Lào Cai: Rừng được chăm sóc bảo vệ người dân có thêm thu nhập

Bích Hợp| 15/04/2022 14:24

Những cánh rừng trải dài xanh mướt, môi trường sinh thái cải thiện, cuộc sống của người dân vùng cao càng ngày càng khấm khá hơn. Đó chính là hiệu quả mang lại của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Theo báo cáo tính đến thời điểm hiện tại huyện Bát Xát ( Lào Cai) đã có hơn 11.187 ha rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng, đơn giá chi trả bình quân trên 1 ha rừng đạt cao, cao hơn cả mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho công tác bảo vệ rừng (bình quân 390.000 đồng/ha). Nhờ triển khai tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, thu nhập thực tế bình quân của các hộ, cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng đã có cải thiện, thu nhập từ dịch vụ môi trường rừng đạt 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng/hộ/năm. Nguồn dịch vụ môi trường rừng đã góp phần nâng cao đời sống người làm nghề rừng, giảm tỷ lệ hộ nghèo cải thiện đời sống sinh hoạt cho các hộ dân

Nhờ có tiền dịch vụ môi trường rừng, gia đình Vừ A Chư, xã Sàng Ma Sáo( Bát Xát, Lào Cai) có thêm nguồn thu mới. Anh Chư chia sẻ: Năm nay, do dịch Covid-19 phức tạp, bà con không đi làm thuê được nên không có tiền, nay được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng, bà con vui lắm. Từ số tiền này, gia đình tôi có tiền để sinh hoạt, mua thêm cây, con giống để phát triển kinh tế.

rung-2.jpg
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp người dân vùng cao tại Lào Cai có tiền để sinh hoạt, mua thêm cây, con giống  phát triển kinh tế

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được thực hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai từ năm 2011 và Lào Cai được chọn là 1 trong 6 tỉnh thí điểm mở rộng đối tượng thu phí dịch vụ môi trường rừng đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp, cá nước lạnh và du lịch. Nguồn dịch vụ môi trường rừng có ý nghĩa đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng, tạo sự chuyển biến về nhận thức, tăng cường sự phối hợp giữa chủ rừng, chính quyền địa phương và người dân trong công tác bảo vệ rừng, từng bước ổn định, đảm bảo diện tích, duy trì tỷ lệ che phủ, nâng cao chất lượng rừng và góp phần cải thiện môi trường sinh thái.

Từ năm 2012 đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lào Cai thu tiền dịch vụ môi trường rừng khoảng 72,2 tỷ đồng/năm. Trung bình mỗi năm, hơn 1.800 chủ rừng là người dân ở các địa phương được hưởng khoảng 110 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng, đó là nguồn lợi lớn, tạo thêm sinh kế và thu nhập cho người bảo vệ rừng, góp phần tăng độ che phủ đạt 58% và chất lượng rừng ngày càng cao hơn. Ngoài ra, để công khai, minh bạch và giảm thủ tục hành chính, việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đến các chủ rừng được áp dụng hình thức thông qua bưu điện với chủ rừng là cá nhân, hộ gia đình và qua tài khoản ngân hàng đối với các chủ rừng là tổ chức.

rung-1.jpg
Rừng được phủ xanh, người dân chung tay bảo vệ, chăm sóc rừng  nhờ Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Hiện nay, Lào Cai đã áp dụng hệ số K, xác định diện tích rừng chi trả dịch vụ môi trường rừng hằng năm; xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng, hướng dẫn UBND cấp xã kiểm tra, xác định diện tích rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Xây dựng quy chế phối hợp, làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Từ những kết quả và kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thời gian vừa qua, trong giai đoạn 2021 - 2025, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh Lào Cai, các sở, ngành và địa phương, đơn vị liên quan đặt mục tiêu số thu từ dịch vụ môi trường rừng đạt 700 tỷ đồng, mức thu trung bình đạt 140 tỷ đồng/năm; thu và chi dự kiến 1.500 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng. Từ nguồn dịch vụ môi trường rừng, tiếp tục hỗ trợ công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập, làm giàu từ rừng cho cộng đồng dân cư và người dân sống gần rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lào Cai: Rừng được chăm sóc bảo vệ người dân có thêm thu nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO