Long An: Nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường
(TN&MT) - Là địa phương có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp và tập trung phát triển công nghiệp, tỉnh Long An không ngừng nỗ lực triển khai nhiều giải pháp quan trọng nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương.
Tập trung nhiều giải pháp
Theo ngành chức năng Long An, công tác BVMT luôn được tỉnh Long An tập trung, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trong công tác quản lý chất thải, chỉ đạo xây dựng mô hình phân loại rác tại nguồn. Từ đó, công tác BVMT trên địa bàn ngày càng được cải thiện, đi vào nền nếp.
Điển hình như, Bến Lức là địa phương có vị trí liền kề với TP.HCM và đang tập trung phát triển khá mạnh các khu, cụm công nghiệp; với tốc độ đô thị hóa phát triển khá nhanh, lượng dân nhập cư từ nơi khác đến ngày một tăng. Từ đó, lượng rác thải, nước thải sinh hoạt phát sinh hàng ngày cũng tăng theo, nên nhiệm vụ BVMT luôn được địa phương quan tâm hàng đầu trong giai đoạn hiện nay.
Hàng năm, UBND huyện Bến Lức đều xây dựng và ban hành cơ chế hoạt động phối hợp liên tịch trong nhiệm vụ BVMT giữa UBND huyện và các ngành, đoàn thể triển khai các chương trình hành động về BVMT nhằm thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, cũng như các chiến dịch ra quân BVMT như: quét dọn thu gom rác thải, vệ sinh kênh rạch; đồng thời tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm và tăng cường công tác quan trắc môi trường.
Trong khi đó, Thủ Thừa là huyện nông nghiệp, người dân vẫn quen với lối sống nông thôn. Bởi thế, hàng năm, cơ quan chuyên môn có kế hoạch liên tịch với tổ chức đoàn thể, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Huyện đoàn... để tuyên truyền đến hội viên nội dung về Luật Bảo vệ môi trường 2020; Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT; thực hiện trồng cây xanh để chống biến đổi khí hậu, hướng dẫn phân loại rác tại nguồn, thu gom rác.
Bên cạnh đó, hàng năm, huyện Thủ Thừa đều giao cơ quan chuyên môn thuộc huyện thực hiện việc thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo theo quy định. Ngoài ra, nhiều xã trong huyện còn xây dựng mô hình đổi rác thải nhựa lấy gạo, đổi vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật lấy gạo với nguồn kinh phí xã hội hóa. Qua đó, người dân dần bắt đầu có thay đổi ý thức về nhiệm vụ BVMT.
Tương tự, Tân Thạnh cũng là huyện thuần nông, để nâng cao nhận thức và hành động cụ thể BVMT trong sản xuất nông nghiệp, địa phương đã tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về BVMT, đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải, ngăn chặn và xử lý kịp thời các đối tượng có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường theo quy định, nhất là tổ chức triển khai mô hình lưu giữ bao bì bảo vệ thực vật sau khi sử dụng.
Nâng cao hiệu quả quản lý
Chia sẻ về công tác BVMT trên địa bàn, ông Nguyễn Tân Thuấn - Phó Giám đốc Sở TN&MT Long An cho biết, công tác BVMT luôn được tỉnh Long An tập trung, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Đặc biệt với chức năng, nhiệm vụ chuyên môn, Sở TN&MT Long An thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức vận động, tuyên truyền để từng bước đưa Luật Bảo vệ môi trường 2020 vào thực tế cuộc sống, nâng cao trách nhiệm, nhận thức của người dân, cộng đồng trong xây dựng và BVMT.
Riêng đối với công tác BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; các sở, ngành, địa phương và người dân cũng đã tích cực theo dõi, giám sát. Qua đó, công tác BVMT đi vào nền nếp, chất lượng môi trường được cải thiện; các doanh nghiệp quan tâm đầu tư, xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống xử lý khí thải, nước thải theo hồ sơ môi trường đã được phê duyệt; các đơn vị thuộc đối tượng đã lắp đặt trạm quan trắc liên tục chất lượng nước thải để kiểm soát, từng bước hạn chế ô nhiễm, góp phần cải thiện chất lượng môi trường.
Hiện nay, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải khu vực đô thị tại tỉnh Long An đạt 100%, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải khu vực nông thôn đạt 75%; có 40/43 khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung và xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả vào nguồn tiếp nhận. Đặc biệt, tỉnh Long An cũng đã đầu tư 6 trạm quan trắc môi trường, nhờ đó, Sở TN&MT đã thu thập, theo dõi, giám sát chất lượng môi trường tại những nơi chịu tác động mạnh mẽ của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ông Nguyễn Minh Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết: Long An đã và đang tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển kinh tế đi đôi với BVMT để cụ thể hóa trong việc tiếp nhận đầu tư, kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm, xử lý các vi phạm về BVMT. Lãnh đạo UBND tỉnh Long An cũng đã giao cho ngành TN&MT tỉnh chủ trì, phối hợp các ngành liên quan và các địa phương giải quyết dứt điểm các điểm ô nhiễm tồn tại kéo dài, ngăn ngừa ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường các kênh sông rạch; đồng thời, tham mưu UBND tỉnh giải pháp chủ động thu gom, xử lý chất thải nhằm thực hiện hoàn thành được chỉ tiêu theo tinh thần Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đề ra, trọng tâm là phải xây dựng và vận hành nhà máy xử lý rác đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương.