Mai Châu: Nông dân đổi đời với cách làm Homestay
Nhiều năm trở lại đây, bản Chà Đáy (xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) đã chuyển mình mạnh mẽ nhờ làm du lịch...
Trước đây, xã Pà Cò từng một thời được coi là thủ phủ của cây anh túc. Không những trồng cây thuốc phiện, người dân còn phá rừng làm nương, rẫy để trồng ngô, lúa. Tuy nhiên trong nhiều năm trở lại đây, được sự quan tâm, tuyên truyền, vận động của Đảng, Nhà nước, xã Pà Cò đã chuyển mình mạnh mẽ trong cả nhận thức lẫn hành động, nhiều hội viên nông dân xã Pà Cò chuyển sang làm du lịch cộng đồng.
Nhờ đó, nhiều bản làng ở Pà Cò đã "thay da đổi thịt", trong số đó là bản Chà Đáy của xã Pà Cò. Người Mông nơi đây đã biết trồng hoa, xếp đá tai mèo thành hàng rào quanh nhà, tạo nên những bản làng đẹp như tranh vẽ để làm du lịch, thu hút nhiều khách thập phương đến tham quan và trải nghiệm. Đặc biệt, nhờ mô hình này mà người dân xã Pà Cò có thêm thu nhập ổn định cuộc sống.
Anh Phàng A Páo xóm Chà Đáy, xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình là một điển hình, làm du lịch homestay từ năm 2018 quá trình tích lũy kinh nghiệm và mở rộng mô hình Homestay, anh Phàng A Páo có sự đầu tư chịu khó học hỏi nên cơ bản các cách thiết kế các ngôi nhà luôn mang đậm phong thái nhà truyền thống của dân tộc Mông.
A Páo cho biết, Chi hội được thành lập ngày 29/10/2021, nhằm tập hợp các hội viên nông dân trên địa bàn xã Pà Cò liên kết chặt chẽ với nhau làm du lịch cộng đồng, qua đó góp phần nâng cao đời sống cho hội viên. Năm 2021, khi mới thành lập, Chi hội Nông dân nghề nghiệp Pà Cò "Homestay H'Mông và Trải nghiệm nông nghiệp" chỉ có 23 thành viên. Nhưng đến nay, Chi hội đã có 35 thành viên tham gia với 6 cơ sở kinh doanh du lịch cộng đồng. Từ đầu năm đến nay, 6 homestay đã đón hơn 4.000 lượt khách đến lưu trú và trải nghiệm và đem về doanh thu hơn 800 triệu đồng.
Theo A Páo, mô hình homestay của gia đình được xây dựng và bắt đầu đón khách từ năm 2018. Tính đến nay, đã thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan và trải nghiệm. Ngoài dịch vụ lưu trú và ăn uống, homestay của gia đình còn khai thác một số dịch vụ kèm theo như biểu diễn văn nghệ, giới thiệu cho du khách đi thăm bản làng, trải nghiệm sắc màu văn hóa, đời sống người dân bản địa, tham gia các trò chơi dân gian. Trung bình mỗi năm, Homestay A Páo cho thu nhập hơn 100 triệu đồng và tạo việc làm ổn định cho 4 - 5 lao động tại địa phương.
Anh A Páo cho biết thêm, mô hình homestay của gia đình anh có đầy đủ các hoạt động trải nghiệm thăm quan bản làng người Mông, các vườn hoa đào, hoa mận, đồi chè shan tuyết xanh mướp, được trải nghiệm vẽ sáp ong, làm giấy giang truyền thống, đi săn mây. Đặc biệt là thăm quan chợ phiên Pà Cò với rất nhiều hàng thổ cẩm, chợ đêm Giao lưu văn hóa Mông Pà Cò với nhiều tiết mục giao lưu văn hóa văn nghệ mang đậm văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức các món ăn ẩm thực như rượu ngô, rượu mận, các món ăn lợn bản, gà đen Hmông, mèn mén các loại rau sạch như rau cải mèo, susu, ngọn đậu mèo của bản địa….
Chính những trải nghiệm thú vị không giống những điểm du lịch khác đã thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Pà Cò. Và cũng nhờ những hiệu quả đem lại từ mô hình du lịch cộng đồng, gia đình anh cũng đã có thêm thu nhập, việc làm và vượt lên thoát nghèo.
Hiện nay, gia đình Phàng A Páo đã xây dựng thêm một số nhà sàn, công trình phục vụ cho việc đón khách thuận lợi. Cùng với sự phát triển chung của huyện, của xã trong quá trình xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch cộng đồng và gia đình tôi ngày càng đón nhiều khách đến thăm quan du lịch hơn. Khách nước ngoài chủ yếu là khách Châu Âu đến nhiều hơn, đặc biệt khách nội địa từ các tỉnh như Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Hòa Bình…
Ông Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mai Châu cho biết, trong thời gian tới, huyện vị sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình homestay hiệu quả, phù hợp để giúp bà con giảm nghèo bền vững.
Mục tiêu sắp tới trong việc phát triển du lịch cộng đồng của xã nói riêng và địa phương nói chung là tiếp tục đề xuất cấp ủy, chính quyền huyện, tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, xúc tiến quảng bá, cải thiện hạ tầng cơ sở, đặc biệt là giao thông. Song song với đó là việc phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới như du lịch trải nghiệm văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc để hấp dẫn du khách hơn. Từ đó, từng bước nâng cao thu nhập ổn định cho các hộ gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ông Thế Anh nhấn mạnh. Cùng với đó, xã sẽ hướng đến xây dựng ban quản lý giám sát mô hình du lịch cộng đồng đã được hình thành, tổ chức định hướng, tập huấn nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân tham gia phát triển du lịch. Trong đó, xác định thị trường chính của du lịch cộng đồng, từ đó xây dựng sản phẩm phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia vào loại hình du lịch này, để đưa du lịch cộng đồng phát triển bài bản và lên một tầm cao mới.