Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Tây Nguyên, do mưa, lũ trong 2 ngày vừa qua, tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk đều đã có 1 người thiệt mạng. Về thiệt hại vật chất, Gia Lai có 36 nhà bị ngập lụt; Đắk Lắk có khoảng 6.000 ha cây trồng các loại bị ngập, 768 nhà bị ảnh hưởng. Một số tuyến đường giao thông bị chia cắt do tuyến tỉnh lộ 1 bị ngập sâu.
Tại Đắk Nông, 60 ngôi nhà và 1.000 ha lúa, hoa màu và cây trồng lâu năm bị ngập. Sạt lở 1.000 m3 đất, đá trên tuyến kênh dẫn nước vào nhà máy thủy điện N&S hiện không thể phát điện. Còn tại Lâm Đồng, mưa lớn gây ngập 145 ngôi nhà, 1 trường học và 777 ha lúa, hoa màu, cây trồng lâu năm. Tỉnh lộ 725 đoạn qua xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh có 4 điểm bị sạt lở 2.000m3, một số tuyến đường giao thông nông thôn bị ngập nước. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh khu vực Tây Nguyên và một số Bộ, ngành tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó mưa, lũ theo Công điện số 10/TWPCTT-VP ngày 7/8/2019 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TW về PCTT.
Bên cạnh đó, các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3 vừa qua vẫn đang khẩn trương khắc phục hậu quả của bão và mưa lũ. Đã tìm thêm được 1 thi thể nạn nhân bị lũ cuốn ở Thanh Hóa, nâng tổng số người thiệt mạng lên 13 người, vẫn còn 9 người đang mất tích.
Sáng ngày 7/8, Quân khu 4 đã bắc xong cầu phao qua sông Luồng vào bản Sa Ná, xã Na Mèo, Quan Sơn, Thanh Hóa. Ngoài ra, Bộ tư lệnh Quân khu 4 chỉ đạo các lực lượng tổ chức tìm kiếm 7 nạn nhân người Lào có thể trôi sang Việt Nam, hiện chưa có kết quả. Đồn biên phòng Ia Lốp đã phối hợp với lực lượng chức năng hỗ trợ đưa 11 người Campuchia đến nơi tránh trú an toàn.
Tại các tỉnh phía Nam, sự cố sạt lở đê biển Tây, Cà Mau tạm thời ổn định, do đã xử lý được 356m cừ tràm, vải bạt và 15.000 bao tải đất. Hiện đang chuẩn bị đắp con trạch bằng bao tải cát để gia cố. Ngoài ra, tại tỉnh Trà Vinh, mưa lớn đi kèm dông, lốc sét đã làm sập 5 căn nhà, 16 căn nhà bị tốc mái và ngã đổ hàng trăm ha lúa.
Trước diễn biến mưa bão gia tăng, Văn phòng thường trực BCĐ TW về PCTT yêu cầu các tỉnh khu vực Tây Nguyên tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, đặc biệt là tình hình xả lũ đảm bảo an toàn hạ du liên quan đến Campuchia. Tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tập trung lực lượng, khẩn trương tìm kiếm người mất tích, triển khai các công tác cứu trợ, tiếp tục khôi phục giao thông, thông tin liên lạc cho các khu vực, bố trí nơi ở cho người dân bị mất nhà cửa; khôi phục sản xuất, sớm ổn định đời sống của nhân dân.