Ma trận “cát tặc” trên dòng Krông Nô - Bài cuối: “Lỗ hổng” quản lý

Xuân Lam - Phạm Hoài| 03/12/2019 12:06

(TN&MT) - Do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền hai địa phương trong quản lý khai thác cát trái phép trên sông Krông Nô, nên khu vực này đã trở thành địa điểm phức tạp về nhiều mặt.

Nhiều năm nay, trên tuyến sông Krông Nô, đoạn qua địa bàn huyện Krông Nô được xem là điểm nóng về khai thác cát “trái phép”. Khu vực này, có địa hình khá phức tạp là nơi tiếp giáp của 3 tỉnh (Đắk Nông, Đắk Lắk và Lâm Đồng). Do đó, quản lý, xử lý các đối tượng khai thác trái phép lâu nay gặp không ít khó khăn.

UBND huyện Krông Nô triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để trấn áp các đối tượng khai thác cát trái phép. Theo Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông, trên dọc tuyến sông Krông Nô có 6 đơn vị doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát. Hiện tại, các đơn vị này đều cơ bản chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật. Tuy vậy, do đặc thù của dòng sông Krông Nô nằm giữa tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk nên trong quá trình tuần tra, kiểm soát xử lý các đối tượng hoạt động khai thác trái phép còn khó khăn. Có tình trạng các đối tượng đang khai thác trái phép khi phát hiện có cơ quan chức năng, “cát tặc” nhanh chóng rút lui về bên tỉnh Đắk Lắk.

Dọc tuyến sông Krông Nô có 6 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát

Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Đắk Nông tình hình khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn đã từng bước đi vào quy củ, các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân vi phạm đã bị xử phạt nghiêm khắc để răn đe. Điển hình, ngày 25/9, trong quá trình tuần tra, kiểm soát lực lượng chức năng đã phát hiện 4 tàu hútcát trái quy định tại xã Buôn Choa, huyện Krông Nô. Sau khi xem xét, đối chiếu các quy định, UBND tỉnh Đắk Nông đã phạt hành chính tổng số tiền 135 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Tây Nguyên và buộc đơn vị này phải san lấp, cải tạo, phục hồi môi trường.

Tuy vậy, một “lỗ hổng” quản lý đã lộ ra, tại thời điểm lực lượng chức năng bắt giữ 4 tàu sắt hút cát trái quy định ngay sát bờ sông Krông Nô, Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Tây Nguyên mặc dù, đã được cấp phép khai thác cát hơn 4 năm nhưng vẫn chưa có bến bãi tại tỉnh Đắk Nông, không đăng ký về số lượng tàu và thời gian khai thác.

Do không có bãi tập kết cát ở địa phận tỉnh Đắk Nông, nên Công ty Tây Nguyên đã liên kết với Hợp tác xã Đoàn Kết (xã Ea Na, huyện Krông Ana, Đắk Lắk) để khai thác cát, sau đó, vận chuyển về bãi tập kết cát của Hợp tác xã Đoàn Kết để tiêu thụ. Cú “bắt tay” để hút cát “lậu” đã bị phát hiện vào ngày 25/9 vừa qua, khi cơ quan chức năng huyện Krông Nô phối hợp với chính quyền xã Buôn Choah đã bắt quả tang 4 tàu sắt đang sục vòi rồng hút cát trái phép ngay bờ sông Krông Nô.

 

Ông Trương Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, để đảm bảo công tác quản lý về khai thác khoáng sản được ổn định và hiệu quả. Thời gian qua, UBND tỉnh Đắk Nông và UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký kết quy chế phối hợp quản lý, giám sát đối với các đơn vị, doanh nghiệp hiện đang khai thác cát dọc tuyến sông Krông Nô cùng xử lý những trường hợp khai thác trái phép. “Quan điểm của tỉnh Đắk Nông luôn chú trọng quản lý và tích cực phối hợp, thực hiện đúng quy chế đã ký kết với tỉnh Đắk Lắk”, ông Tùng khẳng định.

Ông Tùng cũng cho biết, để quản lý tốt nguồn tài nguyên khoáng sản cần tăng cường kiểm tra, giám sát đồng bộ từ các cấp ngành. “UBND tỉnh đã ban hành rất nhiều văn bản nhằm tăng cường kiểm tra, xử lý từ địa phương và các Sở ngành để hạn chế tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản không đúng quy định”, ông Tùng nói thêm.

Còn ông Trần Văn Sỹ - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk cho rằng, việc cấp phép khai thác khoáng sản nói chung, khai thác cát trên sông tại khu vực giáp ranh các tỉnh nói riêng theo quy định, phải tuân thủ theo địa giới hành chính để cấp phép. Tuy vậy, trên cùng một khúc sông giáp ranh 2 tỉnh nếu không có sự phối hợp tốt trong công tác cấp phép, rất khó quản lý và có thể xảy ra tranh chấp, khiếu nại giữa các đơn vị được cấp phép.

“Để ngăn chặn tình trạng này, các cấp chính quyền và các ngành chức năng của các tỉnh cần có sự phối hợp đồng bộ, đề ra các biện pháp mạnh nhằm chấn chỉnh lập lại trật tự khai thác cát trên sông Krông Nô, nhất là đoạn giáp ranh giữa xã Buôn Choa, huyện Krông Nô, tỉnh Ðắk Nông với các xã Ea Na, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông A Na, tỉnh Ðắk Lắk”.

Ông Bùi Văn Đào Cục trưởng                                                                                                                            Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Trung                                                                                        (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam - Bộ TN&MT)

Theo ông Sỹ, để giải quyết vấn đề này, thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk cùng với các tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng đã ký ban hành quy chế về quản lý khai thác khoáng sản khu vực giáp ranh. Ông Sỹ cũng cho biết thêm, hiện đang làm việc với tỉnh Lâm Đồng để thống nhất về quan điểm, nguyên tắc giải quyết hồ sơ cấp phép khu vực giáp ranh nhằm tạo thuận lợi trong quản lý Nhà nước, đảm bảo an ninh khu vực cũng như tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư khai thác có hiệu quả.

Thực tế, những năm qua, do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền hai địa phương trong quản lý khai thác cát trái phép trên sông Krông Nô, nên khu vực này đã trở thành địa điểm phức tạp về nhiều mặt. Hơn nữa, cần phải quản lý chặt chẽ và quy hoạch thật cụ thể địa bàn khai thác cát, từ đó, có chính sách đền bù cho những hộ dân có đất bị sạt lở do khai thác. Cũng cần nghiêm cấm triệt để khai thác cát ở những đoạn sông dễ gây sạt lở. Có như vậy, Nhà nước vừa không thất thu nguồn phí và thuế tài nguyên, còn người dân hai bên bờ sông mới an tâm sản xuất.

Theo Khoáng sản
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ma trận “cát tặc” trên dòng Krông Nô - Bài cuối: “Lỗ hổng” quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO