Rút ngắn thời gian thực hiện
Tỉnh Trà Vinh bắt đầu tổ chức thực hiện liên thông thuế từ ngày 1/11/2016, nhưng để thực hiện kết nối liên thông điện tử giữa cơ quan Đăng ký đất đai và cơ quan Thuế đòi hỏi quá trình chuẩn bị rất dài. Trong đó gồm quá trình chuẩn bị pháp lý cho quá trình triển khai, xây dựng kế hoạch cho quá trình triển khai, tập huấn triển khai và đánh giá kết quả rút kinh nghiệm. Để chuẩn bị pháp lý cho quá trình triển khai, Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp giữa cơ quan có liên quan trong việc luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở quy chế ban hành và quá trình chuẩn bị, Sở TN&MT đã phối hợp cùng Cục Thuế tỉnh Trà Vinh, chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai cùng các Chi cục Thuế tiến hành rà soát xây dựng kế hoạch và xây dựng giải pháp xử lý cho các rủi ro phát sinh trong giai đoạn triển khai ban đầu, phân công đầu mối cho từng Chi nhánh, từng Chi cục Thuế thiết lập kênh thông tin nhanh để xử lý giải quyết khi có sự cố phát sinh.
|
Đây là bước quan trọng trong quá trình triển khai vì việc thực hiện thủ tục hành chính cho người dân là không thể chậm trễ, không thể dừng lại nên việc thực hiện chuẩn bị các giải pháp kiểm soát để tránh việc hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính bị “lọt sổ”, không kiểm soát được là một nội dung quan trọng trong quá trình chuyển đổi.
Bên cạnh đó, quy trình phối hợp giữa Văn phòng với cơ quan Thuế thực hiện thông qua môi trường mạng với đường truyền có tốc độ 100Mbps, dữ liệu được quản lý trên phần mềm.
Đặc biệt, việc trao đổi thông tin thuế, dữ liệu về hồ sơ quét được tạo lập và lưu trữ tại máy chủ của Văn phòng, cơ quan Thuế được cung cấp tài khoản truy cập trực tiếp thông qua website của Văn phòng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, trao đổi thông tin giữa hai cơ quan.
Thời gian bắt đầu kết nối liên thông điện tử giữa cơ quan Đăng ký đất đai và cơ quan Thuế được thực hiện 1/11/2016 đến nay và triển khai đồng bộ tại các Chi nhánh Văn phòng với cơ quan Thuế tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Việc luân chuyển hồ sơ chủ yếu được thực hiện trên môi trường mạng thông qua việc tạo lập và luân chuyển hồ sơ điện tử gắn liền với chữ ký số của người có thẩm quyền thuộc các cơ quan.
Để kiểm soát quá trình triển khai, trong thời gian ban đầu, phân công nhân viên tiến hành kiểm tra giám sát 100% hồ sơ luân chuyển giữa hai bên, sau đó hàng tuần có đối chiếu các hồ sơ quá hạn mà chưa nhận được thông báo thuế từ cơ quan Thuế.
Theo đánh giá của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Trà Vinh, việc thực hiện luân chuyển thông tin đất đai giữa cơ quan đăng ký đất đai với cơ quan Thuế mang lại rất nhiều hiệu quả thiết thực, có thể xét một số hiệu quả chính như:
Thứ nhất, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính của người dân với mỗi hồ sơ tối thiểu là 1 ngày trong giải quyết thủ tục hành chính.
Cụ thể là rút ngắn thời gian trong việc chuyển thông tin qua lại giữa hai cơ quan khi Văn phòng Đăng ký chuyển phiếu chuyển thông tin điện tử thì gần như tức thời cơ quan Thuế có thể nhận được, xem được phiếu chuyển điện tử, việc phản hồi thông báo thuế từ cơ quan Thuế về Văn phòng cũng được thực hiện tức thời; ngoài ra, rút ngắn được thời gian nhân bản hồ sơ giấy kèm theo phiếu chuyển; rút ngắn thời gian viết phiếu chuyển do tận dụng được kết quả từ dữ liệu hiện có.
Thứ hai, việc ứng dụng phần mềm quản lý chuyển điện tử giúp quá trình quản lý hiệu quả hơn, Văn phòng cũng như cơ quan Thuế có thể quản lý tốt hơn phiếu chuyển thông tin địa chính điện tử, tổng hợp xác định nhanh phiếu nào đã có kết quả, phiếu nào chưa có; phiếu chuyển thông tin nào sắp đến hạn, xác định nhanh việc tồn đọng hồ sơ để phân công xử lý.
Thứ ba, tiết kiệm chi phí nhân lực trong thực hiện lập phiếu chuyển bằng cách viết tay, cơ quan Thuế cũng tiết kiệm chi phí do sử dụng dữ liệu sẳn có để in ấn và tiết kiệm giấy tờ liên quan đến quá trình tạo phiếu chuyển, nhân bản hồ sơ kèm theo.
Thứ tư, công khai minh bạch quá trình thực hiện thủ tục hành chính giữa Văn phòng Đăng ký đất đai và giữa cơ quan Thuế đồng thời với người sử dụng đất khi thực hiện hồ sơ thông qua công khai trạng thái giải quyết hồ sơ. Cuối cùng, làm tiền đề thực hiện việc cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước về đất đai trên các lĩnh vực khác.
Phải có hệ thống cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính số
Để có thể thực hiện liên thông điện tử giữa 2 cơ quan, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Trà Vinh phải có hệ thống cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính số, được cập nhật thường xuyên, đảm bảo làm tiền đề thực hiện liên thông điện tử. Ví dụ như tại tỉnh, toàn bộ hồ sơ thủ tục hành chính để được vận hành trên phần mềm VILIS, các huyện, thị xã, thành phố trong quá trình thao tác thực hiện nhiệm vụ thường xuyên về đăng ký đất đai đều thực hiện cập nhật vào cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính; phải có hạ tầng đường truyền đảm bảo.
Từ 1/11/2016 đến tháng 10/2020, huyện Càng Long, Chi nhánh văn phòng đã nhận và chuyển cơ quan Thuế 22.768 hồ sơ, cơ quan Thuế trả kết quả qua liên thông điện tử 21.958 hồ sơ, đạt tỷ lệ 96.44%; Thành phố Trà Vinh, nhận 9.668 hồ sơ, cơ quan Thuế trả hồ sơ liên thông điện tử 9.019 hồ sơ, đạt tỷ lệ 93,29%...
Đặc biệt phải có sự quyết tâm thực hiện từ lãnh đạo các cơ quan liên quan, mà cụ thể là Sở TN&MT, Cục Thuế tỉnh và lãnh đạo Văn phòng, lãnh đạo các Chi cục Thuế các huyện, thị xã, thành phố. Có quyết tâm từ các cấp lãnh đạo sẽ có chỉ đạo đồng bộ thống nhất, quyết liệt trong quá trình triển khai, đồng thời cũng sẽ có sự cởi mở hơn giữa các cơ quan để khắc phục khó khăn trong thời gian ban đầu triển khai.
Ngoài ra, phải có khung pháp lý trong quá trình phối hợp thực hiện, thông qua quy chế phối hợp được UBND tỉnh ban hành; bảng giá đất phải rõ ràng, dể dàng số hóa đưa lên hệ thống.