Đã đến lúc cần có những hành động mạnh mẽ để có thể bảo tồn loài hổ - loài có vị trí quan trọng đối với đa dạng sinh học và gắn liền với nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Ngày Quốc tế về Bảo tồn Hổ - 29/7 là một cơ hội để nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề này.
Thế giới suy giảm 95%
Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế - IUCN đánh giá hổ, sư tử, là một trong các loài mèo lớn trên thế giới hiện nay; ngoài ra còn có: báo đốm, báo hoa mai, báo tuyết, báo săn, báo sư tử, báo gấm,… đều được xem là biểu tượng cho sức mạnh và sự dũng mãnh. Các loài mèo lớn này giúp duy trì số lượng các loài động vật ăn cỏ trong mức giới hạn, từ đó, tác động tới tính đa dạng loài của các loài thực vật. Sự biến đổi của các loài động vật ăn thịt ở đỉnh của hệ sinh thái như mèo lớn có thể điều chỉnh toàn bộ hệ thống. Do đó, các loài mèo lớn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học.
IUCN cho biết, số lượng cá thể hổ trên thế giới đã giảm 95% trong một thế kỷ qua. Thế giới hiện chỉ còn khoảng 3.900 cá thể hổ trong tự nhiên. Việc mất sinh cảnh sống, trong đó, có sự suy giảm con mồi của hổ do các hoạt động phát rừng lấy đất canh tác nông nghiệp, chuyển đổi đất rừng thiếu quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng là nguyên nhân chính tác động đến quá trình tuyệt chủng loài hổ.
Bên cạnh đó, các hoạt động tác động đến rừng như khai thác gỗ, mở rộng nương rẫy, cháy rừng, phá rừng trồng cây công nghiệp, xây dựng thủy điện, đường xá, khai khoáng... đe dọa trực tiếp đến khả năng phục hồi quần thể hổ, con mồi của hổ. Diện tích rừng tự nhiên giảm từ 43% những năm cuối thế kỷ XX xuống còn 17% đẩy nhiều loài thú lớn như voi, hổ, tê giác đến nguy cơ tuyệt chủng do thiếu thức ăn và nơi cư ngụ. Hiện trạng hổ hoang dã còn rất ít, phân bố rải rác thành các quần thể nhỏ, không có sự giao lưu, trao đổi di truyền dẫn đến hiện tượng suy thoái nguồn gen.
Việt Nam dự báo còn dưới 5 cá thể tự nhiên
Đây là thông tin được các chuyên gia bảo tồn đưa ra tại Tọa đàm Số phận “Ông Ba Mươi” và tình trạng bảo tồn các loài nguy cấp ở Việt Nam do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) phối hợp với WCS tổ chức ngày 29/7 nhằm nhìn nhận và thảo luận về những nỗ lực, thách thức, những hạn chế trong chương trình bảo tồn hổ và các loài nguy cấp khác của Việt Nam cũng như các triển vọng và cơ hội cải thiện trong tương lai.
Theo thống kê từ các Chi cục Kiểm lâm năm 2001 quần thể hổ trong toàn quốc ước tính có thể còn trên 100 cá thể. Tuy vậy, sau 10 năm, điều tra của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật năm 2011 cảnh báo số lượng hổ hoang dã của Việt Nam đã suy giảm nghiêm trọng, chỉ còn khoảng từ 27 - 47 cá thể. Nghiêm trọng hơn, số liệu cập nhật năm 2016 của WWF cho thấy, số lượng hổ ngoài tự nhiên của Việt Nam có thể chỉ còn dưới 5 cá thể và được đánh giá là loài đang có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Năm 2010, tại Hội nghị Bảo tồn Hổ Quốc tế St. Petersburg, cùng với 12 quốc gia có vùng sinh cảnh của hổ, Việt Nam cam kết sẽ tăng gấp đôi số lượng hổ ngoài tự nhiên vào năm 2022. Để thực hiện cam kết này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 539 phê duyệt Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ giai đoạn 2014 - 2022 nhằm “bảo vệ, bảo tồn hổ, sinh cảnh và con mồi của hổ, góp phần ngăn chặn sự suy giảm, từng bước phục hồi, cải thiện và tăng số lượng hổ tự nhiên đến năm 2022”.
Mặc dù, chưa có số liệu thống kê số lượng hổ trong tự nhiên đến giai đoạn hiện tại, các số liệu trên đây đã phần nào cho thấy thách thức khó vượt qua đối với Việt Nam trong việc thực hiện cam kết toàn cầu này.
Sau 5 năm thực hiện Chương trình quốc gia về bảo tồn hổ, 9 năm, Việt Nam ký vào cam kết toàn cầu, Ngày Quốc tế về Bảo tồn Hổ năm nay là thời điểm thích hợp để cùng nhìn lại những nỗ lực bảo tồn của Việt Nam. Đây đồng thời, cũng là cơ hội nhìn rộng ra các chương trình bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp mà Việt Nam đang triển khai để thấy được những hạn chế, thách thức, triển vọng và những cơ hội cải thiện trong tương lai.