Thiếu cát xây dựng
Theo thông tin từ Sở TN&MT Bến Tre, nếu như trước đây, toàn tỉnh có 26 mỏ cát được cấp phép, đến đầu năm 2019 chỉ còn 2 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực. Tuy vậy, hai mỏ này không có hoạt động khai thác. Đến tháng 7/2019, có một giấy phép hết hạn khai thác. Bên cạnh đó, thời gian qua, tỉnh Bến Tre tập trung công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh cát sông trái phép trên phạm vi toàn tỉnh. Bởi thế, nguồn cát trong xây dựng tiếp tục khan hiếm và tăng giá.
Anh Thanh Vân - chủ doanh nghiệp chuyên cung cấp cát và san lấp các công trình xây dựng tại huyện Ba Tri (Bến Tre) cho biết, giá cát tăng, các dự án bất động sản là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, nhất là các dự án đang triển khai. Chính từ cát tăng giá đã đẩy nhiều nhà thầu đang thực hiện thi công các dự án công trình rơi vào cảnh khó khăn, do tăng chi phí mua vật liệu xây dựng, đội vốn đầu tư.
Theo anh Thanh Vân, năm nay, nguồn và giá cát tuy không “nóng” như các năm trước đây nhưng vẫn khan hiếm và biến động. Hiện tại, giá cát sông được vận chuyển từ nơi khác như Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long… về Bến Tre có giá 150 ngàn đồng/m3, tăng hơn 30.000 đồng/m3 so với những tháng đầu năm. Giá cát tăng là do việc vận chuyển xa và nhu cầu trong xây dựng nhiều hơn, trọng tâm là các công trình của Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới như: Trường học, đường giao thông…
Thời gian qua, người dân cũng cấp tập xây dựng, sửa chữa nhà cửa, san lấp mặt bằng dẫn đến nhu cầu về nguồn cát là rất lớn. Do cát lòng sông khan hiếm và giá cao, nên một số người dân có nhu cầu về san lấp mặt bằng đành chấp nhận thay thế bằng nguồn đất được lấy từ bờ đập, ao nuôi tôm, cát nội đồng có giá thấp hơn khoảng 50 - 60.000 đồng/m3 so với giá cát sông.
Cát lòng sông phục vụ nhu cầu xây dụng tại Bến Tre |
Gia tăng khai thác cát trái phép
Cũng chính vì nguồn cát xây dựng khan hiếm nên tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông, cửa biển tại Bến Tre diễn biến rất phức tạp. Theo thống kê, trong những tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng phát hiện trên 230 vụ khai thác cát trái phép, xử phạt với tổng số tiền hơn 4,6 tỷ đồng; buộc nộp ngân sách Nhà nước tương đương tiền định giá phương tiện vi phạm thuộc trường hợp bị tịch thu 7 vụ, số tiền trên 2,7 tỷ đồng. Chuyển cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh củng cố hồ sơ để xử lý hình sự 9 đối tượng.
Ông Lê Văn Đáo - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bến Tre cho hay, hiện tại, do nhu cầu sử dụng nguồn cát để xây dựng, san lấp mặt bằng là rất lớn, nhất là tốc độ đô thị hóa tại các địa phương ngày càng tăng nhanh. Trong khi đó, nguồn cung cấp đang khan hiếm dần và gần như cạn kiệt, kéo theo giá cát xây dựng sẽ tăng cao.
Do đó, theo ông Lê Văn Đáo, để đảm bảo nhu cầu sử dụng nguồn cát, cũng như kéo giảm tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn, tỉnh Bến Tre đã hoàn thành các thủ tục để tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 5 mỏ cát mới thuộc thẩm quyền cấp phép khai thác của UBND tỉnh Bến Tre. Trong đó, huyện Ba Tri có 3 mỏ cát, huyện Châu Thành 1 mỏ và huyện Mỏ Cày Nam có 1 mỏ cát.
Với 5 mỏ cát mới này, vừa qua, Sở TN&MT đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh tổ chức đấu giá 2 mỏ tại huyện Châu Thành và Mỏ Cày Nam, với tổng trữ lượng khoảng 1,6 triệu m3 cát san lấp. 3 mỏ còn lại tại huyện Ba Tri với tổng trữ lượng trên 4,9 triệu m3 sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục đấu giá theo kế hoạch.
Ngoài ra, tỉnh Bến Tre đã thống nhất chủ trương và đang tiến hành các bước triển khai thực hiện Dự án Khôi phục và nâng cấp sông Ba Lai đoạn từ ngã ba Giao Hòa - Chẹt Sậy đến cống đập Ba Lai với tổng vốn đầu tư trên 800 tỷ đồng. Tổng khối lượng nạo vét trên 19 triệu m3. Trong số đó, có một phần sẽ sử dụng để phục vụ nhu cầu san lấp mặt bằng các công trình xây dựng tại tỉnh Bến Tre.