Mai Sơn siết chặt kiểm tra, ngăn chặn và xử lý các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sơ chế nông sản xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. |
Theo đó, Chủ tịch UBND huyện giao UBND các xã, trọng tâm là xã Chiềng Mung, Chiềng Ban, Chiềng Chung, Mường Chanh, Chiềng Mai, Chiềng Dong và Chiềng Ve tiếp tục kiểm tra các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân xả nước thải sơ chế cà phê, chăn nuôi chưa qua xử lý ra môi trường. Trường hợp phát hiện vi phạm kiên quyết ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nếu vượt quá thẩm quyền.
Giao Phòng Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND các xã lập hồ sơ xử lý các vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đảm bảo theo quy định; tham mưu cho UBND huyện xử lý các vi phạm liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của đơn vị.
Giao Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện hướng dẫn UBND các xã lập hồ sơ xử lý các vi phạm trong hoạt động kinh doanh theo quy định; tham mưu cho UBND huyện xử lý các vi phạm có liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của đơn vị (nếu có).
Giao Đoàn liên ngành theo Quyết định số 1618/QĐ-UBND ngày 8/7/2020 tiếp tục kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm theo quy định hiện hành.
Theo số liệu từ Phòng TN&MT huyện Mai Sơn, trong năm 2020, Đoàn liên ngành của UBND huyện Mai Sơn đã tổ chức 20 lượt kiểm tra, phát hiện và xử lý 12 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; kiểm tra và yêu cầu dừng hoạt động 3 hộ sản xuất sơ chế nông sản (sắn, dong), tại xã Cò Nòi.
Đã tham mưu cho UBND tỉnh xử phạt 1 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với số tiền 130 triệu đồng. Phối hợp với Sở TN&MT, Công an tỉnh kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường 3 trường hợp. Phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn và yêu cầu các đơn vị khắc phục các tồn tại sau thanh, kiểm tra.
Song song với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, UBND huyện đã tổ chức làm việc với 2 nhà máy chế biến đảm bảo điều kiện về bảo vệ môi trường trong sơ chế cà phê quả tươi, thống nhất ưu tiên thu mua cà phê của nhân dân trên địa bàn các xã vùng trồng để thực hiện sơ chế tại nhà máy. Hỗ trợ xây dựng thí điểm 1 mô hình xử lý nước thải sơ chế cà phê quả tươi để đánh giá hiệu quả, tiến tới nhân rộng trên địa bàn các xã thuộc vùng trồng cà phê, thúc đẩy người dân tự nhận thức, tự giác áp dụng các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tiếp tục triển khai thực hiện theo tiến độ dự án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước với quy mô diện tích 840 ha để nâng cao nhận thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước; bảo vệ sự ổn định của bờ và phòng, chống lấn chiếm đất ven nguồn nước; phòng chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm.