Lễ cúng thần Rừng ở Hà Giang, một nét đẹp văn hóa

23/08/2013 00:00

(TN&MT) - Trong rất nhiều nghi lễ truyền thống của các dân tộc ở miền đất Hà Giang, có một lễ cúng độc đáo là lễ cúng thần Rừng của người Nùng.

   
(TN&MT) - Trong rất nhiều nghi lễ truyền thống của các dân tộc ở miền đất Hà Giang, có một lễ cúng độc đáo là lễ cúng thần Rừng của người Nùng. Nghi lễ này không chỉ cầu cho con người tránh khỏi bệnh tật, cây cối, mùa màng tốt tươi, mà còn góp phần bảo vệ những khu rừng nguyên sinh qua bao đời người.
   
  Chúng tôi có dịp đến thôn Ma Lù Súng, xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì, nơi còn giữ được những khu rừng với nhiều loại cây cổ thụ để được chứng kiến lễ cúng thần Rừng của bà con người Nùng nơi đây. Theo bà con cho biết, thời gian cúng thần Rừng là vào ngày thìn đầu tiên của tháng 2 và tháng 7 âm lịch hằng năm. Lễ được tổ chức trong một ngôi miếu giữa rừng. Ngôi miếu thờ ở rừng Ma Lù Súng có từ lâu đời, được bà con thường xuyên tu sửa để làm lễ cúng thần Rừng hàng năm.
   
 Người dân trật tự ngồi chứng kiến các nghi lễ cúng
    
   
  Lễ cúng thần Rừng ở Ma Lù Súng bao gồm 1 con lợn, 3 con gà và 2 con ngan. Trước khi mổ các con vật trên, thầy cúng phải thắp hương xin phép thần Rừng rồi mới đem đi mổ. Khi mổ xong, sắp nguyên cả con bày lên mâm cúng. Người Nùng quan niệm, con số 12 tượng trưng cho 12 tháng trong năm, chính vì vậy trên mâm cúng gồm có 12 cái chén uống rượu, 12 đôi đũa và 12 cái bát. Ngoài ra, mỗi gia đình trong thôn còn mang theo 5 que hương và 1 tờ giấy bản để làm lễ. Đến nơi diễn ra lễ cúng thần rừng, mọi người phải tuân thủ theo một số lệ mà người dân ở đây đề ra như phải đi chân đất để tỏ lòng tôn kính đối với thần Rừng; không nói tục, chửi bậy, không được vệ sinh bừa bãi; phụ nữ không được đến gần miếu nơi bày lễ cúng.
   
  Chuẩn bị xong đồ cúng, thầy cúng thắp 5 nén hương mời các vị thần linh về dự lễ cúng của dân làng. Sau đó, thầy cúng sẽ đọc tên tất cả các dòng họ trong thôn để thần rừng bảo vệ cho các họ tránh khỏi những tai ương, điềm xấu trong cuộc sống. Người Nùng quan niệm, sau khi ăn no thần Rừng sẽ quay trở về nơi cũ. Vì vậy, thầy cúng phải thực hiện một nghi lễ nữa, đó là cúng một bài đưa tiễn thần Rừng về. Sau khi cúng thần rừng xong, thầy cúng và những người có uy tín trong thôn lấy 6 cái chân của 3 con gà, bóc hết da và thịt, đem ra xem để đoán biết về điều hay, điều xấu trong năm. Kết thúc buổi lễ, thầy cúng cùng mọi người quây quần bên nhau để hưởng lộc trước ngôi miếu thờ. Để tỏ lòng kính trọng với thần Rừng, ngày hôm sau người dân trong thôn phải kiêng kỵ không ai được chặt cây, nếu vi phạm phải mang lễ vật đem ra miếu cúng tạ lỗi…
   
Thầy cúng làm các nghi lễ cúng thần Rừng
    
   
  Theo ông Lù Thanh San, Bí Thư Đảng ủy xã Bản Nhùng, toàn xã hiện có 451,3ha rừng phòng hộ, 364,4 ha rừng sản xuất. Xã có 8 thôn, bản đều duy trì lễ cúng thần rừng. Từ nét truyền thống này mà rừng ở đây được bảo vệ khá tốt, nhiều cây gỗ to, quý hiếm vẫn còn nguyên như pơ mu, ngọc am, lát… Việc quản lý, khai thác và bảo vệ rừng được người dân các thôn đưa vào quy ước, hương ước. Nếu nhà nào làm trái, tự ý chặt cây bừa bãi từ rừng về thì theo hương ước của thôn, nhà đó phải trồng một cây mới, chăm sóc đến khi cây đó lớn lên. Ngoài ra, phải mổ lợn, mổ gà đến miếu cúng nhận lỗi với thần Rừng. Chính vì có những việc làm thiết thực, gắn với trách nhiệm của người dân nên rừng ở xã Bản Nhùng được bảo vệ rất nghiêm.
   
  Có thể nói, lễ cúng thần Rừng của người Nùng ở Hà Giang mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện thế ứng xử văn hóa của đồng bào Nùng với môi trường sống. Chính bởi vậy, tín ngưỡng này đã được duy trì qua nhiều đời, không chỉ xây dựng tinh thần đoàn kết cộng đồng mà nó còn giáo dục ý thức bảo vệ thiên nhiên, nơi ban tặng những sản vật và che trở cho con người của miền biên viễn Địa đầu...  
           
                                                                     Bài & ảnh: Huy Toán
                                                           
   
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ cúng thần Rừng ở Hà Giang, một nét đẹp văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO