Lục Ngạn là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, địa hình bị chia cắt thành 2 vùng rõ rệt, vùng cao, vùng khó khăn giao thông không thuận tiện nên chưa thu hút được các doanh nghiệp đến đầu tư vào địa bàn.
Nhận thấy những khó khăn đó, UBND huyện Lục Ngạn đã trực tiếp có những biện pháp, chủ trương nhằm cải thiện đời sống nhân dân. Tuy nhiên, khó khăn về vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và cải thiện môi trường luôn là “khâu vướng” trong việc nâng cấp các tuyến đường liên thôn, liên xã. Để tận dụng sự hỗ trợ một phần của tỉnh UBND tỉnh Bắc Giang đó là hỗ trợ toàn bộ xi măng cho các xã, thôn làm đường bê tông (đường liên thôn, nội thôn, đường nội đồng gắn với giao thông liên thôn...). Ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm 100 triệu đồng/1km cho các thôn, bản đặc biệt khó khăn để cứng hóa đường GTNT. UBND huyện Lục Ngạn đã huy động phía người người dân tự giải tự giải phóng mặt bằng, giải tỏa hành lang, hiến đất làm đường; Đóng góp một phần kinh phí đối ứng để làm đường (san gạt nền đường, mua đá, cát, sỏi, thuê công thợ, máy móc thi công...). Và nhân dân các thôn, xã tự tổ chức thi công và tự giám sát việc thi công (giám sát cộng đồng) và huy động nguồn vốn trong nhân dân cơ sở hạ tầng, hình thành những khu đô thị tiêu chuẩn. Khi người dân không có điều kiện tự giải phóng mặt bằng, UBND huyện đã lập dự án, tổ chức đền bù giải phóng mặt bằng và thu hồi thêm phần đất hai bên đường mở rộng để tạo quỹ đất sạch để tổ chức đấu giá, lấy đó làm “nguồn vốn” để tái đầu tư hạ tầng và chi phí cho phần đền bù giải phóng mặt bằng khi Nhà nước không có kinh phí hỗ trợ.
Nhiều công trình điện, đường, trường, trạm và xử lý tốt môi trường nông thôn được hình thành từ cách làm này. Kết quả là năm 2018, huyện có thêm 01 xã (Giáp Sơn) đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% kế hoạch. Như vậy toàn huyện đã có 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới, cùng với đó là có thêm 3 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới, đạt 100% kế hoạch đề ra.Huyện đã huy động được tổng vốn hơn 1.000 tỷ đồng (trong đó vốn đối ứng từ nhân dân đạt hơn 425 tỷ đồng) đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp gần 1,5 nghìn km đường giao thông các loại; 768 công trình trường học; xây mới 73 nhà văn hóa xã, thôn...
Còn sau 10 năm thực hiện Chương trình MTQGXDNTM, kinh tế xã hội của huyện không ngừng được nâng lên, an ninh - quốc phòng ổn định. Đời sống của người dân nông thôn từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,96% (năm 2010) xuống còn 10,55% (năm 2018). Tính đến thời điểm này, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt trên 99,02%; số hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt trên 93,5%... Bình quân tiêu chí của cả huyện đạt 13,14 tiêu chí/xã. Đến hết năm 2019 toàn huyện có 4 thôn đạt chuẩn thôn NTM.
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư dự án xây dựng khu xử lý, tái chế rác thải sinh hoạt tập trung tại xã Kiên Thành; đôn đốc, hướng dẫn UBND các xã thực hiện thu tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt theo phương án giá đã được UBND huyện phê duyệt.
Tuy nhiên, theo ông Cao Văn Hoàn, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, khi thực hiện cách làm này cũng không phải lúc nào cũng thuận lợi, có sự đồng thuận ngay lập tức mà nhiệm vụ này cũng hết sức khó khăn, cần sự kiên trì, vào cuộc và công tâm của tất cả đội ngũ lãnh đạo huyện. Điển hình như, năm 2019 UBND huyện Lục Ngạn thực hiện dự án Hạ tầng kỹ thuật và khu dân cư đường Lê Duẩn kéo dài, thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang cũng đã vấp phải không ít khó khăn.
Căn cứ Quyết định số 901/QĐ-UBND ngày 29-5-2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phân khu, Khu trung tâm thị trấn Chũ và các văn bản liên quan, ngày 3-10-2017, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn ban hành Quyết định số 8482/QĐ-UBND về việc phê duyệt Báo cáo Kinh tế - Kỹ thuật xây dựng công trình dự án Hạ tầng kỹ thuật và khu dân cư bờ hồ cấp 3, thị trấn Chũ; ngày 25-10-2017, Chủ tịch UBND huyện đã ban hành Quyết định số 9307a/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án Hạ tầng kỹ thuật và khu dân cư đường Lê Duẩn kéo dài huyện Lục Ngạn. Trong quá trình thực hiện các dự án đã được sự nhất trí ủng hộ của cấp có thẩm quyền và sự đồng thuận cao của đại đa số nhân dân trong địa phương.
Sau khi dự án được phê duyệt, UBND huyện đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện các bước theo trình tự, thủ tục về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ cho các hộ dân có đất bị thu hồi và tài sản bị ảnh hưởng bởi dự án. Theo kết quả kiểm kê hiện trạng, dự án Hạ tầng kỹ thuật và khu dân cư đường Lê Duẩn kéo dài có 88 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi và bị ảnh hưởng bởi dự án. UBND huyện đã phê duyệt thực hiện đền bù làm 4 đợt. Tổng số tiền bồi thường là hơn 35,5 tỷ đồng, bồi thường hỗ trợ cho 71 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi, tài sản ảnh hưởng bởi dự án.
Đến nay, cơ bản các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nhận tiền, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công thực hiện dự án. Tuy nhiên, chỉ còn 2 hộ dân chưa nhận bồi thường và bàn giao đất là hộ ông Ngô Văn Long và ông Lương Đình Thắng do chưa đồng thuận với việc đền bù của chính quyền. Ông Cao Văn Hoàn - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: “Hai hộ gia đình trên không thuộc hộ được bố trí tái định cư, cũng không thuộc đối tượng được bồi thường bằng đất. Do vậy, với ý kiến của hộ ông Ngô Văn Long đề nghị được bồi thường 1050 m3 đất đã đổ tôn tạo vườn cho gia đình với trị giá khoảng 200 triệu đồng và đề nghị được giao 01 lô đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất; ông Lương Đình Thắng đề nghị để lại 50% theo tổng chiều dài thửa đất trong đó có 1 ao và 1 hầm bioga là không có căn cứ để giải quyết.”
Ông Hoàn cho biết thêm, từ việc thiết lập hồ sơ phê duyệt dự án, đến việc thu hồi đất, bồi thường,… UBND huyện Lục Ngạn đều tuân theo đúng quy định của pháp luật, công khai, dân chủ, đảm bảo việc giải quyết các ý kiến đề nghị của từng hộ dân một cách hợp lý, hợp tình, không có sự ưu ái, thiếu công bằng. UBND huyện luôn đặt quyền lợi và lợi ích của nhân dân lên trước tiên và sẽ kiên trì thuyết phục để người dân hiểu, thực hiện đúng quy định pháp luật, ủng hộ quyết tâm phát triển KT- XH địa phương.