Môi trường

Lời giải cho bài toán chất thải rắn tại KCN ở Lào Cai

Bích Hợp - Đức Nguyên 05/04/2024 - 14:13

(TN&MT) - Là tỉnh có Khu công nghiệp hoá chất lớn nhất cả nước, nhiều năm nay việc xử lý chất thải rắn luôn là một bài toán khó đối với Khu công nghiệp Tằng Loỏng nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung. Để giải bài toán khó này nhiều công ty đóng chân tại KCN Tằng Lỏng đã cùng với chính quyền địa phương có cách làm hay sáng tạo trong việc xử lý chất thải rắn.

Theo thống kê, Khu Công nghiệp Tằng Loỏng (huyện Bảo Thắng) hiện có hơn 30 nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến khoáng sản, luyện kim, vật liệu xây dựng, hóa chất, sản xuất phân bón... Mỗi năm, tổng lượng chất thải rắn phát sinh sau sản xuất khoảng 3,8 triệu tấn, chủ yếu là xỉ thải lò điện của các nhà máy sản xuất phốt pho, bã thải GYPS của Công ty Cổ phần DAP số 2 và Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang Lào Cai, bã thải luyện đồng của Nhà máy luyện đồng…

Sau nhiều năm tìm giải pháp xử lý chất thải rắn, trong 2 năm gần đây, mỗi năm Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang Lào Cai đã phối trộn, xử lý và xuất bán được 430.000 tấn thải rắn/năm. Ông Đặng Tiến Đức, Phó Giám đốc công ty cho biết, sản phẩm thải sau xử lý chủ yếu được bán cho các công ty sản xuất xi măng làm phụ gia. Lượng xuất bán 430 nghìn tấn hiện nay chỉ chiếm hơn 50% lượng chất thải mà các nhà máy của công ty đang thải ra mỗi năm (hơn 800 nghìn tấn).

chat-thai-ran-1.jpg
Khu công nghiệp hoá chất Tằng Loỏng hiện là KCN hoá chất lớn nhất cả nước, hàng năm KCN này thải ra hàng trăn nghìn tấn chất thải rắn.

Từ cuối năm 2023, tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng có một công ty thực hiện đầu tư mô hình nhà máy nghiền, phối trộn để làm phụ gia cho sản xuất xi măng. Dự án nhà máy nghiền xỉ phốt pho, xỉ lò cao của Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Lao Kay có công suất 1 triệu tấn/năm. Dự án có tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng, với diện tích hơn 7,2 ha đang dần hoàn thiện các hạng mục đầu tư, dự kiến đi vào vận hành trong quý II/2024. Khi đi vào vận hành, nhà máy này có thể xử lý toàn bộ chất thải rắn của các nhà máy trong Khu Công nghiệp Tằng Loỏng.

Ông Ngô Văn Cao, đại diện Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Lao Kay cho biết: Khu Công nghiệp Tằng Loỏng hằng ngày sản sinh ra lượng xỉ thải tương đối lớn. Lượng xỉ thải chưa có hướng xử lý triệt để, chỉ xử lý đơn thuần là chôn lấp nên ít nhiều gây ô nhiễm môi trường trên mặt đất cũng như tầng nước ngầm.

chat-thai-ran.jpg
Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn tại KCN Tằng Loỏng. ảnh Đức Nguyên

Mặt khác, công ty đang thiếu chất phụ gia cho sản xuất xi măng, do đó nhà máy nghiền xỉ phốt pho, xỉ lò cao công suất 1 triệu tấn/năm tại KCN Tằng Loỏng với công nghệ tiên tiến, hiện đại, có đủ năng lực xử lý triệt để, tái chế, tái sử dụng xỉ thải, hạn chế chôn lấp, biến chất thải thành các sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế là rất phù hợp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu vực. Trong thời gian tới, công ty sẽ xây dựng mô hình giai đoạn 2 với thiết bị phối trộn sản xuất xi măng tại Lào Cai để thuận tiện, không còn phải vận chuyển về các tỉnh miền xuôi.

Tháng 12/2023, Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 1260 về việc ban hành chỉ dẫn kỹ thuật tạm thời sử dụng bã thải thạch cao phốt pho làm lớp móng cho đường giao thông và vật liệu san lấp cho công trình xây dựng.

cht-thai-ran-3.jpg
Tại KCN Tằng Loỏng chất thải rắn hiện đang quá tải và chất thành đống cao như quả núi.

Theo quyết định, việc ban hành chỉ dẫn kỹ thuật tạm thời để áp dụng cho một số dự án sử dụng bã thạch cao phốt pho phát thải từ các nhà máy hóa chất, phân bón trong nước làm móng cho đường giao thông và vật liệu san lấp cho công trình xây dựng. Bộ Xây dựng cũng giao Viện Vật liệu xây dựng theo dõi, đánh giá, sau 36 tháng kể từ ngày ký trình Bộ ban hành Quy định chính thức và làm cơ sở xây dựng, công bố tiêu chuẩn theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

Ông Vương Trinh Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết: Có nhà máy xử lý chất thải rắn và Quyết định chỉ dẫn kỹ thuật tạm thời sử dụng bã thải thạch cao phốt pho làm lớp móng cho đường giao thông và vật liệu san lấp cho công trình xây dựng sẽ là giải pháp bền vững, tránh tình trạng chất đống chất thải gây nguy hại cho môi trường.

Đây cũng là giải pháp góp phần làm tăng quỹ đất đầu tư sản xuất khác cho khu công nghiệp, tận dụng nguồn tài nguyên đất, hạ tầng sẵn có và tạo việc làm cho lao động địa phương, có thêm đóng góp cho ngân sách địa phương qua các sắc thuế…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lời giải cho bài toán chất thải rắn tại KCN ở Lào Cai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO