giao Phòng TN&MT tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, đặc biệt chú trọng tuyên truyền hiệu quả mô hình xử lý nước thải hộ gia đình mà huyện đã triển khai để các hộ quy mô nhỏ lẻ chủ động tiếp cận, thực hiện.

Đồng thời, kiến nghị Sở TN&MT nghiên cứu phương án hướng dẫn huyện Mai Sơn về việc xây dựng các cụm xử lý chất thải nông sản theo quy mô cụm xã hoặc cụm hộ gia đình.

UBND huyện Mai Sơn kiến nghị UBND tỉnh giao Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động sơ chế, chế biến nông sản. Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm hoặc cố ý tái phạm nhiều lần để răn đe.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mai Sơn (Sơn La): Tổng kiểm tra, rà soát các cơ sở nông sản quy mô nhỏ lẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO