Lý Sơn được ví như “thiên đường giữa biển khơi” bởi nét độc đáo từ các di tích lịch sử mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân, đồng thời sở hữu nhiều cảnh đẹp thiên nhiên hòa quyện giữa núi và biển. Hiện du lịch biển, đảo Lý Sơn đang chiếm tỷ trọng cao trong hoạt động của ngành du lịch Quảng Ngãi. Năm 2016, Lý Sơn thu hút 165.000 lượt khách, năm 2017 tăng lên 210.000 lượt khách, cán mốc tổng lượt khách đề ra vào năm 2020 theo Quy hoạch phát triển du lịch huyện đảo Lý Sơn và vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, do phát triển quá nhanh, công tác xử lý môi trường chưa được chú trọng khiến huyện đảo Lý Sơn trở thành một “túi rác” ngay giữa vùng biển. Nhiều khu vực dân cư, đường giao thông, bờ biển tràn ngập rác thải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan vùng biển đảo hoang sơ, thanh bình. Nhiều loài sinh vật quý hiếm, có giá trị cao như san hô đen, hải sâm, tôm hùm,… gần như bị tuyệt diệt, thảm thực vật dưới đáy biển hầu như biến mất.
Trước nguy cơ thiên đường xanh sẽ biến mất, chính quyền và nhân dân huyện đảo Lý Sơn đang nỗ lực hành động để xây dựng đảo Lý Sơn trở thành một hòn đảo xanh- sạch- đẹp hơn trong mắt người dân và du khách.
Nhằm làm sạch môi trường biển Lý Sơn, thời gian qua hàng trăm chiến sĩ và các bạn trẻ đến từ nhiều Câu lạc bộ (CLB) môi trường, trường học đã ra quân thu gom rác thải, làm sạch môi trường biển tại các tuyến đường và các điểm du lịch trên đảo. Song song với hoạt động dọn rác, các CLB thiện nguyện vì môi trường còn bố trí hệ thống thùng rác chuyên dụng và treo các băng rôn kêu gọi người dân bỏ rác đúng nơi quy định dọc tuyến đường biển và các điểm du lịch trên đảo. Hành động nhỏ của các bạn trẻ đã góp phần lan tỏa tinh thần vì màu xanh của biển đến người dân trên đảo và khách du lịch trong việc bảo vệ môi trường.
Bà Nguyễn Thị Hương- Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: Để xây dựng đảo Lý Sơn "sạch- đẹp" trong mắt du khách, chính quyền huyện Lý Sơn đã triển khai hàng loạt các biện pháp như vận động người dân đổ rác đúng nơi quy định, tập trung xử lý môi trường tại các điểm di tích, thắng cảnh. Đồng thời, mở rộng và tăng công suất thu gom xử lý rác thải, đặc biệt là thu gom rác thải tại đảo Bé. Với quyết tâm vì một Lý Sơn không rác, ngoài việc bố trí thùng đựng rác tại các điểm du lịch, điểm tập kết rác chính quyền Lý Sơn còn đưa ra thông điệp nhắc nhở, kêu gọi mọi người gìn giữ môi trường như bỏ rác đúng nơi qui định hay việc làm nhỏ lợi ích lớn những khẩu hiệu này có mặt ở từng KDC và dọc bãi biển Lý Sơn.
Mới đây, huyện đã ra Chỉ thị về việc giảm thiểu, tiến đến không sử dụng túi ni lông, góp phần cải thiện môi trường trên đảo. Kế hoạch được thực hiện thí điểm tại đảo Bé, xã An Bình. Trên cơ sở đó, sẽ nhân rộng ra toàn đảo. Đến nay, Hội LHPN huyện đã hướng dẫn các cơ sở hội triển khai thực hiện và đặt mua túi thân thiện với môi trường để bán tại các chợ; tổ chức cho hội viên ký cam kết hạn chế sử dụng túi ni lông. Tham mưu cho UBND xã phối hợp với BQL cảng Lý Sơn ký kết chương trình phối hợp để hạn chế việc vận chuyển túi ni lông qua xã An Bình và sẽ hình thành điểm bán túi vải thân thiện tại cầu cảng.
Chị Nguyễn Thị Lên, ở thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn chia sẻ: Được Hội phụ nữ tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng túi ni long, chị đã sử dụng giỏ nhựa để đi chợ. “Khách du lịch đến với đảo ngày một đông nên lượng rác thải ngày một nhiều lên, do vậy việc bảo vệ môi trường cần sự chung tay của người dân và khách du lịch để xây dựng Lý Sơn ngày càng sạch đẹp hơn”- chị Lên cho biết.
Bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân, lãnh đạo huyện Lý Sơn đã trực tiếp làm việc với Công ty thu gom rác thải Đa Lộc đảm bảo mọi nơi trên đảo phải được thu gom rác hằng ngày; phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường thu gom rác thải ở các điểm du lịch có đông du khách đến tham quan. Nhờ vậy, các điểm ô nhiễm môi trường, nhất là ven bờ biển quanh đảo, không còn đầy rác rưởi, bốc mùi hôi thối như trước.
Chị Nguyễn Thị Ngân, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh lần thứ 2 ra đảo Lý Sơn đã không khỏi bất ngờ vì môi trường ở Lý Sơn đã thay đổi rất nhiều so với cách đây vài năm.
“Lần đầu tiên đặt chân xuống đảo tôi thấy thất vọng vì rác thải sinh hoạt được vứt xả khắp nơi. Nay thì khác, các tuyến đường, tuyến kè biển rác thải được thu gom hàng ngày đã đem lại cho tôi cảm giác về một Lý Sơn ngày càng đẹp và thanh bình.”- chị Ngân chia sẻ.
Huyện Lý Sơn xác định du lịch biển, đảo sẽ trở thành sản phẩm du lịch mũi nhọn của huyện đến năm 2020, tầm nhìn 2025. Theo đó, Lý Sơn phấn đấu mục tiêu đến năm 2020, sản phẩm du lịch mũi nhọn biển, đảo sẽ được hình thành rõ nét, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ hiện đại, chất lượng, hấp dẫn khách du lịch; đến năm 2025, sản phẩm du lịch mũi nhọn trở thành sản phẩm có vị trí quan trọng trong khu vực miền Trung thúc đẩy tối ưu các sản phẩm du lịch khác thành những mũi nhọn mới. Đây là thời cơ lớn để Lý Sơn phát triển du lịch biển đảo, hướng tới phát triển kinh tế - xã hội bền vững bằng ngành công nghiệp “không khói”, góp phần cải thiện chất lượng sống cho người dân trong vùng, đồng thời góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.