Biển đảo

Lời thề giữ biển mãi xanhBài 3: Cánh én “cõng”… mùa Xuân

Nguyễn Đình Du 08/08/2023 - 11:18

(TN&MT) - Những đứa con lớn lên từ sự bao bọc chở che của đại dương như anh Tài, anh Loan, ông Ba Truyền, ông Năm Mú… luôn khắc sâu ân tình và lời thề gắn bó dài lâu với biển. Gần đây, cũng đôi khi ban ngày nghe chuyện đông chuyện tây, vậy là đêm về, trong giấc mơ thắc thỏm âu lo.

c880873b2e23e07db932-6670.jpg
anh-10.jpg

Thường thì, trong những lúc mưu sinh chật vật hay sóng to gió cả, những ngư dân can trường vẫn chỉ thoảng qua chút âu lo trên gương mặt rồi lại bậm môi, tập trung vào công việc. Ấy vậy mà gần đây, những nụ cười rạng rỡ khi được mẻ cá to hay thấy biển sạch không rác tựa hồ xa vắng. Những câu chuyện cũng ít rổn rảng hơn…

Mong yên cái bụng để còn ra khơi

Câu chuyện trên bến dưới thuyền không chỉ có cá tôm và nhặt rác, không chỉ chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề với biển mà còn là niềm vui sướng, sự sảng khoái phấn khởi khi bộ mặt đô thị từng ngày “thay da đổi thịt”. Rồi loanh quanh lại tập trung vào chuyện “quốc gia đại sự” khi huyện Cần Giờ được quy hoạch xây dựng Khu đô thị du lịch tầm cỡ Quốc gia.

Chỉ mới nghe tới đó thôi đã lóe lên trong đầu suy nghĩ, rằng… các đại công trình trong tương lai có làm thay đổi dòng chảy, dòng hải lưu ra vào vùng biển Cần Giờ và khu rừng Sác ngập mặn vốn là lá phổi xanh điều tiết khí hậu TP.HCM không? Ngư dân bị giải tỏa, di dời đi nơi khác có còn cơ hội bám biển nữa hay không? Còn những người ở lại, với mật độ và quy mô xây dựng quá lớn thì liệu hệ sinh thái ngàn đời của biển Cần Giờ có còn để cho họ ra khơi…? Câu hỏi này cứ như tảng đá đeo nặng trước ngực họ! Nặng đến nỗi những câu chuyện vui, chuyện tếu quanh ly rượu một hồi rồi cũng “tua” lại nỗi trăn trở này!

a1.jpg
Sinh ra đã nghe tiếng vỗ của sóng, trong sâu thẳm nội tâm của mình, anh Tài cho biết, bản thân anh mãi mãi gắn kết với “mẹ” đại dương

“Sự trĩu nặng ấy như là hơi biển ngày mưa, nó cứ bám riết lấy ngư dân tụi tui. Chưa hình dung ra sự đổi thay, nhưng dù địa phương có đổi thay thế nào đi chăng nữa, tui chắc vẫn giữ nghề “truyền thống”, sống thân thiện với biển để “dưỡng” cái nguồn cung hải sản mà nhiều đời nay biển cả đã bao bọc và ưu ái dành cho dòng tộc của mình”, anh Loan lập luận.

Quả là việc đánh thức tiềm năng huyện Cần Giờ đã “ngủ yên” nhiều thập kỷ qua khiến không ít ngư dân tâm tư… Họ sợ các công trình sẽ mọc lên, ngư trường dành đất cho đô thị. Họ sợ nơi trú ngụ của cá tôm bị ảnh hưởng. Họ sợ cá tôm sẽ bỏ nơi này mà đi… Chao ôi là muôn nỗi sợ, mới hình dung thôi đã thấy râm ran muốn có câu trả lời để yên cái bụng còn ra khơi.

Nỗi trăn trở của họ âu cũng là có căn nguyên. Bởi quy hoạch phát triển không gian biển đối với huyện Cần Giờ đang được cả nước quan tâm, không riêng gì TP.HCM. Việc Cần Giờ tiến ra biển không còn xa. Một ngày, có thể, một vùng tĩnh lặng bấy nay sẽ sáng lung linh ánh đèn. Bởi những dự định đó gần lắm nên nỗi băn khoăn của ngư dân cũng hiển hiện trước mắt, có thể sờ nắm được. Nay tuy chưa rõ rệt đến từng chuyến khơi xa mỗi ngày nhưng có lẽ sẽ là mai mốt…

Tôi vẫn nuôi trong lòng ý nghĩ sẽ đi tìm lời giải cho những băn khoăn của anh Tài và những ngư dân vùng biển Cần Giờ. Đó không chỉ là niềm cảm thông, đó còn là trách nhiệm của một người có lợi thế thông tin hơn các anh (đó là do tôi tự nghĩ vậy). Còn nữa, tôi tin, những chính sách mới có thể sẽ gây xao động, nhưng chắc chắn, đều có sự cân nhắc kỹ lưỡng, đắn đo hơn thiệt, lưu tâm đến mọi phận đời, kể cả đối với những người bình thường nhất.

Phát triển để Cần Giờ… thêm xanh

Đúng như những gì tôi tự vấn an mình. Giữa tháng 7 vừa qua, sau khi khảo sát thực địa, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Huyện Cần Giờ có tiềm năng rất lớn. Tinh thần là phải đổi mới tư duy, hành động nhanh, kịp thời, quyết liệt, hiệu quả, triển khai các công việc theo hướng “vừa chạy vừa xếp hàng”, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, phải chú trọng phát triển hạ tầng trước, phát triển thuận thiên, “thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”. Thủ tướng tin tưởng sẽ nâng sự phát triển của huyện Cần Giờ lên tầm cao mới, thành đô thị vệ tinh hiện đại, văn minh, thông minh, sinh thái của TP.HCM và cả vùng Đông Nam Bộ.

anh-8.jpg
Anh Tài vớt rác trên biển trong mỗi chuyến ra khơi

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định: “TP.HCM tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, TP.HCM và huyện Cần Giờ xác định triển khai thực hiện một cách chắc chắn, bài bản, đúng trách nhiệm với tư duy vượt trội và hành động nhanh nhất có thể đối với các dự án lớn tại huyện Cần Giờ. Đồng thời tin tưởng và mong muốn Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ hỗ trợ trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc.

Thông tin thêm về định hướng phát triển huyện Cần Giờ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết: “TP.HCM xác định phát triển huyện Cần Giờ một cách bền vững, giữ được môi trường sinh thái với Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. TP.HCM cũng đầu tư cho huyện phát triển theo hướng đô thị hiện đại, xứng tầm với vị trí là cửa ngõ phía Đông của thành phố. Vì vậy, công tác lập quy hoạch huyện Cần Giờ cần nghiên cứu thật kỹ, đẩy nhanh tiến độ để có quy hoạch chất lượng và cập nhật vào quy hoạch chung của TP.HCM. Thành phố sẽ khởi công xây dựng cầu Cần Giờ sớm, chậm nhất cũng chỉ đến năm 2025.

Theo ông Trương Tiến Triển - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, những trăn trở của người dân là điều cần phải lắng nghe, ghi nhận. Với góc độ quản lý, để phát triển đô thị nào cũng cần sự đánh đổi, nhưng vấn đề là phải cân nhắc và xác định đâu là “điểm giới hạn”. Trong tổng diện tích toàn huyện 70.000ha, Cần Giờ có 34.000ha là rừng ngập mặn. Các dự án trước khi hình thành phải có đánh giá tác động môi trường cụ thể, phải trả lời được câu hỏi sẽ ảnh hưởng ra sao đến 34.000ha rừng ngập mặn và vùng biển quanh nó. Còn để phát triển thành khu đô thị du lịch, nghỉ dưỡng, phát triển kinh tế biển thì Cần Giờ càng phải cố gắng giữ cho được sự dồi dào và phong phú hệ sinh thái biển. Huyện Cần Giờ hiện có hơn 20.000 người dân sinh sống dựa vào biển. Mỗi năm, sản lượng khai thác hải sản tự nhiên trên địa bàn huyện Cần Giờ đạt trung bình khoảng 20.000 tấn, tương ứng khoảng 55 tấn/ngày.

a2(1).jpg

Với những ngư dân huyện Cần Giờ, câu chuyện địa phương phát triển thành đại đô thị trong tương lai thế nào, tầm vi mô và vĩ mô ra sao… là chuyện “quốc gia đại sự”, là quá tầm với của họ. Nhưng hằng ngày họ có những hành động rất thiết thực, chăm chút giữ môi trường biển sạch để biển cả sẽ tri ân, dâng trả lại những chuyến ra khơi về lại đất liền với khoang thuyền đầy ắp cá tôm. Giờ chính sách mới ùa đến như ngọn gió lành. Chỉ cần biết nơi họ từng gắn bó sẽ được bảo vệ, hơn thế, được bảo tồn, đó đã là sự tưởng thưởng xứng đáng không chỉ cho bản thân mà còn cho con cháu, cho những thế hệ tương lai, không chỉ hôm nay mà mãi mãi mai sau… Đứng ở nơi lộng gió này, tôi hình dung ra nụ cười của anh Tài, anh Loan, ông Ba Truyền, ông Năm Mú và những người dân. Những nụ cười tựa như cánh én cõng mùa Xuân về trên cảng cá.

Nguyễn Đình Du
Địa chỉ nhà: 27/1 đường Quách Văn Tuấn, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lời thề giữ biển mãi xanh Bài 3: Cánh én “cõng”… mùa Xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO