Điều lạ, ý kiến người dân phản ánh nhiều về 1 số nhà sàn "mọc lên" làm điểm dừng nghỉ, lưu trú và trạm bê tông cùng bãi tập kết VLXD bất hợp lý này lên xã, huyện. Nhưng đến nay, vẫn tồn tại, có hay không việc khuất tất ở đây?
Trao đổi với phóng viên, chị H.T.N, một người dân địa phương, sinh sống tại ngã ba xã Tòng Đậu, ngay dưới chân đèo Thung Khe bất bình cho biết: “Khoảng hơn 3 năm nay, không hiểu được sự “giúp sức” của ai, mà chúng tôi thấy Công ty bê tông Tiến Phương lại cho máy xúc, máy gạt, gạt phăng đi cả 1 vạt đất ven đường quốc lộ 6, ngay trên đỉnh dốc, gần khu nghĩa địa đó để làm mặt bằng trạm trộn bê tông. Vật liệu xây dựng chở từ khắp nơi về, đánh đống lớn ven hành lang giao thông của đường QL6. Xe chở nặng, cát, mạt rơi vãi khắp.
Còn nước thải của trạm trộn, các anh cứ lội bùn, đi men theo hướng nhà nghỉ Bảo Ngọc mà vào sẽ thấy nó như thế nào. Ngày xưa, chúng tôi còn dùng nước hồ Tòng Đậu, còn giờ, nói thật, rất sợ. Bà con tiếc cả 1 hồ nước ngọt lớn, mà lại thành hồ nước bỏ hoang và có nguy cơ xâm hại bởi ô nhiễm môi trường. Đã đến lúc thường trực tỉnh ủy, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cần quan tâm, chỉ đạo, xem xét thực tế tại đây” - Chị N. cho biết.
Đoàn xe chở bê tông của Công ty Tiến Phương |
Bãi vật liệu xây dựng đổ tràn ra hành lang an toàn giao thông QL 6 |
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Dũng, một người có thâm niên làm nghề đổ bê tông cũng cho biết: Cần phải xem xét cả đầu vào của nguồn nguyên liệu vật liệu xây dựng của doanh nghiệp này, bởi thời gian qua, tình trạng “cát tặc” Sông Mã chở ra khu vực QL6 này khá nhiều, rất nhiều doanh nghiệp “nhập nhoạng”, mua nguồn cát giá rẻ để làm hạ giá thành sản phẩm của mình đi. Nhưng lại vô hình trung, tiếp tay cho “cát tặc” có đường sống.
Theo chân 1 người dân sinh sống ở đây, người này đã chở phóng viên xuống ven hồ bằng xe máy. Và phóng viên đứng bên bờ quan sát sang phía bên kia nơi có trạm trộn. Phóng viên thấy nguy cơ ô nhiễm Hồ Tòng Đậu là có thật. Bởi hàng ngày, nhiều khối bê tông được trộn, sàng tại đây và chở đi các công trình. Vậy những nước thải, cát, nước xi sẽ trôi đi đâu? Nhất là khi trạm trộn bê tông Tiến Phương đặt ở trên cao, mà hồ Tòng Đậu nằm tọt xuống phía dưới.
Cũng theo anh Dũng phân tích, tình trạng VLXD đối với một số huyện như Mai Châu, Tân Lạc, Mộc Châu, Vân Hồ là khan hiếm. Cát trong đơn giá chủ yếu là lấy cát từ sông Đà chở lên. Điều đó khiến giá thành đẩy lên rất cao. Nhưng không hiểu sao, một số trạm trộn bê tông, bán bê tông tươi lại rất rẻ, chở khắp nơi. Liệu nguồn nguyên liệu đó có đúng quy định của pháp luật ? Điều này cứ thanh tra là sẽ rõ ngay, anh Dũng nhấn mạnh.
Những bãi cát, sỏi này đổ đây làm khuất tầm nhìn của các phương tiện giao thông |
Rộng đường dư luận, Phóng viên đã đến UBND huyện Mai Châu để đặt lịch làm việc với ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch UBND huyện Mai Châu. Tiếp phóng viên, ông Nguyễn Phú Cường, Chánh Văn phòng UBND huyện Mai Châu sau khi nghe qua nội dung phóng viên đăng ký làm việc gồm: Đề nghị huyện cung cấp thông tin về việc trạm trộn bê tông của Cty Tiến Phương đặt tại ven đường Quốc Lộ 6, xã Tòng Đậu, có nằm trong việc vi phạm hành lang an toàn giao thông hay không? Báo cáo đánh giá tác động môi trường có không? Đất này là đất gì, Đất rừng hay đất phục vụ sản xuất công nghiệp, cùng các hoạt động khai thác khoáng sản khác trên địa bàn huyện Mai Châu...
Cần sớm làm rõ những khuất tất tại trạm bê tông Tiến Phương |
Tuy nhiên, sau đó ông Nguyễn Phú Cường cho biết, hiện lãnh đạo huyện đi họp, có gì sẽ “bố trí” làm việc sau. Nhưng rồi ông này “bặt vô âm tín”.
Tiếp đó, một thời gian trôi đi, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường tiếp tục gọi điện thoại đến cho ông Cường để hỏi, nhưng ông này không nghe máy (dù việc khác, ông này có trả lời), nhắn tin nội dung muốn tìm hiểu về trạm bê tông này thì ông Cường không trả lời dứt khoát sự việc!
Qua tìm hiểu phóng viên được biết: Trạm trộn bê tông Tiến Phương thuộc Công ty TNHH Tiến Phương, do ông Đặng Hòa làm giám đốc, có địa chỉ tại một huyện khác. Nhưng không hiểu sao, doanh nghiệp này lại lên đây dựng trạm và sản xuất bê tông.
Cùng đó, ngay tại gần trạm trộn bê tông này cũng có 2 điểm dừng nghỉ nhà sàn lẳng lặng dựng lên làm điểm ăn nghỉ, lưu trú khi hỏi đến, phần lớn người dân địa phương đều đề nghị làm rõ lý do tại sao những khu đất này trước là đất rừng mà giờ lại thành đất kinh doanh, dịch vụ?…
Việc trạm trộn bê tông Tiến Phương đặt trạm trộn trên bờ ven Hồ Tòng Đậu, đổ vật liệu xây dựng ngay sát quốc lộ 6, gây ảnh hưởng gián tiếp đến tầm quan sát, đường giao thông là điều đáng báo động. Đã đến lúc các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình cần phải sớm làm rõ.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phản ánh các vấn đề bức xúc, tồn tại ở đây.