Lồng ghép quy hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước thành mạng lưới điều tra cơ bản lĩnh vực TN&MT

Thúy Hằng| 10/04/2020 14:05

(TN&MT) - Sáng 10/4, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về quy hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tham dự cuộc họp có lãnh đạo các đơn vị: Cục Quản lý tài nguyên nước, Tổng cục Khí tượng thủy văn, Tổng Cục Môi trường, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Viện Khoa học tài nguyên nước, Vụ Kế hoạch tài chính.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến về Quy hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước sáng 10/4

Một số trạm quan trắc tài nguyên nước không còn phù hợp

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết: Nội dung quy hoạch điều tra cơ bản TNN, trong đó, xây dựng và duy trì mạng lưới quan trắc TNN là một trong những hoạt động của điều tra cơ bản TNN (Điểm d Khoản 1 Điều 12) và gồm mạng của Trung ương và của địa phương (Khoản 1 Điều 9 Nghị định 201). Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức lập QH mạng lưới trạm quan trắc TNN trên phạm vi cả nước, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Khoản 2 Điều 9 Nghị định 201).

Hiện nay, Bộ đã trình CP ban hành Quyết định 90/2016/QĐ-TTg năm 2016 QH mạng quan trắc tài nguyên và môi trường (Quy hoạch 90). Theo quy hoạch này đối với trạm quan trắc TNN Trung ương gồm: 56 trạm quan trắc TNN mặt độc lập, 113 trạm TNN mặt lồng ghép với trạm thủy văn; 71 trạm, 778 điểm và 1.557 công trình quan trắc TNN dưới đất; mạng địa phương chưa đưa vào quy hoạch.

Ông Nguyễn Minh Khuyến cũng cho biết thêm: Cục cũng đã phối hợp với các đơn vị trong Bộ tiến hành thống kê, rà soát về thực trạng triển khai xây dựng và vận hành mạng lưới trạm quan trắc TNN ở trung ương, địa phương.

Ống Nguyễn Minh Khuyến - Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước báo cáo

Cụ thể, tổng số các trạm quan trắc trung ương đến thời điểm hiện tại đã xây dựng, vận hành và đang thực hiện đầu tư bao gồm: 26 trạm quan trắc TNN mặt độc lập/56 trạm theo QH90 (46%), 19 trạm quan trắc TNN mặt lồng ghép với trạm thủy văn/113 trạm theo QH90 (17%); 52/71 trạm, 493/779 (63%) điểm, 1.061/1.545 (69%) công trình theo QH90.

Mạng quan trắc do địa phương thực hiện: thống kê sơ bộ, hiện có 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã xây dựng vận hành trạm quan trắc TNN của tỉnh, các công trình quan trắc chủ yếu là quan trắc nước dưới đất với tổng số khoảng 500 công trình quan trắc nước dưới đất.

Ông La Đức Dũng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV thông tin: Trong quá trình rà soát 20 trạm quan trắc tại khu vực ĐBSCL theo Quy hoạch 90, Tổng cục đã phát hiện loại bỏ 8 trạm quan trắc TNN do đặt gần trạm KTTV và không còn phù hợp. Hiện tại cũng có nhiều trạm quan trắc TNN phải di chuyển và ngừng hoạt động.

Theo ông Nguyễn Minh Khuyến, Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 sẽ tập trung vào duy trì vận hành mạng quan trắc TNN quốc gia đã và đang đầu tư xây dựng.

Tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành các trạm quan trắc TNN mặt (30 trạm độc lập và 94 trạm kết hợp trạm thủy văn), trạm quan trắc TNN dưới đất (19 trạm, 286 điểm, 484 công trình) thuộc danh sách trạm quan trắc TNN (đã được phê duyệt trong Quyết định số 90/QĐ-TTg) và trạm quan trắc thuộc mạng quan trắc TNN của các địa phương đã được phê duyệt;

Thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung các trạm quan trắc TNN độc lập, kết hợp với trạm thủy văn để đảm bảo việc quan trắc lưu lượng, mực nước, chất lượng nước của các nguồn nước mặt liên quốc gia, liên tỉnh và các nguồn nước nội tỉnh quan trọng; các trạm quan trắc mực nước, chất lượng nước của các tầng chứa nước liên tỉnh hoặc có tiềm năng lớn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cần lồng ghép quy hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước thành mạng lưới điều tra cơ bản lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Ông La Đức Dũng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho hay: Quy hoạch điều tra cơ bản TNN là quy hoạch chuyên ngành, nằm trong quy hoạch tổng thể chung của lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Vì thế, cần xem xét có sự lồng ghép với các trạm quan trắc KTTV để tránh sự chồng chéo, lãng phí.

Quang cảnh cuộc họp

Đồng quan điểm, ông Hoàng Văn Thức – Phó tổng cục trưởng Tổng cục môi trường Anh Thức (TCMT) phát biểu: Hiện nay, lĩnh vực KTTV và Môi trường cũng đang triển khai xây dựng mạng quan trắc. Theo ông Thức, nên có sự phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát lại các trạm, trên cơ sở đó lồng ghép ngay từ công tác quy hoạch.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước tiếp tục thực hiện chủ trương chung của Bộ phối hợp, lồng ghép các mạng lưới chuyên ngành lĩnh vực TNN để thành mạng lưới điều tra cơ bản lĩnh vực tài nguyên môi trường.

Tại cuộc họp, ông Triệu Đức Huy – Phó tổng Giám đốc Trung tâm quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia đã đề xuất một số nhiệm vụ điều tra cơ bản TNN. Trước mắt cần hoàn thành việc điều tra và xây dựng bản đồ tài nguyên nước mặt và nước dưới đất cho 16 lưu vực sông tỷ lệ 1/250.000.

Ưu tiên điều tra, đánh giá TNN, khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước cho các lưu vực sông theo thứ tự lập quy hoạch tổng thể lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh tại QĐ số 1977/QĐ-BTNMT ban hành Kế hoạch tổ chức lập quy hoạch thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và môi trường, gồm: Cửu Long; Đồng Nai; sông Ba; sông Mã; Vu Gia - Thu Bồn; sông Hương; sông Cả; Trà Khúc; sông Kôn – Hà Thanh.

Điều tra, đánh giá lập bản đồ TNN tỷ lệ 1/100.000 cho 50% diện tích toàn quốc, tỷ lệ 1/50.000 cho vùng khan hiếm nước, tỷ lệ 1/25.000 cho một số vùng trọng điểm; Xây dựng và duy trì hệ thống cảnh báo, dự báo TNN; Xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu TNN quốc gia và hệ thống hỗ trợ ra quyết định trên các lưu vực sông.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đánh giá cao ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp, đã trao đổi thẳng thắn, cụ thể trên cơ sở khoa học.

Thứ trưởng cho rằng quy hoạch điều tra cơ bản của bất cứ lĩnh vực nào cũng cần có quy định chung, phương pháp, phân loại, phân cấp và cần có danh mục công việc cần làm, các trạm quan trắc. Bộ TN&MT cũng đã qua hai kỳ làm quy hoạch quan trắc tài nguyên và môi trường. Quy hoạch điều tra cơ bản TNN được thực hiện phù hợp với Luật sửa đổi 37 Luật có liên quan đến quy hoạch năm 2018.

Thứ trưởng cũng ghi nhận những nỗ lực của Cục Quản lý tài nguyên nước trong việc sớm hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng trình Bộ, trình Chính phủ. Sau đó Chính phủ cũng đã có đề nghị lấy ý kiến các Bộ, ngành. Tuy nhiên, do đi trước nên Cục chưa rà soát hết các lĩnh vực trên phương diện tổng thể của Bộ TN&MT. “Đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước chủ trì, tập hợp các đơn vị về tài nguyên nước tham gia cùng rà soát lại quy hoạch” – Thứ trưởng chỉ đạo.

Về quan điểm, điều tra cơ bản, Thứ trưởng cho rằng cần hiểu đúng nghĩa, là điều tra những gì là cơ bản nhất, ít thay đổi. Theo Thứ trưởng, với điều kiện phát triển KT-XH như hiện nay, bàn tay của con người đã chạm đến ngõ ngách của từng lưu vực, hiện khó tìm đoạn sông suối nào không bị tác động bởi phát triển kinh tế xã hội. Chính vì vậy quan điểm về điều tra cơ bản cũng đã thay đổi.

Thứ trưởng Lê Công Thành đồng ý với ý kiến cho rằng, điều tra cơ bản phải phân cấp theo tầm quốc gia, địa phương.

“Trong Quyết định của Thủ tướng nên có nguyên tắc chung, quy định, định hướng, tiêu chí cho các cấp địa phương, các đề án, dự án, các công trình phải làm gì cung cấp dữ liệu đi đâu. Bởi đây là điều tra cơ bản trên phạm vi toàn quốc, vì thế, cần có đường nét của hệ thống điều tra cơ bản toàn quốc, cấp trung ương, địa phương, các Bộ, ngành” – Thứ trưởng nói.

Về danh mục các trạm quan trắc tài nguyên nước, Thứ trưởng cho rằng không chỉ sử dụng danh mục các trạm trong Quy hoạch 90. “Đề nghị Cục Quản lý tài nguyên nước phối hợp với các đơn vị rà soát lại, xem xét loại bỏ, bổ sung theo quan điểm mới về điều tra cơ bản”.

Thứ trưởng cũng cho rằng, quy hoạch điều tra cơ bản cần làm song song với quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và quy hoạch lưu vực sông liên tỉnh. Cục Quản lý tài nguyên nước cần đưa ra lộ trình gắn với hai quy hoạch trên.

Thứ trưởng kỳ vọng quy hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước sẽ cụ thể, thiết thực, là kế hoạch trung hạn trong 5 năm, đường hướng trong 10 năm, 20 năm tới và cho chúng ta thêm số liệu phục vụ kỳ tiếp theo của quy hoạch tài nguyên nước.

Để làm được điều đó, Thứ trưởng chỉ đạo Vụ Kế hoạch tài chính sớm có phương án trình Bộ trưởng, Ban cán sự.

“Đối với việc xây dựng quy hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước, các đơn vị cần xem xét cân nhắc cần số liệu điều tra đến đâu. Quan điểm quy hoạch tài nguyên nước nên theo con sông, con suối, đoạn sông, đoạn suối, lưu vực, tiểu lưu vực” – Thứ trưởng đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lồng ghép quy hoạch điều tra cơ bản tài nguyên nước thành mạng lưới điều tra cơ bản lĩnh vực TN&MT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO