(TN&MT) - Đã có khá nhiều luật quy định việc quản lý các tài nguyên biển như Luật Thủy sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản, Luật Du lịch, Luật Dầu khí, Luật Hàng hải… Vậy liệu tới đây, khi Quốc hội thông qua, Luật TN&MT biển, hải đảo có “dẫm chân” lên các luật này, gây chồng chéo?
PGS.TS. Vũ Sĩ Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) cho rằng, không có chuyện đó. Luật TN&MT biển, hải đảo ra đời hướng tới việc xây dựng một hành lang pháp lý cho việc quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Nghĩa là, quản lý kết hợp nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, dựa trên cơ sở một đầu mối.
Đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang |
Quản lý đơn ngành – lợi ích riêng lẻ
Thực tế cho thấy, công tác quản lý nhà nước về kinh tế biển và hải đảo hiện nay được giao cho nhiều bộ ngành, căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ của từng cơ quan. Cũng từ cách quản lý này, Chính phủ và các cơ quan hữu quan đã nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua; trong đó có Luật Dầu khí năm 2000, Luật Thủy sản năm 2003, Bộ luật Hàng hải năm 2005, Luật Đa dạng sinh học năm 2008, Luật Du lịch năm 2005, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2014.
Việc quản lý tài nguyên biển theo ngành, theo lĩnh vực đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, phương thức quản lý này cũng đang bộc lộ nhiều nhược điểm cần được khắc phục.
Quản lý theo ngành là một quá trình quản lý được tiến hành bởi từng ngành, mà các đặc điểm của nó là: Ưu tiên các lợi ích về kinh tế, mà ít quan tâm tới bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững; chú trọng tới lợi ích ngành mình mà ít chú ý đến lợi ích của ngành khác; thiếu sự phối, kết hợp giữa các ngành khác nhau trong khai thác sử dụng tài nguyên biển, làm cho không gian biển bị chia cắt, chức năng thống nhất và hoàn chỉnh của các hệ thống vùng bờ biển bị phá vỡ, gây ra các sự cố môi trường, sinh thái, gây thiệt hại cho nền kinh tế; cạnh tranh trong khai thác sử dụng làm phát sinh mâu thuẫn giữa các ngành khác nhau.
Cảng An Thới, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang |
Chưa chú trọng bảo vệ môi trường
Vì chú trọng nhiều hơn đến lợi ích kinh tế nên việc quản lý tài nguyên biển theo phương thức đơn ngành khiến môi trường biển chưa được chú trọng bảo vệ.
Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 25 về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo nhưng chưa thể chế hóa được đầy đủ nội hàm của công tác quản lý tổng hợp TNMT biển và hải đảo do tính pháp lý thấp, không thể định hướng, điều phối được các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đã được các luật chuyên ngành quy định. Còn Luật Biển Việt Nam mới chỉ đề cập đến một số nội dung liên quan đến quản lý tổng hợp TNMT biển và hải đảo, nhiều nội dung quy định còn thiếu, chưa đầy đủ và đồng bộ.
Đảo Phú Quốc |
Đó là chưa kể thiếu các quy định để quản lý thống nhất các hoạt động điều tra cơ bản TNMT biển và hải đảo; định hướng, điều phối, lồng ghép các hoạt động điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về TNMT biển và hải đảo. Việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam còn thiếu các quy định cụ thể để thực hiện.
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ TNMT biển và hải đảo, đặc biệt là hoạt động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường và hải đảo nhằm bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái biển và hải đảo, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển, phục hồi môi trường biển và hải đảo cũng còn nhiều bất cập. Ngoài ra, hoạt động quan trắc, giám sát tổng hợp, hệ thống thông tin về TNMT biển và hải đảo phục vụ tích hợp, trao đổi thông tin, dữ liệu chưa được thể chế hóa và tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, vận hành, quản lý đồng bộ. Các dữ liệu chuyên ngành, đặc biệt là số liệu, thông tin về điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo bị phân tán, thiếu tính gắn kết, đồng bộ và chưa được tích hợp thành cơ sở dữ liệu chung thống nhất, hiện đại để phục vụ hoạch định chính sách phát triển kinh tế biển, bảo đảm an ninh, quốc phòng, quản lý tổng hợp TNMT biển và hải đảo.
Môi trường biển đảo cần được chú trọng bảo vệ |
Phương thức quản lý mới: quản lý tổng hợp, thống nhất
Ông Vũ Sĩ Tuấn khẳng định, trên tinh thần không phủ nhận, không dẫm chân các luật khác, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo hướng tới việc xây dựng một hành lang pháp lý cho việc quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo. Nghĩa là, quản lý kết hợp nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, dựa trên cơ sở một đầu mối.
Như vậy, khi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được ban hành, thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn quản lý nhà nước về hải sản, theo Luật thủy sản; Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch vẫn quản lý nhà nước về du lịch biển, theo Luật du lịch; Bộ Giao thông vận tải vẫn quản lý nhà nước về cảng biển, dịch vụ hàng hải, theo Bộ luật Hàng hải… Bộ TN&MT không trực tiếp quản lý Nhà nước về từng lĩnh vực trên bằng Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Nhưng với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo, Bộ TN&MT sẽ là đầu mối, phối hợp giữa các Bộ, ngành nhằm giảm thiểu các xung đột và tối ưu hóa lợi ích của từng ngành nói riêng và nền kinh tế nói chung. Vì thế, sự ra đời của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo không làm thay, không phủ nhận các luật chuyên ngành mà còn giúp cho hoạt động quản lý khai thác sử dụng TNMT biển và hải đảo đạt hiệu quả cao hơn, có trật tự hơn, thực hiện tốt hơn việc phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Với tư tưởng như vậy, các quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo sẽ tập trung vào những nội dung xây dựng quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng tài nguyên môi trường biển và hải đảo; quản lý tổng hợp thống nhất về điều tra cơ bản, khai thác sử dụng tài nguyên môi trường biển và hải đảo…
Kinh tế biển cần được khai thác hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên biển |
Quản lý tổng hợp và thống nhất là lĩnh vực mới, từ khái niệm, nội dung, tới các giải pháp thực hiện. Khó khăn của quản lý tổng hợp không phải ở khái niệm, hay nội dung, vì những nghiên cứu có thể giúp chúng ta giải quyết những điều đó. Khó khăn là việc phối, kết hợp giữa các bộ, các ngành nhằm bảo đảm tối đa lợi ích của nhà nước, và các bên liên quan gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Luật đưa ra các quy định về quy hoạch tổng thể, trong khi các luật đã được ban hành cũng có các quy định về quy hoạch ngành đối với từng lĩnh vực. Mối quan hệ tương tác giữa quy hoạch tổng thể với quy hoạch ngành, xây dựng, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch là các nội dung cần được xem xét kỹ.
Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong quá trình xây dựng, không chỉ nghiên cứu, kế thừa các luật chuyên ngành đã được ban hành, mà còn chắt lọc, xâu chuỗi, kết nối các luật thành một hệ thống luật quốc gia về biển, hướng tới một hành lang pháp lý cho một phương thức quản lý mới về khai thác và sử dụng biển và hải đảo, phương thức quản lý tổng hợp và thống nhất.
Bảo Châu