Đến nay, 6/7 trang trại chăn nuôi quy mô lớn đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; 1 trại đang hoàn thiện thủ tục cấp phép môi trường theo quy định. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn khá nhiều hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, hộ gia đình.
Để triển khai công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn, hàng năm, huyện Mai Sơn đã xây dựng Kế hoạch về quản lý, bảo vệ môi trường; tổ chức ký cam kết giữa Chủ tịch UBND cấp xã với Chủ tịch UBND huyện về tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các xã thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường nói chung và công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi nói riêng.
Thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và khoáng sản đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn với cơ quan thường trực là Công an huyện; thành lập Đoàn kiểm tra chấp hành pháp luật của các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn huyện năm 2022 và tổ chức thực hiện.
Kết quả, từ năm 2020 đến nay, UBND huyện đã kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính 6 trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về môi trường trong hoạt động chăn nuôi lợn với tổng tiền phạt hơn 400 triệu đồng. Quá trình kiểm tra kết hợp tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường với các cơ sở. Qua đó, có cơ sở sau khi bị xử phạt, đã chuyển đổi hình thức chăn nuôi từ chăn nuôi lợn sang chăn nuôi bò lấy thịt, phát sinh ít chất thải hơn và áp dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi; thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường.
Nhìn chung, bằng nhiều nỗ lực, công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi trên địa bàn huyện Mai Sơn đã có chuyển biến tích cực, mức độ gia tăng ô nhiễm dần được hạn chế. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường với các trang trại quy mô vừa và nhỏ còn gặp khó khăn. Nghị định xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường yêu cầu cơ sở vi phạm phải di dời đến địa điểm phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong khi hiện nay chưa quy hoạch địa điểm phù hợp yêu cầu của Luật được lập và phê duyệt.
Trong khi đó, các hộ chăn nuôi lợn là các hộ gia đình, cá nhân không có công ăn việc làm ổn định, thu nhập chủ yếu từ hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm, không có đủ quỹ đất để thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn. Hầu hết các chuồng trại chăn nuôi lợn nằm trong khu dân cư được xây dựng và hoạt động trước thời điểm Luật chăn nuôi có hiệu lực thi hành. Nhận thức về bảo vệ môi trường của hầu hết các hộ gia đình chăn nuôi lợn quy mô vừa và nhỏ còn hạn chế, có tình trạng cố tình không chấp hành yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, còn né tránh, chống đối khi được kiểm tra.
Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường trong hoạt động chăn nuôi, huyện Mai Sơn sẽ tăng cường chỉ đạo UBND cấp xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường.
Chỉ đạo các cơ quan có liên quan rà soát và có giải pháp xử lý với các cơ sở, hộ chăn nuôi không đủ điều kiện chăn nuôi theo quy định. Vận động người dân, cộng đồng dân cư mạnh dạn đấu tranh với những hành vi gây ô nhiễm môi trường và di chuyển chuồng trại ra xa khu dân cư, trước mắt yêu cầu giảm quy mô chăn nuôi đối với các cơ sở không đảm bảo khoảng cách an toàn trong chăn nuôi.
Duy trì, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường với các cơ sở chăn nuôi tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm, đặc biệt là việc kiểm tra đột xuất, phát hiện, xử lý và kiến nghị xử lý vi phạm ngay từ khi các cơ sở mới có hành vi vi phạm.