Lừa đảo dự án Viet Inc (Hoài Đức – Hà Nội): Cạm bẫy từ bản hợp đồng hợp tác kinh doanh

Thùy Linh| 28/07/2019 07:24

(TN&MT) - Mặc dù Cơ quan CSĐT đã ra quyết định tạm giữ số tiền 247,8 tỷ đồng công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TST đã thu của khách hàng và chuyển cho công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Hưng Hải. Tuy nhiên, phía công ty Hưng Hải đã từ chối không nộp lại số tiền này. 

du an
Những người mua nhà dự án Viet Inc yêu cầu tòa án thu hồi số tiền 247,8 tỷ đồng mà Công ty Hưng Hải đang nắm giữ.

Năm 2010-2011, công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TST (Cầu Giấy, Hà Nội) đã tiến hành huy động vốn của gần 100 khách hàng mua nhà tại dự án khu nhà ở cao cấp Viet Inc (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội). 

Thời điểm đó, dự án mới chỉ được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, chưa có quyết định thu hồi đất, chưa giải phóng mặt bằng, chưa đủ điều kiện pháp lý để huy động vốn nhưng công ty TST đã cố tình vẽ dự án trên giấy để lừa bán cho khách hàng và thu tổng số tiền 248,7 tỷ đồng. 

Tháng 3/2018, hai lãnh đạo công ty TST đã bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt 2 án tù chung thân, 20 năm tù giam về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, lật lại quá trình công ty TST nhận chuyển nhượng dự án Viet Inc từ công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Hưng Hải (Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội) cho thấy nhiều dấu hiệu bất thường.

Dự án Viet Inc có quy mô hơn 10 ha, năm 2008, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã giao cho công ty CP Đầu tư tài chính và bất động sản Việt (công ty bất động sản Việt) (số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội) lập quy hoạch và làm chủ đầu tư dự án.

7/2008, dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 trong đó quy mô đất ở là 34.156m2  và 11.105m2 nhà hỗn hợp cao 35 tầng. Tuy nhiên, sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, dự án Viet Inc bị dừng lại. 

Mới đây, đầu năm 2019, UBND TP Hà Nội đã ra quyết định thu hồi lại dự án này.

Ngay sau khi có dự án, 7/2009, công ty bất động sản Việt đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với công ty Hưng Hải, thống nhất định giá các chi phí bỏ ra và lợi thế thương mại của dự án là 64 tỷ đồng. Giá trị này là 100% quyền sở hữu dự án. Công ty bất động sản Hưng Hải sẽ chuyển cho công ty bất động sản Việt số tiền 57,6 tỷ đồng (tương đương 90% quyền thực hiện dự án và quyền sở hữu dự án), công ty bất động sản Việt hưởng 6,4 tỷ đồng (tương đương 10% quyền sở hữu dự án). 

6/2010, công ty Hưng Hải đã mang dự án bán “lúa non” cho công ty TST với giá 295 tỷ đồng. Hai bên ký hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng dự án khu nhà ở Viet Inc. Theo đó, công ty Hưng Hải chuyển giao toàn bộ quyền hợp tác đầu tư và quyền sở hữu dự án cho công ty TST.   

Theo bản án ngày 29/3/2019, số tiền công ty TST thu được của khách hàng 248,7 tỷ đồng đã được chuyển cho công ty Hưng Hải thông qua 34 phiếu thu tiền.

Trong quá trình điều tra, cơ quan CSĐT đã ra quyết định tạm giữ số tiền 248,7 tỷ đồng do công ty Hưng Hải nhận của công ty TST.

Tuy nhiên, ông Mai Thạch Kim – giám đốc công ty Hưng Hải cho rằng, đây là hoạt động mua bán và quyền hợp tác đầu tư được coi như một loại hàng hóa; việc chuyển giao quyền hợp tác đầu tư không phải là chuyển nhượng dự án. Tại thời điểm ký hợp đồng, không có văn bản nào cấm việc chuyển nhượng quyền hợp tác đầu tư, công ty Hưng Hải không biết việc huy động vốn trái phép của công ty TST. Toàn bộ số tiền thu được từ công ty TST, phía Hưng Hải đã đưa vào sử dụng chung hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty Hưng Hải nên không đồng ý nộp cho cơ quan CSĐT. 

Trong quá trình điều tra, ngày 18/1/2017 và ngày 17/3/2017, cơ quan công an đã có văn bản đề nghị Bộ kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc hợp tác đầu tư và chuyển quyền hợp tác đầu tư của công ty Hưng Hải có đúng quy định pháp luật không? Đồng thời, trung cầu giám định về việc chấp hành nghĩa vụ thuế của công ty Hưng Hải và bất động sản Việt.

Nhưng, đã hết thời hạn điều tra, cơ quan công an chưa nhận được văn bản trả lời của các cơ quan có thẩm quyền nên tách tài liệu liên quan đến nội dung trên để tiếp tục điều tra làm rõ. 

Đây được xem là hai văn bản quan trọng để xác định bản chất hợp đồng hợp tác đầu tư giữa các bên. Nếu bản chất là hợp đồng chuyển nhượng thì tiếp tục phải xem xét thêm nhiều yếu tố như dự án đủ điều kiện để chuyển nhượng hay không?; việc chuyển nhượng có được các cơ quan chức năng chấp thuận hay không? Các bên có khai báo và nộp thuế với Nhà nước hay không?…Tuy nhiên, rất tiếc hai văn bản quan trọng này là thiếu gây ảnh hưởng đến quá trình xét xử và quyền lợi của người bị hại.

Cũng liên quan đến số tiền này, phía công ty Hưng Hải và công ty TST đã khởi kiên vụ án về tranh cấp hợp đồng để đòi tiền số tiền hơn 40 tỷ công ty TST còn thiếu. Tòa án nhân dân quận Nam Từ Liêm đã thụ lý và xét xử, ban hành bản án. Công ty Hưng Hải tiếp tục kháng cáo nhưng do tòa án nhân dân TP đang xét xử vụ việc nên phiên tòa phúc thẩm tạm dừng. Do vậy, chưa đủ căn cứ để buộc công ty Hưng Hải phải giao nộp số tiền 247,8 tỷ đồng.

Theo luật sư Đào Thị Liên – công ty Luật Tiền Phong, bản chất hợp đồng hợp tác đầu tư ký giữa công ty Hưng Hải và công ty TST là hợp đồng chuyển nhượng dự án. Trong hợp đồng ghi rõ “chuyển nhượng quyền thực hiện dự án và quyền sở hữu dự án”. 

Phía công ty Hưng Hải và bất động sản Việt biết dự án Viet-Inc bị dừng và chưa đủ điều kiện chuyển nhượng vào năm 2008, nhưng vẫn xác lập, ký vào hợp đồng chuyển nhượng để Công ty TST mua lại là không đúng. Số tiền 247,8 tỷ đồng là tang vật vụ án và Cơ quan CSĐT đã ra quyết định thu hồi số tiền này. Do vậy, Cơ quan tố tụng cần thiết phải có biện pháp phong tỏa tài khoản, tịch thu số tiền 248,7 tỷ đồng mà công ty Hưng Hải đang nắm giữ để trả lại cho người bị hại trong vụ án này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lừa đảo dự án Viet Inc (Hoài Đức – Hà Nội): Cạm bẫy từ bản hợp đồng hợp tác kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO