Thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh
Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản - chủ yếu là mỏ hầm đất trên mặt ruộng đã được các cấp, các ngành tỉnh Long An quan tâm chú trọng, thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh, xử lý theo quy định. Trước đây, Long An có chủ trương san lấp cụm, tuyến dân cư vượt lũ và xây dựng các tuyến đường giao thông nên khối lượng đất khai thác phục vụ công việc tương đối lớn, điều này tạo ra rất nhiều hầm đất sâu, rộng lớn khi kết thúc việc san lấp.
Qua kiểm tra, ngành chức năng tỉnh Long An yêu cầu các đơn vị khai thác chấp hành nghiêm theo giấy phép khai thác khoáng sản; số hầm đất khai thác xong phải được rào chắn, trồng cây xanh, gắn biển cảnh báo... nhằm bảo đảm an toàn trong khu vực. Đối với trường hợp vi phạm, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân, tỉnh Long An xem xét đình chỉ hoạt động khai thác hoặc thu hồi giấy phép.
Tuy vậy, trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân địa phương vẫn còn cảm thấy lo ngại khi nhắc lại các mỏ hầm đất đang khai thác và các mỏ hầm đã khai thác xong. Theo họ, có thời điểm, mỗi ngày có hàng chục lượt xe tải vận chuyển đất chạy gây bùn sình, khói bụi mù mịt, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.
Ông Nguyễn Văn Sơn (thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa) cho biết, trước đây, có nhiều đơn vị tham gia khai thác hầm đất trên địa bàn, gần đây đã giảm hẳn do hoàn thành việc khai thác. “Giờ địa phương có chủ trương đóng cửa mỏ hầm đất sau khi khai thác xong thì phải có biện pháp quyết liệt hơn nữa, trong đó phải rào chắn, trồng cây xanh, gắn biển cảnh báo xung quanh hầm mỏ...”, ông Sơn mong muốn.
Theo UBND huyện Thủ Thừa, trên địa bàn huyện có tổng cộng 57 hầm đất, trong đó có 7 hầm thuộc thẩm quyến đóng cửa mỏ của UBND tỉnh Long An, số còn lại đã được UBND huyện ra quyết định đóng cửa mỏ. Để đảm bản an toàn xung quanh khu vực hầm đất đã khai thác xong, UBND huyện Thủ Thừa đã chỉ đạo kiểm tra hiện trạng về đất đai, đảm bảo an toàn tại các hầm đất đã khai thác xong thuộc địa bàn quản lý; đồng thời, rà soát tính pháp lý của từng hầm đất liên quan đến việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, đất đai, môi trường tại các hầm đất, như: chỉnh lý biến động đất đai, xây dựng bờ bao, hàng rào, trồng cây xanh, lập biển báo…
Bảo đảm khai thác, sử dụng hợp lý
Ông Nguyễn Tân Thuấn - Phó Giám đốc Sở TN&MT Long An cho biết: Công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoảng sản đã được các cấp, các ngành tỉnh Long An quan tâm chú trọng và đạt nhiều kết quả nhất định. Tuy vậy, hoạt động khai thác các mỏ hầm đất trên địa bàn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định, như: tình trạng khai thác mỏ hầm đất không phép, sai mục tiêu, không bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường vẫn còn xảy ra, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Để công tác quản lý được tốt hơn, nhất là quy hoạch và sử dụng khoáng sản theo đúng mục đích, Sở TN&MT Long An tiếp tục phối hợp với UBND cấp huyện rà soát quy hoạch mỏ hầm đất trên địa bàn cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; yêu cầu các đơn vị khai thác phải thực hiện các nghĩa vụ theo Luật Khoáng sản; phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản đến các tổ chức và người dân.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT Long An sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ UBND cấp huyện để đôn đốc, hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện kế hoạch đóng cửa mỏ các hầm đất đã khai thác xong theo tiến độ; phân loại các hầm đất còn trữ lượng, xây dựng phương án đấu giá mặt nước đối với các hầm đã hoàn chỉnh về thủ tục đất đai; đôn đốc đóng cửa mỏ của các đơn vị đã khai thác xong theo giấy phép của UBND tỉnh.
Đến nay, tỉnh Long An đã thu hồi và chỉnh lý về đất đai 441 hầm đất với diện tích 707ha. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Long An còn 188 hầm đất chưa hoàn thành chỉnh lý biến động đất đai, thu hồi đất, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để lập thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định. Theo kế hoạch, UBND tỉnh Long An yêu cầu chậm nhất đến cuối năm 2022, UBND cấp huyện phải thực hiện ngay việc đo đạc xác định diện tích, cắm mốc ranh cụ thể, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại các hầm đất gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Cũng theo ông Nguyễn Tân Thuấn, về giải pháp lâu dài, tỉnh Long An định hướng dành một quỹ đất cho hoạt động khai thác khoáng sản theo hướng tập trung, không phân tán như hiện nay, bảo đảm cho việc khai thác hợp lý, thuận lợi trong công tác quản lý. Sau khi khai thác xong, sẽ tận dụng những hầm đất này làm hồ chứa nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân hoặc phát triển các dự án năng lượng tại địa phương nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.