Logistics xanh hướng tới mục tiêu Net -Zezo
Để hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào 2050 theo cam kết của Chính phủ, ngành vận tải, logistics được đánh giá là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng.
Chiều15/10, tại TPHCM, Trung tâm Truyền thông TN&MT ( Bộ TN&MT) phối hợp Hiệp hội Logistics Việt Nam tổ chức Hội thảo “Vai trò của Vận tải xanh-Green Logistics trong xu thế quốc tế đương đại tăng trưởng xanh phát triển bền vững hướng tới Net - Zezo 2050”.
Theo Ban Tổ chức, Việt Nam hiện có hơn 40.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics và là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics, được Cơ quan hàng hải Mỹ cập phép. Việt Nam cũng xếp thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu, theo bảng xếp hạng Agility 2022.
Những năm gần đây, Việt Nam đang hướng tới hệ thống vận tải, logistics xanh theo xu thế chung toàn cầu. Logistics xanh, thân thiện, giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường bao gồm: hoạt động dịch vụ vận chuyển, xử lý và lưu trữ nguyên vật liệu, kiểm soát hàng tồn kho, kho bãi, đóng gói và các quyết định vị trí phân bổ hàng hóa...
Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết: Việt Nam đang nỗ lực thực hiện cam kết giảm 30% lượng khí thải mêtan so với mức năm 2020 vào năm 2030. Đặc biệt, Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong đó hoạt động vận tải, logistics có tiềm năng cắt giảm khí các bon và khí mêtan thông qua việc chuyển đổi nguồn nhiên liệu, năng lượng.
Đại tá Bùi Văn Qùy, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Phó Chủ tịch Hiệp hội cảng biển Việt Nam cho biết: Hệ thống cảng là xương sống của nền kinh tế nhưng các hoạt động logistics cũng phát thải một lượng lớn khí thải các bon ra môi trường. Nhận thức được điều này, Tân Cảng Sài Gòn đã thành lập Ban chỉ đạo cảnh xanh để điều phối hệ thống 62 đơn vị thành viên trong việc chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu Net - Zezo.
Ông Trần Văn Toản, Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam Kosher Climate India thông tin: Hiện tại, báo cáo phát thải bắt buộc ngày càng phổ biến ở các quốc gia. Bắt đầu từ năm 2024, EU ETS sẽ yêu cầu báo cáo lượng khí thải CO2 từ các tàu có tổng trọng tải trên 5.000 tấn. Ngoài ra, Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) cũng đang lên kế hoạch áp dụng định giá các bon cho vận tải hảng hải.
Ông Nguyễn Tuấn Phát, Giám đốc Quan hệ Chính phủ và Dịch vụ công, Quỹ Asia Clean Capital Vietnam (ACCV) cho rằng: Tiềm năng phát triển hệ thống cảng tại Việt Nam rất lớn nhưng đến nay chúng ta chưa có cảng tầm cỡ châu lục, quốc tế. Tuy nhiên, thời gian tới, Việt Nam cần tập trung chiến lược vào phát triển cảng xanh, dù cảng đó ở quy mô nào.