(TN&MT) - Nhằm tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên nước, giảm tải lượng ô nhiễm do các chất dinh dưỡng và từ các hoạt động khác trên đất liền, duy trì dòng chảy môi trường nước ngọt và giảm thiểu biến đổi khí hậu, 7 nước thành viên ASEAN đã xây dựng, triển khai Dự án “Giảm thiểu ô nhiễm và duy trì dòng chảy môi trường các biển Đông Á thông qua quản lý tổng hợp lưu vực sông”. Tại Việt Nam, dự án thí điểm sẽ thực hiện tại lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng biển ven bờ của TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Tại Hội thảo Tham vấn hoàn thiện văn kiện dự án khu vực - hợp phần Việt Nam do Tổng cục Môi trường hối hợp với Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tổ chức mới đây, ông Won Tae Shin, chuyên gia Cơ quan Hợp tác quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA) cho biết: Các dự án thí điểm cấp quốc gia sẽ thực hiện tại các lưu vực sông được lựa chọn ở mỗi nước, là các điểm nghiên cứu quản lý tổng hợp lưu vực sông để nhân rộng và vận dụng những nghiên cứu cho các lưu vực sông khác trong mỗi nước tham gia nói riêng và cho khu vực ASEAN nói chung.
Theo ông Nguyễn Thành Yên, Tổng cục Môi trường, hiện nay, hầu hết các lưu vực sông ở Việt Nam đều có vấn đề liên quan đến dòng chảy môi trường và mối quan hệ giữa thực phẩm - năng lượng - nước. Tuy vậy, tại cuộc họp tham vấn tháng 10/2017 và tháng 3/2018 các đại biểu thống nhất lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đáp ứng được các tiêu chí trong việc lựa chọn lưu vực sông được ưu tiên đã được thỏa thuận bởi 7 nước trước đó.
Bên cạnh đó, đây cũng là hệ thống sông lớn ở vùng Duyên hải Trung Trung Bộ với diện tích 10.350 km2, là nguồn nước cung cấp quan trọng nhất cho nhu cầu phát triển dân sinh, kinh tế của tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng. Đồng thời là lưu vực phải gánh chịu sự phát triển thiếu bền vững các nhà máy thủy điện đã phát sinh nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, phá hủy hệ sinh thái, sinh cảnh của khu vực thượng và trung lưu vực sông (LVS), giảm phần lớn lượng phù sa và dinh dưỡng đưa xuống hạ lưu, làm mất cân bằng sinh thái và động lực dòng sông và vùng cửa sông. Điều này gây ra những thay đổi, làm tăng khả năng lũ lụt vào mùa mưa và thiếu nước mùa khô… Vì thế, Cơ quan Hợp tác quản lý môi trường các biển Đông Á cùng Tổng cục Môi trường đã phối hợp triển khai dự án thí điểm quốc gia ở Việt Nam là “Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng biển ven bờ của TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam”. Mục tiêu chính của dự án là hỗ trợ, phát triển bền vững LVS Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng. Trong thời gian 5 năm thực hiện dự án sẽ ưu tiên giải quyết các vấn đề trong quản lý tài nguyên và môi trường nước LVS Vu Gia - Thu Bồn, vùng bờ liên quan giữa tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng.
Ông Won Tae Shin, chuyên gia Cơ quan Hợp tác quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA) cho biết, Dự án này sẽ đánh giá chung về thực trạng quản lý từ nguồn ra biển; cải thiện quản lý và đầu tư cho quản lý tổng hợp LVS Vu Gia - Thu Bồn thông qua các hoạt động xác định điểm nóng trong lưu vực sông để xây dựng các giải pháp mẫu, xác định phương án ưu tiên…; hoàn thiện cơ chế quản trị LVS, tăng cường chia sẻ kiến thức và nhân rộng các thực hành hiệu qủa.
Tại Hội thảo Tham vấn nói trên, các đại biểu cho rằng, dự án sẽ tăng cường khả năng quản lý tổng hợp lưu vực sông và quản lý vùng bờ thông qua các kinh nghiệm thực tiễn trong lập kế hoạch, điều phối quản lý và thực hiện một số điểm phù hợp. Tuy vậy, dự án thí điểm không thể bao quát tất cả các vấn đề trong lưu vực sông và vùng bờ nên cần tiếp tục, mở rộng, hoàn thiện hoạt động quản trị tài nguyên nước, lưu vực sông của Việt Nam.
Đối với dự án này, các đại biểu đề nghị, Dự án cần xác định rõ hơn nữa các kết quả cần đạt được của từng hoạt động và dự tính kinh phí thực hiện các hoạt động đó chi tiết hơn. Kết quả của dự án cần được chia sẻ một cách rộng rãi cho cộng đồng quản lý lưu vực sông ở Việt Nam và các quốc gia ASEAN thông qua các hội nghị và hội thảo quốc gia, các cuộc họp và sự kiện do ASEAN và ASOEN tổ chức, và nhiều sự kiện khu vực khác, như Hội nghị và Diễn đàn Bộ trưởng Khu vực biển Đông Á 3 năm 1 lần. Ngoài ra, dự kiến tổng kinh phí cho dự án Việt Nam vào khoảng 4 triệu đô la Mỹ, trong đó, nguồn vốn tài trợ 1 triệu USD và 3 triệu USD tiền đối ứng, các thành viên dự án Việt Nam phải sử dụng thật tốt và tìm kiếm thêm các nguồn vốn tài trợ khác như nghiên cứu, đánh giá và có những hoạt động cụ thể để tìm thêm đối tác.
Dự án sẽ triển khai 4 hợp phần: Hợp phần 1 là đánh giá chung về hoạt động quản lý từ “Nguồn tới Biển” tại LVS Vu Gia - Thu Bồn và vùng biển ven bờ Quảng Nam - Đà Nẵng - Đà Nẵng; hợp phần 2, hoàn thiện và tăng cường Quản lý tổng hợp LVS và cơ chế quản lý đối với LVS Vu Gia - Thu Bồn và vùng biển ven bờ Quảng Nam - Đà Nẵng; hợp phần 3, triển khai các dự án thí điểm hướng tới tìm giải pháp tại TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam nhằm xây dựng và trình diễn các chiến lược, cơ chế tài chính và quan hệ đối tác mang tính sáng tạo để cải thiện chất lượng nước, giảm thiểu và quản lý ô nhiễm/chất dinh dưỡng, quản lý và chất thải rắn/tái chế nhựa thải hoặc/và tăng cường dòng chảy môi trường/quản lý tài nguyên nước; hợp phần 4, quản lý và chia sẻ kiến thức cho các bên liên quan ở Trung ương và địa phương, bao gồm đào tạo kỹ năng chuyên ngành cho cán bộ Quản lý tổng hợp lưu vực sông/Quản lý tổng hợp vùng bờ và các nhà thực hành quản lý lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng biển ven bờ Quảng Nam - Đà Nẵng. |