23,51% cán bộ, người lao động đã được tiêm phòng COVID-19
Tại cuộc họp trực tuyến, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ đã báo cáo công tác phòng chống dịch trong thời gian qua tại cơ sở; đảm bảo vừa ứng phó với tình hình dịch bệnh, vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn được giao.
Theo lãnh đạo Văn phòng Bộ, ngay từ những thời điểm đầu tiên xuất hiện dịch bệnh vào đầu năm 2020, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo đó, tại Trụ sở Bộ và các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ đã thực hiện đầy đủ các bước theo dõi, sàng lọc ban đầu đối với người ra, vào trụ sở cơ quan như: đăng ký thông tin cụ thể về thời gian ra, vào; khai báo y tế, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn…
Ngoài việc thực hiện các quy định của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chú trọng đến việc tiêm phòng vắc xin cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Tính đến hết tháng 7/2021, số người đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 chiếm 23,51% tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ. Số lượng vacxin do Bộ phân bổ cho các đơn vị theo nguyên tắc ưu tiên cho các đối tượng có đặc thù công việc phải thường xuyên tiếp xúc, có nguy cơ lây nhiễm cao, bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn vacxin được phân bổ…
Việc thực hiện phương án ứng phó với các trường hợp khẩn cấp khi xuất hiện ca nghi nhiễm, bệnh nhân COVID-19 tại đơn vị cũng được các đơn vị chủ động thực hiện theo đúng kịch bản ứng phó đã được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của Bộ ban hành và theo hướng dẫn, quy trình của Bộ Y tế và chính quyền địa phương. Thực hiện rà soát, sàng lọc kỹ lưỡng, đầy đủ các trường hợp thuộc diện F1 và F2 để phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp cách ly, theo dõi phù hợp…
Ngoài ra, hưởng ứng lời kêu gọi toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động và trao ủng hộ hơn 1,6 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Nhiều đơn vị trực thuộc Bộ đã có những đóng góp trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân thuộc tuyến đầu chống dịch và cho chính quyền địa phương mà cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng các Thứ trưởng: Nguyễn Thị Phương Hoa; Võ Tuấn Nhân; Lê Công Thành; Lê Minh Ngân họp trực tuyến cùng các thành viên trong Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. |
Vượt qua thách thức, hoàn thành các nhiệm vụ trong 7 tháng đầu năm
Đối với việc điều hành, thực thi công vụ và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, xử lý công việc, ưu tiên việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo theo hình thức trực tuyến, phục vụ cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tuyến trong những thời điểm dịch bệnh đang bùng phát mạnh, phải yêu cầu giãn cách; bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc của Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ diễn ra bình thường, xuyên suốt.
Đánh giá về việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh 7 tháng có tới 2 đợt dịch COVID - 19 kéo dài, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, với tinh thần quyết tâm, sự chủ động, sáng tạo, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành; tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vượt khó của từng công chức, viên chức, người lao động, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã vượt qua thách thức, hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra trong 7 tháng đầu năm.
Ngành tài nguyên và môi trường tiếp tục đóng góp quan trọng, trực tiếp vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đặc biệt nguồn thu ngân sách (đóng góp 17,68% thu ngân sách nội địa). Đồng thời đã phối hợp với các Bộ, ngành có các chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh.
Nghiên cứu đề xuất các giải pháp, sáng kiến đảm bảo phòng chống dịch trong mọi tình huống
Hiện nay, dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước. Trong khi đó, khối lượng công việc trong 5 tháng cuối năm là rất lớn. Có rất nhiều đề án, dự án Luật, văn bản quy phạm pháp luật cần đưa vào thực tiễn; nhiều hoạt động cần triển khai ở địa phương, cơ sở; công tác giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn phục vụ phát triển KT-XH, phòng chống thiên tai; kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy ngành…
Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch làm việc khoa học, hợp lý, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị chịu trách nhiệm, cá nhân phụ trách để đảm bảo tiến độ, chất lượng và hoạt động thông suốt trong toàn ngành. Chủ động rà soát, thực hiện các giải pháp, biện pháp thiết thực chăm lo, hỗ trợ cho công chức, viên chức, người lao động, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Nghiên cứu đề xuất với Bộ các giải pháp, biện pháp, sáng kiến trong công tác chỉ đạo điều hành, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ mục tiêu đặt ra và đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch trong mọi tình huống.
Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn về phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Bộ Y tế, Bộ trưởng đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo, các đơn vị trực thuộc Bộ chủ động và có kế hoạch về nhân lực, trang thiết bị y tế; khẩn trương rà soát, cập nhật các Kịch bản phòng, chống dịch bệnh của đơn vị phù hợp trong tình hình mới, bảo đảm sẵn sàng ứng phó với diễn biến xấu của dịch bệnh trên diện rộng. Văn phòng Bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương bổ sung, hoàn thiện kịch bản phòng, chống dịch an toàn tại trụ sở số 10 Tôn Thất Thuyết, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội và các toà nhà có nhiều cơ quan đơn vị của Bộ làm việc; phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục thực hiện tốt việc tiêm chủng vắcxin phòng dịch Covid-19 cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các đơn vị trực thuộc Bộ, đặc biệt là các cán bộ ở khu vực phía Nam và Tây Nguyên.
Bộ trưởng đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Thi đua, Khen thưởng và Tuyên truyền kịp thời để xuất khen thưởng, biểu dương các tổ chức, cá nhân có sáng kiến, cách làm hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch và triển khai các nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành; xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ trưởng đề nghị thanh tra Bộ và các đơn vị quản lý nhà nước trực thuộc Bộ rà soát, đề xuất điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo hướng tạm thời chưa tiến hành thanh tra tại các địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh; chỉ tập trung thanh tra đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm; đề nghị các địa phương, doanh nghiệp báo cáo việc tuân thủ thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; ưu tiên công tác hậu kiểm.
Đối với công tác tiếp dân, vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ trưởng đề nghị cần có các phương án để tiếp nhận đơn thư, khiếu nại của người dân một cách linh hoạt; đề nghị thiết lập đường dây nóng để người dân có thể báo cáo những bức xúc đến cơ quan quản lý nhà nước. Trong trường hợp cần thiết thì sẵn sàng tổ chức các cuộc tiếp xúc công dân bằng hình thức trực tuyến để lắng nghe và giải đáp những quyền lợi thiết thực cho nhân dân.
Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Y tế và các cơ quan liên quan đề xuất việc giải quyết các vấn đề về bảo vệ môi trường, nhất là xử lý rác thải y tế, tại khu cách ly theo chỉ đạo của Chính phủ. Chủ động phối hợp với ngành Y tế hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương quản lý, thu gom, xử lý rác thải y tế, đặc biệt là tại các đô thị lớn, các địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh để bảo đảm sức khỏe cho người dân sau dịch.
Đối với các công tác điều tra cơ bản, dự báo thời tiết, khí tượng thuỷ văn Bộ trưởng hoan nghênh các đơn vị đã chủ động, sáng tạo và linh hoạt trong thời gian qua, đồng thời đề nghị cần đưa ra thêm các phương án, kịch bản riêng để vừa đảm bảo được công tác điều tra, dự báo phục vụ phát triển kinh tế xã hội vừa thích ứng được với tình hình dịch bệnh như hiện nay.
Đối với các công tác về hành chính, cấp phép giấy phép, chứng chỉ… Bộ trưởng đề nghị cần chuyển đổi số hoá, trực tuyến công tác này. Bộ trưởng nhận định đây là thách thức lớn nhưng cũng là yêu cầu cấp thiết trong thời kỳ này. Do đó, đề nghị Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên, môi trường phân công công chức, viên chức, người lao động ứng trực, đề xuất nâng cấp các đường truyền để đảm bảo hoạt động chỉ đạo điều hành trên môi trường mạng thông suốt, ứng dụng công nghệ thông tin nhiều hơn nữa vào trong các hoạt động của Bộ.
Các đơn vị, tổ chức làm việc tại các khu liên cơ quan của Bộ cần thành lập bộ phận thường trực để thống nhất chủ động triển khai toàn diện, đồng bộ các kế hoạch, kịch bản, phương án phòng, chống dịch, sẵn sàng kích hoạt kịch bản ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra đảm bảo mục tiêu kép phòng dịch hiệu quả và đảm bảo các hoạt động thông suốt của toàn ngành.
Thay mặt Lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng chia sẻ với những đơn vị, các công chức, viên chức, người lao động đang ở vùng tâm dịch. Và mong muốn được lắng nghe ý kiến, kiến nghị đề xuất để Bộ có những biện pháp hỗ trợ kịp thời.