Đoàn liên ngành tăng cường kiểm tra việc xử lý nước thải cà phê tại các hộ sơ chế cà phê |
Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, từ đầu năm 2020, UBND huyện đã thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản và đất đai của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; ban hành Kế hoạch khắc phục hạn chế, khuyết điểm năm 2019 trong lĩnh vực này; 8 văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm. Thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình và kịp thời chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện công tác phòng ngừa ô nhiễm.
Trước khi bước vào niên vụ cà phê 2020 - 2021, UBND huyện đã triển khai kiện toàn Đoàn liên ngành. Đoàn đã làm việc với Thường trực UBND các xã nơi có hoạt động sơ chế cà phê quả tươi và tiến hành rà soát số hộ đã đầu tư máy móc, thực hiện sơ chế và có khả năng sơ chế niên vụ 2020 - 2021. Qua rà soát, có 104 hộ thực hiện sơ chế từ 2 tấn/ngày trở lên, chủ yếu tập trung ở các xã Chiềng Ban và Chiềng Mung. Từ cuối tháng 9 tới nay, Đoàn liên ngành đã thực hiện kiểm tra, lập hồ sơ giao cho UBND xã xử lý vi phạm theo quy định với 9 trường hợp.
Đặc biệt, ngày 7/10, nhận được tin báo tình hình ô nhiễm nguồn nước hồ bản Bon, xã Mường Bon, UBND huyện chỉ đạo Đoàn liên ngành phối hợp với Công an tỉnh, Sở TN&MT kiểm tra, xác minh nguồn gây ô nhiễm. Hồ bản Bon được đầu tư với mục đích phục vụ sản xuất nông nghiệp nên không có thiệt hại về tài sản của người dân.
Đoàn liên ngành đã kiểm tra, rà soát khu vực đầu nguồn, phát hiện 3 hộ dân thực hiện sơ chế cà phê quả tươi có xả nước thải chưa qua xử lý ra suối dẫn về hồ bản Bon. Đã tạm giữ 3 máy xúc liên quan đến hoạt động sơ chế; lấy 2 mẫu nước để đánh giá mức độ ô nhiễm, xác minh nguyên nhân gây ô nhiễm, củng cố hồ sơ xử lý các hành vi vi phạm theo quy định. Đến ngày 20/10, Hồ bản Bon nước đã trong và không còn mùi hôi khó chịu.
Mặt khác, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp & PTNT làm việc với Công ty Cổ phần Phúc Sinh Sơn La, Hợp tác xã xây dựng và Phát triển nông thôn Mường Chanh ưu tiên thu mua sản lượng cà phê quả tươi của các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện.
Qua rà soát, huyện Mai Sơn có 104 hộ gia đình thực hiện sơ chế từ 2 tấn/ngày trở lên, chủ yếu tập trung ở các xã Chiềng Ban và Chiềng Mung |
Ông Lò Văn Biên, Trưởng phòng TN&MT huyện Mai Sơn cho biết: Trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm với các cơ sở còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Do các cơ sở sơ chế quy mô hộ gia đình sử dụng máy móc tự chế để sơ chế cà phê quả tươi gây khó khăn trong việc xác định quy mô, công suất của cơ sở, cũng như xác định giá trị tài sản của hộ để xác định hành vi vi phạm và cưỡng chế thực hiện. Các cơ sở chủ yếu hoạt động từ 5 - 6h và 19 - 24h, gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm.
Trên địa bàn huyện cũng có nhiều hang Karst nên việc xác định chủ thể gây ô nhiễm nguồn nước gặp nhiều khó khăn. Nhận thức về bảo vệ môi trường của một số người dân còn hạn chế. Trong khi đó, Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chưa quy định rõ trình tự, thủ tục cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả phòng ngừa ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn nước trong hoạt động sơ chế cà phê, UBND huyện Mai Sơn đã giao UBND các xã tiếp tục duy trì tổ công tác triển khai kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Rà soát, phân loại quy mô sơ chế cà phê quả tươi của các hộ gia đình, cá nhân. Huy động lực lượng phối hợp với Đoàn liên ngành của huyện, tỉnh tạm giữ máy móc, thiết bị liên quan đến hoạt động sơ chế cà phê với các trường hợp vi phạm. Tiếp tục tuyên truyền vận động người dân đưa cà phê đến Nhà máy sơ chế, chế biến đủ điều kiện về môi trường.
Giao Đoàn liên ngành trên cơ sở kết quả rà soát, phân loại của UBND các xã, xây dựng phương án, huy động lực lượng tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động sơ chế cà phê quả tươi của các tổ chức, cá nhân. Kiên quyết không để các hộ không có hệ thống xử lý nước thải được hoạt động.