Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, biểu hiện qua các hiện tượng: mực nước biển dâng, thay đổi lượng mưa, nhiệt độ trung bình gia tăng, gia tăng lũ lụt, thay đổi hình thế bão, xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt…
Để ứng phó và giảm bới các tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã có những hành động cụ thể như tiết kiệm năng lượng, không phá rừng, sử dụng năng lượng sạch, giảm bớt phát thải khí Cacbonnic (CO2), bên cạnh đó nhanh chóng có những hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu như chuyển đổi cơ cấu sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lồng ghép thích ứng biến đổi khí hậu vào mọi hoạt động phát triển kinh tế xã hội.
Hay nói một cách khác, khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch cho bất kỳ một hoạt động phát triển kinh tế xã hội nào, Việt Nam đều xét đến các yếu tố tác động của biến đổi khí hậu. Gần đây nhất, tại kỳ họp thứ 10, với 410/412 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội khóa XIII đã chính thức thông qua Luật Khí tượng thủy văn, trong đó có 1 chương để nói về giám sát biến đổi khí hậu.
5 năm xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu một lần
Chương 5 của Luật KTTV quy định về giám sát biến đổi khí hậu. Trong đó quy định, Kỳ xây dựng, công bố kịch bản biến đổi khí hậu là 5 năm và được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung khi cần thiết.
Kịch bản biến đổi khí hậu phải cung cấp các thông tin: Công bố của Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) và đánh giá của Việt Nam về biểu hiện của biến đổi khí hậu trong khu vực, trên thế giới; Biểu hiện của biến đổi khí hậu tại Việt Nam; Kết quả đánh giá các kịch bản biến đổi khí hậu kỳ trước; Thay đổi về nhiệt độ, mưa, độ ẩm, nước biển dâng và các yếu tố khí tượng thủy văn khác tại Việt Nam trong tương lai theo các giả định…
Một báo cáo quan trọng khác về giám sát biến đổi khí hậu là đánh giá khí hậu quốc gia. Theo Luật KTTV, kỳ đánh giá khí hậu quốc gia là 10 năm và có thể được điều chỉnh, bổ sung khi cần thiết.
Đánh giá khí hậu quốc gia phải đánh giá được hiện trạng khí hậu Việt Nam đến năm cuối của kỳ đánh giá; dao động khí hậu và biến đổi của khí hậu Việt Nam so với lịch sử, kỳ đánh giá trước đó và so với bộ chuẩn khí hậu quốc gia và quốc tế. Báo cáo này còn ghi nhận tác động của khí hậu và biến đổi khí hậu đến tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, báo cáo còn công bố kết quả của hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và đánh giá được mức độ phù hợp của kịch bản biến đổi khí hậu, việc sử dụng kịch bản biến đổi khí hậu trong hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch
Đặc biệt, một vấn đề được thực hiện từ lâu nay nhưng vẫn còn nhiều khó khăn tại các địa phương đã được đưa vào Luật. Đó là lồng ghép kết quả giám sát biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
Theo Luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc danh mục thực hiện đánh giá môi trường chiến lược phải lồng ghép kết quả giám sát biến đổi khí hậu đồng thời với việc lồng ghép nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy định của Luật này và pháp luật về bảo vệ môi trường.
Hướng dẫn lồng ghép, Luật KTTV cho biết, cần sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu trong việc đánh giá điều kiện tự nhiên, môi trường khu vực lập chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Đồng thời phải sử dụng kết quả phân tích, đánh giá những biểu hiện của biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu đến các vấn đề liên ngành, liên vùng, tài nguyên, môi trường, hệ sinh thái, điều kiện sống, các hoạt động kinh tế - xã hội nhằm xác định các mục tiêu lâu dài của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.
Để xác định các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các Bộ, ngành, địa phương cần sử dụng kết quả phân tích, đánh giá các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngân Giang