Ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại diễn đàn |
Diễn đàn nằm trong chuỗi sự kiện của Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest) nhằm kết nối các chủ thể trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tổng kết các kết quả đạt được và triển khai hoạt động trong giai đoạn tới.
Theo thống kê của Bộ KH&CN, Việt Nam hiện có hơn 1400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 196 khu làm việc chung, 69 vườn ươm doanh nghiệp và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh được thành lập. Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam hiện nay là 108 quỹ, trong đó có 23 quỹ có pháp nhân Việt Nam, 23 quỹ thuần Việt.
Tại diễn đàn, ông Trần Văn Tùng – Thứ trưởng Bộ KH&CN cho rằng: Việt Nam trong thời kỳ dân số vàng, nguồn nhân lực dồi dào, dư địa tăng trưởng còn lớn. Nếu áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ sẽ giúp tăng trưởng nhanh, bắt kịp với thế giới. Muốn thế cần có chính sách khuyến khích được sự sáng tạo, cống hiến nhiều hơn của người dân, thu hút người tài trong và ngoài nước. Số liệu của Bộ KHCN cho thấy sự tham gia tích cực của các tổ chức, tuy nhiên cần thúc đẩy hơn nữa sự liên kết giữa các tổ chức này, đặc biệt cần hình thành các mô hình liên kết giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp phát triển các không gian sáng tạo, khu làm việc chung hỗ trợ khởi nghiệp không chỉ cơ sở hạ tầng mà còn là sự cổ vũ cho tự do sáng tạo, tinh thần doanh nhân.
Cùng với đó, cần nâng cao hơn nữa hiệu quả tận dụng nguồn lực sẵn có của các chủ thể trong hệ sinh thái. Mỗi trường đại học, mỗi tập đoàn, mỗi tổ chức hỗ trợ cần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của riêng mình, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực có kinh nghiệm trong điều hành, quản trị; kết nối các mạng lưới chuyên gia, cựu sinh viên, đưa các kết quả nghiên cứu đến gần hơn với doanh nghiệp và khách hàng, đẩy mạnh nghiên cứu mang tính ứng dụng, xuất phát từ quan điểm và nhu cầu của khách hàng. Và trên hết, chúng ta cần liên kết các hệ sinh thái này lại với nhau để tạo ra nguồn lực dồi dào cho khởi nghiệp sáng tạo.
Các đại biểu cho rằng cần thúc đẩy hợp tác các nguồn lực, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế |
Tham gia trao đổi tại diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung về mạng lưới trí tuệ Việt hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; vai trò của tập đoàn công nghệ trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nguồn lực hỗ trợ gkhởi nghiệp từ góc nhìn của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... Trong đó, nội dung được quan tâm nhiều nhất là việc thúc đẩy hợp tác các nguồn lực, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, năm 2020, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) thông qua sự tài trợ từ Quỹ Thịnh vượng Anh đã phối hợp với Ban tổ chức Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia của VCCI để triển khai một số nội dung mới cho khởi nghiệp, trong đó đẩy mạnh việc xây dựng bộ tiêu chí về kinh doanh liêm chính cho nhà đầu tư và startup, đào tạo kinh doanh liêm chính cho các giảng viên, cố vấn khởi nghiệp và doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bà Ann Mawe, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi khả năng thích ứng và bắt kịp các xu hướng công nghệ mới, phương thức mới trên thế giới, Việt Nam cần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể hợp tác, kết nối với các tập đoàn lớn cũng như với những tổ chức kết nối hỗ trợ start-up.