Lũ quét, sạt lở đất - Hậu quả khôn lường

Nguyên Sơn| 13/07/2021 11:24

(TN&MT) - “Lũ quét, sạt lở đất đã và đang trở thành một trong những loại hình thiên tai nguy hiểm, đe dọa trực tiếp tới tính mạng người dân với tính chất bất thường, khó dự báo, cảnh báo, trong đó, một phần hậu quả là do tập quán sinh sống ven bờ sông, bờ suối và sườn đồi của bộ phận đồng bào khu vực miền núi”, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) nhận định.

Trong những năm qua, nhiều trận lũ quét, sạt lở đất bất ngờ đổ ập xuống trong đêm, cuốn trôi nhà cửa và tính mạng người dân, gây nên nỗi kinh hoàng đối với nhiều tỉnh miền núi nước ta. Có thể điểm lại một số vụ việc tiêu biểu gần đây như sau:

2 giờ sáng 27/6/2018, một vụ sạt lở đất nghiêm trọng đã xảy ra tại bản Sáng Tùng (xã Tà Ngảo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu). 26/28 ngôi nhà cùng nhiều tài sản của người dân đã bị “xóa sổ”. Vụ việc không gây thiệt hại về người nhưng hầu hết các hộ dân nơi đây đều không mang theo được tài sản khi di dời.

Hình ảnh vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra tại bản Sáng Tùng (tỉnh Lai Châu) xóa sổ 26/28 ngôi nhà cùng nhiều tài sản của người dân. Ảnh: Báo Nhân dân

Rạng sáng 3/8/2019, người dân bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đang say giấc ngủ thì bất ngờ lũ ống, lũ quét từ suối Son đổ về nhấn chìm cả bản, khiến 5 ngôi nhà bị sập, 18 ngôi nhà bị lũ nhấn chìm kéo theo 17 người xuống sông Luồng. Tiếp đó, chiều ngày 28/10/2020, một vụ sạt lở đất thảm khốc đã vùi lấp 15 ngôi nhà ở nóc (thôn) ông Đề, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Thông tin chính thức của UBND huyện Nam Trà My sau đó cho biết, vụ sạt lở đất đã khiến 9 người chết, 33 người bị thương, 13 nạn nhân mất tích chưa được tìm thấy.

Theo các số liệu thống kê, trong năm 2018 và 2019, sạt lở đất, lũ quét có xu hướng giảm. Nhưng năm 2020, lũ quét, sạt lở đất lại cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của nó. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ chiều 28/10 đến đầu tháng 11, hàng loạt vụ sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng đã xảy ra ở miền Trung. Tính từ đầu năm đến ngày 18/11/2020, có 132 người chết và mất tích do sạt lở đất, lũ quét.

Tổng hợp của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho thấy, chỉ tính ở các tỉnh miền núi phía Bắc, trên địa bàn 15 tỉnh được điều tra hiện có 116 huyện, 730 xã có nguy cơ cao lũ quét; 136 huyện, 1.226 xã có nguy cơ cao sạt lở đất; 123 huyện, 559 xã có nguy cơ cao sạt lở bờ sông bờ suối. Các vị trí này thường nằm ở sườn dốc các núi tạo hướng chắn gió dễ tạo ra mưa lớn; sườn dốc lớn có nguy cơ sạt lở đất, đá; như ven sông, suối khu vực hạ lưu; các nhà ở, công trình do đào chân núi nằm dọc theo các đường giao thông.

Về lâu dài, phải di dời, tái định cư cho các hộ dân đang sinh sống trong những khu vực có nguy cơ trượt lở đã được cảnh báo. Để thực hiện điều này thì cần nguồn lực rất lớn; do đó, trong Kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025 và Kế hoạch ngân sách hàng năm cần ưu tiên bố trí vốn cho công tác này. Đồng thời, việc tái định cư phải được làm bài bản, trên cơ sở nghiên cứu khoa học kỹ lưỡng và ý kiến góp ý của người dân.

Ông Trần Quang Hoài

Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai

Một trong những giải pháp quan trọng được kỳ vọng hiện nay là đưa vào sử dụng bản đồ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và sụt lún đất do mưa tại khu vực trung du và miền núi. Theo PGS. TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, về ngắn hạn, bản đồ giúp xác định các khu vực có nguy cơ trượt lở rất cao và cao để có thể tránh hoặc áp dụng các biện pháp ứng phó, cũng như các khu vực có nguy cơ thấp, rất thấp, có thể sơ tán đến khi cần. Về dài hạn, có thể tích hợp, giúp điều chỉnh các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch phát triển ngành, cơ sở hạ tầng, trung tâm dân cư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lũ quét, sạt lở đất - Hậu quả khôn lường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO