Lời giải nào cho bài toán nhiên liệu chuẩn khí thải Euro 5 tại Việt Nam
Hiện các hãng ô tô tại Việt Nam đang đau đầu với bài toán nguồn cung nhiên liệu theo chuẩn khí thải ở mức 5 (Euro 5) theo quy định của Chính phủ.
Tại Việt Nam, từ ngày 1/1/2022, các loại xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5 (Euro 5). Nhưng hiện nay việc thực hiện tiêu chuẩn khí thải Euro 5 gặp nhiều khó khăn bởi nguồn cung nhiên liệu dầu DO 0001S-V rất hạn chế.
Việc thiếu nguồn cung nhiên liệu dầu DO 0001S-V gây lo ngại lớn cho người sử dụng ô tô máy dầu bởi các hãng xe đã nhanh chóng đáp ứng tiêu chuẩn khí thải cho xe của mình nhưng nhiên liệu sạch lại chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Xu hướng sử dụng nhiên liệu sạch trên thế giới và Việt Nam
Biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan đã thúc đẩy các quốc gia chuyển sang sử dụng nhiên liệu tái tạo và sạch, giảm thiểu khí thải và bảo vệ môi trường. Nhiều nước đã áp dụng các tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt (Mỹ: EPA Tier 4, Châu Âu: Euro 5, Euro 6; Trung Quốc: Euro 5).
Trong nỗ lực hội nhập quốc tế, Việt Nam cũng đã cam kết tại COP 26 (Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, tổ chức tại Anh năm 2021), sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để đạt mục tiêu này, Chính phủ đã ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 5 cho các loại ôtô. Theo Quyết định 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 1/9/2011, các loại xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5 (Euro 5) từ ngày 1/1/2022.
Theo đó, các hãng xe tại Việt Nam đã nhanh chóng có những cải tiến để đáp ứng quy định đề ra. Toyota đã trang bị cảm biến khí thải OBD và các thiết bị lọc khí cho các mẫu xe mới. Ford cũng nâng cấp động cơ cho toàn bộ dòng sản phẩm tại thị trường Việt để tương thích với nhiên liệu Euro 5, Mitsubishi và Nissan tích cực triển khai các công nghệ giảm thiểu khí thải cho các dòng xe mới.
Về mặt truyền thông, Ford Việt Nam đã tích cực chia sẻ thông tin trên các nền tảng website, mạng xã hội chính thức của Ford Việt Nam và trực tiếp tại Đại lý. Nhân viên Đại lý tư vấn và khuyến cáo sử dụng nhiên liệu dầu diesel Euro 5 cho khách hàng, hướng dẫn khách hàng cài đặt và sử dụng ứng dụng Petrolimex. Ngoài ra, khuyến cáo sử dụng nhiên liệu đạt chuẩn được Ford quy định rõ ràng trong sổ bảo hành của xe mới bán ra. Tem cảnh báo nhiên liệu được dán cả bên trong và bên ngoài nắp thùng nhiên liệu.
Thách thức về nguồn cung nhiên liệu đáp ứng chuẩn Euro 5
Tuy chính sách Nhà nước và nỗ lực không ngừng đem đến các sản phảm hợp chuẩn từ các thương hiệu ô tô là dễ dàng nhận thấy, nhưng vấn đề tồn đọng hiện nay nằm ở sự thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu đạt chuẩn gây khó khăn cho người tiêu dùng, đặc biệt là các vùng xa.
Theo thống kê mới nhất từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cả nước có khoảng 1.200 trạm có bán dầu DO 0,001S-V, trong tổng số 17.000 trạm bán xăng, dầu, chiếm tỷ lệ khoảng 7%. Trong đó, tại TP.HCM có khoảng 73 trạm bán dầu DO 0,001S-V trong tổng số hơn 580 trạm bán xăng, dầu, chiếm tỷ lệ khoảng 13%. Hà Nội chỉ có khoảng 30 trạm, trong tổng gần 500 trạm bán xăng, dầu, chiếm tỷ lệ khoảng 6%.
Thực trạng trên khiến người tiêu dùng lo ngại về việc sử dụng nhiên liệu không đạt chuẩn sẽ ảnh hưởng đến động cơ và các vấn đề bảo hành của xe. Nếu xe được trang bị Euro 5 nhưng người dùng lại sử dụng nhiên liệu không đáp ứng tiêu chuẩn Euro 5, hệ thống xử lý khí thải DPF dễ bị hỏng từ đó làm giảm tuổi thọ và hiệu suất của dầu động cơ, giảm công suất động cơ, tăng tiêu hao nhiên liệu, dễ gặp hiện tượng rung giật khi lái xe. Đồng thời, nếu người dùng đổ dầu không như khuyến cáo, gây hư hỏng các chi tiết liên quan đến động cơ, các hãng xe có thể từ chối bảo hành và thiệt hại cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu.
Như vậy việc chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sạch là xu hướng tất yếu toàn cầu giúp nâng cao hiệu suất của phương tiện, bảo vệ môi trường và đóng góp vào phát triển bền vững. Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều này tại Việt Nam cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các bộ, ban, ngành, nhà sản xuất và phân phối ô tô cũng như người tiêu dùng.
Để giải bài toán nhiên liệu sạch trên đây, VAMA và các thành viên VAMA đã và đang tiếp tục đề xuất các cơ quan chức năng sớm đưa ra giải pháp triệt để cải thiện nguồn cung nhiên liệu sạch, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và chất lượng vận hành của sản phẩm được tốt nhất trong thời gian tới, góp phần vào mục tiêu Net Zero carbon vào năm 2050 của Chính phủ.