Người dân tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông khổ sở vì “mở mắt ra ruộng đã thành sông”. Dọc bờ sông Krông Nô đoạn qua trạm bơm số 5, khoảng 2km đường nội đồng đất lở toang hoác, nhiều đoạn đường nội đồng ven sông bị “hà bá” nuốt chửng.
Anh Đỗ Sơn Lâm (thôn Nam Thanh, xã Nâm NĐir) chia sẻ, năm 2001, gia đình anh khai hoang được hơn 4ha đất tại khu vực này, nay sông đã “nuốt mất” hơn 2,5ha. Gia đình đã 5 lần phải chuyển nhà để “chạy sạt lở” nhưng vẫn còn nhiều điểm nứt nẻ, sắp bị sông cuốn trôi.
Còn anh Trần Văn Xuân (có đất gần anh Lâm), mất 8 sào đất xuống sông Krông Nô cho biết, đặc điểm đất đai ở khu vực này là đất cát pha dễ sạt lở. Đặc biệt, từ ngày có nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah (do Công ty Thủy điện Buôn Kuôp, Đắk Lắk quản lý) đầu nguồn khiến chế độ dòng chảy liên tục thay đổi, đất ven sông sạt lở nghiêm trọng hơn.
Tàu hút cát trái phép |
“Dòng chảy ổn định hàng trăm năm của sông Krông Nô bị chế độ dòng chảy “1 ngày 2 mùa” của thủy điện phá vỡ. Nhiều đoạn sông đã thay đổi hẳn đường đi, lấn sâu vào đất của dân. Mất đất, nguy cơ tái nghèo kề cận, nhiều năm nay người dân làm hàng trăm lá đơn, hàng chục lần kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền để mong có giải pháp nhưng đến nay, sạt lở chưa được ngăn chặn” - anh Xuân nói.
Ông Lê Đức Cường, Chủ tịch UBND xã Nâm NĐir (Krông Nô), đưa ra một thống kê giật mình, đến nay, xã có hơn 40 hộ dân bị mất hơn 17ha đất nông nghiệp trên chiều dài gần 4km bờ sông, có những đoạn sông “ăn” vào sâu hơn 100m. Sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra, nếu các công ty thủy điện, khai thác cát không sớm hỗ trợ kinh phí để kè bờ, sẽ có thêm nhiều diện tích nữa của người dân bị cuốn trôi,
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, khu vực trạm bơm số 5 - Đắk Rền (xã Nâm NĐir) chỉ là 1 trong 19 điểm sạt lở nghiêm trọng (với tổng chiều dài hơn 9.700m) trên sông Krông Nô chảy qua tỉnh này. Tính đến nay, từ trạm bơm số 4 đến trạm bơm số 5 (dài khoảng 1,5km) tiếp tục xuất hiện sạt lở (có điểm sạt ở sâu vào đất người dân 150m), làm đứt hẳn một đoạn đường nội đồng và 250m đường kênh N5. Huyện Krông Nô đã trích kinh phí dự phòng gần 1 tỷ đồng từ ngân sách địa pương để tạm thời khắc phục sự cố…
Ông Trần Văn Khánh, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp thừa nhận một trong những nguyên nhân sạt lở nghiêm trọng bờ sông Krông Nô là do tác động từ quy trình vận hành nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah ở thượng nguồn. Tuy vậy, ông Khánh cho rằng, sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn còn do hút cát thiếu kiểm soát khiến sông thay đổi địa hình.
“Hiện nay, chúng tôi đã thống nhất địa phương để hỗ trợ kinh phí, khắc phục sạt lở bờ sông, bồi thường cho người dân mất đất” - ông Khánh nói. Trước đó, từ năm 2011 đến 2017, qua thống kê ở hai huyện Lắk (Đắk Lắk) và Krông Nô (Đắk Nông) có khoảng 35ha bị sạt lở, 74ha bị ngập và khoảng 160ha bị ảnh hưởng ngắn hạn do thủy điện. Đến nay, Công ty Buôn Kuốp đã hỗ trợ bồi thường cho 605 hộ dân bị ảnh hưởng là hơn 63 tỷ đồng.
Nhiều hộ dân chấp nhận bán đất cho "cát tặc" |
Sạt lở bờ sông vẫn chưa dừng lại ở đó, dọc hai bên đường dẫn vào các thôn của xã Buôn Chóa (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), những cánh đồng ngô, lúa đang giai đoạn phát triển xanh mơn mởn. Đất mang đến những mùa vụ bội thu nên mỗi mảnh đất bị sạt xuống dòng sông khiến người dân nơi đây đứng ngồi không yên. Theo ông Bùi Thanh Hàn, Trưởng thôn 3, dọc theo sông Krông Nô khoảng 1,5km, hầu như gia đình nào trong thôn cũng bị ảnh hưởng bởi sạt lở do khai thác cát. Trong số các hộ có đất bị sạt lở, có 3 hộ đã đành phải bán đất cho “cát tặc”.
Gia đình bà Vương Thị Ý, trú tại thôn 3, sau nhiều lần giữ đất, nhưng diện tích đất vườn cứ thế sạt xuống, đành “thỏa hiệp” bán 1 sào đất với giá 12 triệu đồng cho “cát tặc”. Sau khi bán xong, tàu hút cát ngày đêm neo đậu, đặt vòi rồng sát bờ đất của gia đình bà Ý để hút cát.
Bà Ý buồn bã: “Ngày trước, gia đình hàng ngày cứ phải canh chừng, lúc nào có tàu khai thác cát chạy qua vườn là phải ra xua đuổi ngay. Nhưng chỉ được ban ngày, trong khi đó, những tàu hút cát thường khai thác vào đêm khuya, khiến đất sạt lở dần, nên gia đình đành bất lực, bán luôn đất cho chúng. Không bán thì tàu hút cát cũng khai thác, đất vẫn tiếp tục sạt lở, bán đi còn vớt vát được ít đồng”.
Bán đất nhiều nhất phải kể đến người dân ở thôn 1. Nhiều hộ dân bán đất cho “cát tặc” đều giải thích, đó là hậu quả của một quá trình cố gắng giữ đất không thành, đành buộc lòng phải bán để vớt vát chút đỉnh, vì có bán hay không, toàn bộ diện tích đất cũng bị sạt lở.
Người dân tỉnh Đắk Lắk khổ sở vì "mở mắt ra ruộng đã thành sông" |
Ông Lương Văn Đoàn, Chủ tịch UBND xã Buôn Chóa (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) cũng xác nhận có việc người dân phải bán đất cho các chủ tàu hút cát nhưng “xã không thống kê cụ thể được”. Giá bán đất cũng chỉ cao nhất là 18 triệu đồng/1 sào, rẻ hơn nhiều so với giá thị trường. Việc mua bán này không thông qua xã nên chưa ngăn chặn được vụ nào. Tuy vậy, xã cũng tăng cường tuyên truyền để người dân giữ đất, vì càng bán, đất càng sạt lở vào sâu hơn.
“Khoảng 5km dọc sông Krông Nô, hàng trăm hộ dân của xã có đất bị ảnh hưởng do nạn khai thác cát trái phép với tổng diện tích khoảng 80ha bị sạt lở. Tuy vậy, thẩm quyền giải quyết, xử lý tài sản đối với cấp xã là dưới 5 triệu đồng nhưng những thuyền máy có giá trị hàng trăm triệu đồng” - ông Lương Văn Đoàn Chủ tịch UBND xã Buôn Chóa nói.