Cắt tầng, chống sạt gần con đường dang dở
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn T, một người dân sinh sống tại thôn Chính Hạ, xã Lan Mẫu, huyện Lục Nam (Bắc Giang) bức xúc cho biết: Là người dân địa phương sinh sống gần khu mỏ thi công, đào xúc tại đây. Chúng tôi vô cùng bị ảnh hưởng bởi nạn ô nhiễm môi trường. Cụ thể: hàng ngày, hàng chục chiếc xe trọng tải lớn từ 15 – 30 tấn từ đâu kéo về đây lấy đất, lấy đá chở đi. Hậu quả, có đến gần 100m đường bê tông bị “long chân đế” vì xe mỏ đất. Cũng theo ông T, đường xấu khiến người dân đi lại vất vả, ngày nắng thì bụi, ngày mưa thì trơn.
Ông T và người dân địa phương còn “bi hài” cho biết: có lần thấy cán bộ xã bảo họ đang “cải tạo” chống sụt nhưng thực tế có phải đâu. Có chỗ, chúng tôi thấy họ khai thác xuống cốt âm, còn sâu hơn cả mặt con đường bê tông của thôn. Và người dân rất lo, sau này, khi họ đào chán rồi, sẽ để lại những hố sâu rất nguy hiểm cho người dân địa phương. Đó sẽ là những “cái bẫy” chết người mà họ giăng ra sau này. Vì lấy đâu ra đất để mà bù thổ.
"người dân địa phương chỉ thấy cán bộ xã nói là khai thác đất có giấy phép nhưng bà con chưa bao giờ thấy mảnh giấy đó, cũng như là chưa bao giờ thấy các cán bộ của huyện Lục Nam, Sở Tài nguyên và môi trường Bắc Giang hay cán bộ của UBND tỉnh Bắc Giang xuống xem và kiểm tra cái “mỏ âm” này. Vậy, quy trình khai thác đã đúng chưa? Cơ quan chức năng nào giám sát? Hay chỉ biết ký, cấp phép rồi phó mặc cho doanh nghiệp muốn làm gì thì làm?" - Ông T chia sẻ.
“Mục sở thị” tại hiện trường khai mỏ, Phóng viên quan sát và nhận thấy, những tố cáo của người dân địa phương thôn Chính Hạ, xã Lan Mẫu, huyện Lục Nam là có cơ sở. Chỉ trong vài tiếng đứng quan sát tại đây, phóng viên thấy hàng chục chiếc xe tải hạng nặng chạy vào ra rầm rập. Do đường bé, những chiếc xe này phải nối đuôi nhau vào khu vực rừng Đá, thôn Chính Hạ để khai thác đất. Để thi công, “chủ mỏ” đã huy động mấy cái máy múc cỡ lớn, hoạt động suốt ngày.
Cả quả đồi đã bị đào bới toang hoang đến cốt không và dần dần xuống âm. Con đường bê tông của nhân dân trong thôn đã bị xe quần nát tươm, lỗ chỗ ổ gà, ổ voi. Đường dân sinh biến thành đường vào khu mỏ khai thác đất. Tuyệt nhiên không thấy xe tưới nước vệ sinh môi trường. Chủ mỏ dường như bỏ mặc đường xá bụi bặm cho người dân gánh chịu.
Ai “cấp bùa” cho doanh nghiệp Mạnh Hà khai thác?
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Nhiên, Chủ tịch UBND xã Lan Mẫu (huyện Lục Nam) thừa nhận: Đúng là kể từ khi “mỏ đất” này đi vào hoạt động, UBND xã Lan Mẫu cũng khá vất vả và “đau đầu” vì người dân suốt ngày có ý kiến về ô nhiễm môi trường, bụi bặm, xe khó đi… Việc Công ty TNHH Mạnh Hà khai thác, đào sâu xuống cũng bị bà con thắc mắc và cho rằng có ảnh hưởng…
Cũng theo ông Nhiên, phía Công ty TNHH MTV Mạnh Hà cũng đang xin khai thác thêm một số điểm nữa trên địa bàn xã nhưng lãnh đạo xã chưa thống nhất quan điểm vì suốt ngày nghe người dân phản ánh, mệt lắm.. ông Nhiên thẳng thắn cho biết.
Qua điều tra và tìm hiểu, phóng viên được biết: để khu mỏ này được đi vào hoạt động, vào ngày 9/6/2022, ông Lê Ô Pích, phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ký quyết định số 565/QĐ – UBND về việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH MTV Mạnh Hà khai thác khoáng sản (đất san lấp) trong diện tích Dự án “thi công cắt tầng, chống sạt lở đất, đá tại khu vực rừng Đá, thôn Chính Hạ, Xã Lan Mẫu, huyện Lục Nam” để làm vật liệu san lấp mặt bằng, đắp nền xây dựng tuyến đường đầu nối từ QL31 đi QL37, thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam và 1 số công trình xây dựng khác trên địa bàn huyện Lục Nam.
Theo đó: Diện tích khai thác: 10,000m2; Mức sâu khai thác theo hồ sơ thiết kế dự án đã phê duyệt (mức sâu tầng kết thúc cốt +15m cao hơn cốt mặt đường nhựa gần điểm góc số 1 bình quân 0,5m; mặt đường nhựa tương ứng cốt +14,5m). Trữ lượng khai thác; 50.782m3. Thời hạn khai thác đến ngày 30/9/2022.
Tuy nhiên, đem đối chiếu giữa thực tế của mỏ đất đang khai thác và giấy phép khai thác đã bộc lộ nhiều “khấp khểnh”.
Nhận định về tình trạng giấy phép của UBND tỉnh Bắc Giang cấp cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản nói trên, Luật sư Nguyễn Thu Phương (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: Trong việc cấp phép khai thác ở đây có nhiều điều “bất thường” và có dấu hiệu “lách luật” để tạo vỏ bọc và trục lợi. Với một dự án “thi công cắt tầng, chống sạt lở đất đá”, thì cần phải đúng hiểu đúng nghĩa của nó chứ. Đằng này giữa thực tế và sự thật có nhiều điều trái ngược. Và từ đó có dấu hiệu “lợi dụng dự án để khai thác đất dưới vỏ bọc dự án”? Việc làm này sẽ gây thất thoát rất nhiều lợi ích của nhà nước. Không đúng với quy định trong điều 78, 79 của Luật Khoáng sản.
Đã đến lúc các cấp bộ, ngành Trung ương cần phải vào cuộc, thanh kiểm tra các dự án khai thác khoáng sản kiểu này, trước khi quá muộn.
Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phản ánh khi có phản hồi từ các cơ quan chức năng và hàng loạt các dự án “trá hình” đã được cấp phép trước đó.