Lấy dân làm gốc
Thực hiện lời Bác dặn “Các dân tộc to cũng như nhỏ đều làm chủ đất nước, đều đoàn kết giúp đỡ nhau như anh em ruột thịt”; “phải làm cho đồng bào no cơm, ấm áo… phải tăng gia sản xuất”; “Muốn giữ gìn trật tự, an ninh tốt, phải dựa vào nhân dân”; “Cán bộ phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phải đi đúng đường lối quần chúng của Đảng”; đồng bào và cán bộ Lào Cai “cố gắng thi đua làm cho nhân dân trong tỉnh ngày càng sung sướng”,… Những lời dặn ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh hàm chứa yêu cầu nhân dân và chính quyền tỉnh Lào Cai phải chung sức chung lòng xây dựng quê hương mình.
Năm 1991, tỉnh Lào Cai được tách ra từ tỉnh Hoàng Liên Sơn, phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Khi đó, mặt bằng dân trí của tỉnh thấp (60% số trẻ trong độ tuổi không được đến trường, có 14 xã “trắng” về giáo dục); 7/10 huyện chưa có điện lưới quốc gia; 138/180 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, 150/180 xã chưa có đường giao thông đến trung tâm; 55% số hộ dân thuộc diện đói, nghèo; 36 xã chưa có trạm y tế; tình hình an ninh biên giới còn nhiều phức tạp, khó lường... Lào Cai là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, thu ngân sách chỉ đạt 36 tỷ đồng.
Năm 1991, tỉnh Lào Cai được tách ra từ tỉnh Hoàng Liên Sơn chính thức tái lập và là 1 trong những tỉnh nghèo của Tây Bắc |
Với tinh thần đoàn kết, đồng lòng và nỗ lực vươn lên của chính quyền và nhân dân các dân tộc, Lào Cai hôm nay đã có bước chuyển mình nhanh chóng. Từ một tỉnh nghèo nhất cả nước, sau 30 năm tái lập, về kinh tế, Lào Cai đang vươn lên trở thành tỉnh đứng đầu khu vực Tây Bắc và đứng thứ ba trong 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.
Trong đó, thu ngân sách năm 2020 đạt 9.089 tỷ đồng (gấp 252 lần so với năm 1991), thu nhập bình quân đầu người đạt 76,3 triệu đồng (đứng thứ 2 trong các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và gấp 105 lần so với năm 1991); tỷ lệ nghèo giảm nhanh, từ 54,8% (năm 1991) xuống còn 8,46% (năm 2020, theo tiêu chí mới); năm 2019, khách du lịch đến tỉnh Lào Cai đạt 5,1 triệu lượt người; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, diện mạo nông thôn khởi sắc.
Lào Cai hôm nay khát vọng vươn mình trở thành viên ngọc sáng của Tây Bắc |
Đặc biệt, tỉnh Lào Cai luôn quan tâm đến các hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách bằng những chương trình thiết thực như: “Tết cho người nghèo “Tết nhân ái” hay phối hợp với Quân khu 2 tổ chức Chương trình “Xuân biên cương vui tết quân dân”, “Ngày hội bánh chưng xanh”...Các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch thăm hỏi, tặng quà trong các dịp Tết Nguyên đán và ngày lễ 27/7… thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của tỉnh về việc không để người dân nào không có Tết, không để dân nghèo nào bị bỏ lại phía sau.
Hướng đến phát triển bền vững
Từ năm 1991 đến năm 2010 là chặng đường Lào Cai tái lập, ổn định và kiến thiết quê hương. Giai đoạn này, tỉnh Lào Cai phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, từng bước định hình hướng đi, xác định nhiệm vụ trọng tâm, phát huy lợi thế để tạo đà phát triển bằng nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng, nhằm tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Giai đoạn 2011 - 2020 là chặng đường Lào Cai đẩy mạnh phát huy lợi thế, tạo đà để phát triển nhanh và bền vững, trở thành tỉnh phát triển của khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Trong 10 năm này, tỉnh Lào Cai tập trung khai thác mọi tiềm năng, lợi thế sẵn có để tăng tốc, bứt phá trên nhiều lĩnh vực. Thành tựu đạt được của tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011 - 2020 rất đáng tự hào, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn đạt mức cao, quy mô GRDP ngày càng lớn (năm 2010 gấp 2,97 lần so với năm 2000, năm 2020 gấp 4,2 lần so với năm 2010). Kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ. Tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Lào Cai được hoàn thành và thông xe đã mở ra cơ hội và triển vọng lớn, cùng với hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Sau 30 năm tái lập tỉnh, nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ của Lào Cai đã phát triển sánh ngang với các tỉnh miền xuôi |
Các khu kinh tế trọng điểm được đầu tư và nâng cấp để đáp ứng năng lực vận tải và hoạt động xuất, nhập khẩu. Khu kinh tế cửa khẩu được mở rộng và quy hoạch đồng bộ, ngày càng hiện đại. Khu du lịch Sa Pa thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia, vươn lên đẳng cấp quốc tế. Các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu đô thị mới ngày càng hoàn thiện và khang trang.
Đặc biệt tỉnh Lào Cai phấn đấu phát triển kinh tế xanh không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Tỉnh Lào Cai “Sẽ chọn lọc các nhà đầu tư nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường”.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định phương hướng phát triển của tỉnh Lào Cai trong nhiệm kỳ tới theo hướng Xanh, Hài hòa, Bản sắc. Để nâng cao tiêu chí về môi trường sống, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, tỉnh Lào Cai sẽ chọn lọc các nhà đầu tư sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường nhất là trong các dự án khai thác và chế biến khoáng sản nhằm phát triển bền vững.
Lào Cai đặt mục tiêu phát triển kinh tế xanh, nâng cao tiêu chí về môi trường sống, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường |
Năm 2021 đánh dấu chặng đường 30 năm tái lập tỉnh Lào Cai, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, khắc ghi lời Bác dạy, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai càng thấy rõ trách nhiệm với tương lai trong sự phát triển của mình, bước vào nhiệm kỳ mới với khí thế mới, với tinh thần năng động, đổi mới sáng tạo, tỉnh Lào Cai quyết tâm hoàn thành với 24 mục tiêu, 7 nhiệm vụ trọng tâm, 9 nhóm giải pháp, 2 khâu đột phá, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức; quyết tâm trở thành điểm sáng ở vùng Tây Bắc của Tổ quốc, sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của cả nước./.