Mai Sơn siết chặt bảo vệ môi trường trong sản xuất VLXD

Nguyễn Nga| 10/12/2019 16:14

(TN&MT) - Trên địa bàn huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La hiện có 10 đơn vị đang hoạt động khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng. 100% đơn vị đã thực hiện việc lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường và được phê duyệt theo quy định; đã đầu tư, xây dựng các công trình bảo vệ môi trường.

100% đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản, sản xuất VLXD trên địa bàn huyện Mai Sơn đã thực hiện lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định

Trong đó, có 6/7 đơn vị được Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra và xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án; 3/3 đơn vị đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo kế hoạch bảo vệ môi trường đã được phê duyệt.

Hàng năm, UBND huyện đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thanh tra, kiểm tra đối với 10 đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn. Công tác kiểm tra chủ yếu đôn đốc các đơn vị hoàn thành các nội dung theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Bên cạnh đó, UBND huyện đã tổ chức kiểm tra theo phản ánh của nhân dân như: Tình trạng ô nhiễm môi trường do bụi phát sinh đối với Công ty cổ phần thương mại Hiền Luyến; Tổ hợp khai thác đá Đức Hiền, việc vận chuyển nguyên liệu của Công ty cổ phần xi măng Mai Sơn…

Qua kiểm tra, cho thấy, một số cơ sở vẫn chưa thực hiện đầy đủ các nội dung theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt như: Chưa thực hiện công tác quan trắc giám sát môi trường định kỳ hoặc các nội dung Báo cáo trong quan trắc giám sát môi trường chưa đầy đủ, chỉ tiêu phân tích còn thiếu, không đúng với nội dung đã cam kết; công tác phun nước giảm thiểu lượng bụi phát sinh chưa thực hiện thường xuyên, công tác quản lý chất thải nguy hại chưa đáp ứng được yêu cầu…

Cùng với đó, trong giai đoạn 2016-2018, UBND huyện đã ban hành 13 văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã thị trấn thường xuyên giám sát địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý những tổ chức, cá nhân có hành vi khai thác đất làm vật liệu san lấp, khai thác khoáng sản trái phép.

Đến nay 100% các lò gạch đất sét nung thủ công gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện đã được xóa bỏ.

Trong giai đoạn 2016-2018, công tác bảo vệ môi trường với các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng đã được huyện Mai Sơn quan tâm, triển khai thực hiện.

Nhìn chung, trong giai đoạn 2016-2018, công tác giám sát bảo vệ môi trường với các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng đã được huyện Mai Sơn quan tâm, triển khai thực hiện.

Qua công tác kiểm tra, xử lý hành chính của các cơ quan chức năng, tình trạng khai thác đất làm vật liệu san lấp và khai thác khoáng sản trái phép có chiều hướng giảm dần theo từng năm; các tổ chức, cá nhân đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản.

Trong giai đoạn 2016-2018, UBND huyện đã xử phạt 13 trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về khoáng sản, với tổng số tiền thu nộp ngân sách hơn 200 triệu đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, quá trình thực thi nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong sản xuất vật liệu xây dựng còn tồn tại một số vướng mắc. Để đánh giá mức độ ô nhiễm cần phải có thiết bị, máy móc chuyên ngành, nhưng hiện nay việc đánh giá chủ yếu bằng trực quan, do đó khó khăn trong việc xác định mức độ hành vi vi phạm làm căn cứ để xử lý.

Việc xử lý vi phạm trong khai thác khoáng sản trái phép (cát, vàng…) gặp nhiều khó khăn, như: Chưa có bến bãi để tạm giữ, lai dắt các tàu, thuyền vi phạm về nơi tạm giữ; các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép và vận chuyển khoáng sản chủ yếu về đêm, ngày nghỉ, thường xuyên di chuyển tàu khai thác, thay đổi địa điểm khai thác trên sông, neo đậu tại khu vực giáp ranh các huyện; tập kết lán trại, khai thác tại nơi có địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, gây khó cho việc bắt quả tang xử lý vi phạm.

Trong thời gian tới, huyện Mai Sơn đề nghị UBND tỉnh ban hành quy trình xử lý vi phạm, tạm giữ, tịch thu, phát mại tang vật, phương tiện... đối với các trường hợp đặc biệt (tại nơi có địa hình hiểm trở, khó khăn). Chỉ đạo Công an giao thông đường thủy kiểm tra các tàu khai thác cát, tàu cuốc tự chế; xử lý các trường hợp mở bến bãi tập kết cát trái phép trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mai Sơn siết chặt bảo vệ môi trường trong sản xuất VLXD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO