Các trung tâm hồi sức tích cực đã giúp hàng nghìn bệnh nhân hồi phục và chuyển nhẹ |
Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có văn bản hoả tốc gửi các BV trực thuộc Bộ Y tế tại Hà Nội về việc củng cố khoa hồi sức tích cực và chuẩn bị giường bệnh hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân COVID-19.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3616/QĐ-BYT về việc phê duyệt đề án "Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các BV điều trị người bệnh COVID-19 nặng".
Trong đề án này Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho các BV trực thuộc Bộ rà soát, củng cố, đầu tư khoa hồi sức tích cực hiện có, hoặc nâng cấp thành lập mới khoa hồi sức tích cực từ khoa nội, khoa cấp cứu, khoa truyền nhiễm.
Mục tiêu thành lập những trung tâm này là để nâng cao năng lực điều trị COVID-19, nhất là các trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch; giảm tối đa số ca tử vong.
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, thực hiện chỉ đạo khẩn của Bộ trưởng Bộ Y tế, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị thủ trưởng các đơn vị hết sức khẩn trương triển khai nhiệm vụ được phân công theo đề án nói trên, chuẩn bị hệ thống oxy trung tâm, khí nén, khí hút, bồn chứa oxy… và giường bệnh hồi sức tích cực.
Song song với đó, các BV bố trí, sắp xếp lại hoạt động các khoa, phòng theo phương án "BV chia đôi": Dành khoảng 60% giường để tiếp nhận bệnh nhân điều trị thường quy, 40% giường còn lại sẵn sàng cấp cứu, hồi sức tích cực và điều trị người bệnh COVID-19 (theo đặc thù, phạm vi hoạt động chuyên môn và cơ sở hạ tầng của từng BV).
Cũng tại văn bản hoả tốc này, Bộ Y tế giao BV Bạch Mai và BV Việt Đức khẩn trương triển khai kế hoạch thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực quốc gia đặt tại cơ sở 2 của BV ở Hà Nam.
Để chuẩn bị cơ sở điều trị hồi sức cho bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch khu vực phía Bắc, ngoài yêu cầu BV Bệnh nhiệt đới Trung ương tăng số giường hồi sức, Bộ Y tế đã giao BV Đại học Y Hà Nội thiết lập và đưa vào vận hành BV điều trị người bệnh COVID-19 quy mô 500 giường ở quận Hoàng Mai (Hà Nội).
Trong một tháng qua, các BV tuyến Trung ương, cùng lực lượng tinh nhuệ và trang thiết bị hiện đại, đồng bộ đã đưa vào hoạt động 6 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 có quy mô lớn tại TPHCM, và các trung tâm hồi sức tích cực khác tại các điểm nóng Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ.
Các trung tâm này đều đã có những tín hiệu tích cực khi hàng nghìn bệnh nhân đã hồi phục và chuyển nhẹ. Hiện nay, các đơn vị này tiếp tục chuẩn bị phương án mở rộng công suất giường trong trường hợp cần thiết, đồng thời giúp đỡ các BV ở tầng dưới đào tạo và thực hành điều trị để hạn chế số ca trở nặng, giảm áp lực cho tuyến trên./.