Lập Thạch – Vĩnh Phúc: Ngang nhiên khai thác khoáng sản trái phép

Bài & ảnh: Nhật Lam| 07/12/2019 13:41

(TN&MT) - Các cơ quan chức năng đã nhiều lần xuống kiểm tra về tình trạng khai thác đất không đúng theo giấy phép của Công ty Bắc Ái tại mỏ Núi Hiệu, xã Liễn Sơn và đồi Rừng Anh, xã Liên Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, công ty này vẫn không dừng lại, bất chấp pháp luật, khai thác vượt ranh giới mỏ.

 

Hiện trường khai thác khoáng sản  trái phép  tại hộ nhà ông Nguyễn Tiến Dũng

Dư luận đặt câu hỏi: Có hay không việc lợi dụng điểm mỏ của mình được cấp để mua thêm đất của các hộ dân lân cận nhằm hợp pháp nguồn đất cao lanh trái phép?. Ai đang bao che cho việc lợi dụng danh nghĩa việc “đóng cửa mỏ khoáng sản, cải tạo phục hồi môi trường” để rồi hàng ngày vẫn lách luật để khai thác khoáng sản?. Đã đến lúc cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng.  

Qua tìm hiểu, phóng viên được biết: Thời gian qua, nhân dân thôn Đồng Quyền, xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc rất bức xúc, bất bình về việc hàng ngày vài chục xe tải hạng nặng “4 chân” rầm rập nối đuôi nhau vào khu đất nhà của một người dân địa phương là ông Nguyễn Tiến Dũng để khai thác cao lanh. Đoàn xe “ba chân, 4 chân” này  đang ngày ngày cày nát tuyến đường làng, đường liên thôn, liên xã. Tuyến đường liên xã chỉ cho phép chạy xe 5 tấn, trong khi đó toàn xe “hổ vồ 4 chân” nối đuôi nhau chạy rầm rập mà không thấy cơ quan chức năng nào đến kiểm tra.

Cả một quả đồi bị khai thác nham nhở, sâu hoắm.

Trao đổi với phóng viên, nhiều người dân (xin được giấu tên) ở thôn Đồng Quyền, xã Xuân Hòa cho biết: Những quả đồi ở khu vực này toàn là đất cao lanh có giá trị. Ở đây thường diễn ra tình trạng khai thác đất cao lanh trái phép. Giờ các doanh nghiệp có rất nhiều các chiêu trò “lách luật” để khai thác cao lanh trái phép.

Ông P.V.B, một người dân bức xúc phản ánh: “Để “lách luật” các công ty này xin cấp phép phục vụ đất san lấp cho một số dự án trên địa bàn, nhưng mục đích là khai thác cao lanh để bán cho các nhà máy gạch... Sau khi mỏ được cấp phép thì họ khai thác vượt ra ngoài diện tích cho phép. Khi giấy phép không còn hiệu lực (hết giấy phép) thì họ lại xin “ giấy phép hoàn nguyên phục hồi môi trường” mà thực tế có thấy họ hoàn nguyên đâu mà chỉ toàn là khai thác cao lanh”.

Cũng theo nhiều người dân cho biết: Mỏ đất của Công ty Bắc Ái là ở Núi Hiệu nhưng thỉnh thoảng họ mới lấy đất ở đấy vì diện tích mỏ ở đó không còn đất để khai thác. Các xe tập kết ở mỏ Núi Hiệu chờ chở đất đi bán là khai thác từ đồi nhà một số hộ dân ở  thôn Đồng Quyền, xã Xuân Hòa, bán đất cho  mỏ Núi Hiệu.  

Trao đổi với phóng viên, ông Lăng Việt Hùng, Trưởng Công an  xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch cho biết: “Khu vực mà các đoàn xe tải lấy đất là đồi  của 3 hộ gia đình trong thôn. Nhà tôi cũng ở thôn Đồng Quyền nên nắm rất rõ, thẩm quyền của xã cũng có hạn nên cũng chỉ biết nhắc nhở họ thôi”.

Trao đổi phóng viên, ông Hoàng Kim Hùng, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa chỉ nói ngắn gọn: “Họ lợi dụng việc giáp ranh giữa các xã để  khai thác và đất chở đi ở phía trong điểm mỏ Núi Hiệu thuộc xã Tử Du nên địa phương không nắm được. Xã sẽ cho người xuống kiểm tra”.

Các xe chở đất tập kết về mỏ Núi Hiệu

Qua điều tra phóng viên được biết: Đây là mỏ đất của Công ty Bắc Ái, đơn vị thi công là Công ty TNHH Đại Vượng. Trong một thời gian ngắn có rất nhiều văn bản của xã Liễn Sơn và huyện Lập Thạch  đình chỉ việc khai thác đất tại Núi Hiệu của Công ty TNHH Đại Vượng, vì khai thác ngoài ranh giới mỏ.

Ngày 11/11/2019, UBND Liễn Sơn có văn bản cho biết kiểm tra tại mỏ đất Núi Hiệu, xã đã phát hiện Công ty TNHH Đại Vượng đang có dấu hiệu khai thác (múc sâu hơn so với quy định tại vị trí b4,5,6 với diện tích khoảng 200 m2 độ sâu trung bình khoảng 1-2(M) so với mặt đường bê tông. UBND xã đề nghị Công ty TNHH Đại Vượng không được phép khai thác vận chuyển đất ra ngoài chỉ giới cho phép.... Nếu công ty TNHH Đại Vượng cố tình vi phạm UBND xã sẽ đình chỉ việc vận chuyển để đóng cửa mỏ....

Tiếp đến ngày 18/11/2019, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lập Thạch kết hợp với UBND xã Liên Sơn cũng đã kiểm tra. Theo báo cáo của  Công ty TNHH Đại Vượng cho biết: Ngày 14/4/2019 Công ty TNHH Đại Vương ký hợp đồng kinh tế đối với Công ty Bắc Ái về việc: Công ty Bắc Ái bàn giao cho Công ty Đại Vượng vận chuyển đất dư thừa trong quá trình san gạt đóng cửa mỏ... Toàn bộ máy móc, phương tiện là của Công ty Đại Vượng hiện công ty đang khai thác và vận chuyển đất, trong quá trình khai thác công ty đã khai thác vượt độ sâu so với mặt bằng đường bê tông của khu vực khoảng 1m, diện tích khoảng 300m2...

Ngày 29/11/2019, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lập Thạch kết hợp với UBND xã Xuân Hòa lập biên bản kiểm tra việc khai thác đất tại khu vực vườn đồi nhà ông Nguyễn Tiến Dũng sinh sống. Đoàn làm việc đã xác minh được khu vực máy móc đang làm việc thuộc hộ ông Nguyễn Tiến Dũng sinh năm 1974, hộ khẩu thường trú tại thôn Đồng Quyền, xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch mua diện tích vườn.

Tuy nhiên khi đoàn làm việc đến hiện trường thấy 02 máy xúc đang dừng tại vườn hộ ông Dũng ... đối với hiện trạng đất tại vườn hộ ông Dũng đã tổ chức san gạt, địa hình còn mấp mô chỗ sâu nhất khoảng 2m, diện tích rộng khoảng 100m3. Đoàn làm việc yêu cầu hộ ông Dũng dừng ngay mọi hoạt động khai thác đất trái phép....

Dư luận đặt câu hỏi: Các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ở đây diễn ra như thế nào thì các cấp chính quyền địa phương đều đã nắm rất rõ. Một khối lượng khoáng sản lớn, có giá trị đã bị khai thác trái phép rầm rồ như vậy, mà các ngành chức năng mới chỉ dừng lại ở mức kiểm tra và yêu cầu dừng hoạt động. Như vậy, không đủ sức răn đe, nên chỉ sau vài ngày doanh nghiệp tiếp tục hoạt động trở lại như thách thức dư luận. Vậy ai bao che, tiếp tay cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản trái phép, trách nhiệm của các cơ quan chức năng đến đâu khi không xử lý dứt điểm?.

Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phản ánh những bất cập về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lập Thạch – Vĩnh Phúc: Ngang nhiên khai thác khoáng sản trái phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO