Xã hội

Lào Cai: Hiệu quả trong công tác xoá đói giảm nghèo tại Văn Bàn

Bích Hợp 21/06/2024 - 23:24

Với nhiều các làm hay sáng tạo, tạo nhiều kế sinh nhai giúp người dân giảm nghèo bền vững, Văn Bàn( Lào Cai) đang từng bước đưa các xã thuộc diện khó khăn của mình về đích nông thôn mới. Đồng thời, đưa tỷ lệ hộ nghèo mỗi ngày một giảm. Hiện huyện Văn Bàn đã thực hiện những cách giảm nghèo ra sao? Và gặp phải những khó khăn thách thức gì trong công tác giảm nghèo? Đó là những vấn đề đặt ra trong cuộc trao đổi giữa Báo Tài nguyên và Môi trường với ông Lương Thanh Hương, Phó Chủ tịch huyện Văn Bàn.

PV: Xin ông cho biết thời gian qua huyện Văn Bàn đã làm gì để phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững?

Ôn Lương Thanh Hương: Trong những năm qua dưới sự chủ động của UBND huyện, sự cố gắng nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các địa phương và sự đồng thuận của người dân trong công tác giảm nghèo cũng như triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo huyện Văn Bàn đã đã được những kết quả khả quan như: Năm 2022, tỷ lệ giảm nghèo của Văn Bàn đạt 6,12%, Số hộ nghèo chỉ còn 3.154 hộ, chiếm tỷ lệ 15,36%. Số hộ cận nghèo còn lại là 2.595 hộ, tỷ lệ 12,63%.

Năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo đạt 4,34%, Số hộ nghèo giảm là 893 hộ nghèo; Số hộ nghèo còn lại là 2.261 hộ, Số hộ cận nghèo còn lại là 1.361 hộ.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ giảm nghèo dự ước đạt 2,23%, đạt 54,39% so với Kế hoạch tỉnh Lào Cai giao đầu năm (4,1%), cụ thể như sau: Tổng số hộ dân trên địa bàn là 20.538 hộ trong đó số hộ nghèo số hộ nghèo là 1.071 hộ, tỷ lệ nghèo còn lại là 8,78%; Số hộ cận nghèo còn lại: 1.261 hộ, tỷ lệ hộ cận nghèo còn lại là 6,1%.

anh-huong.jpg
Ông Lương Thanh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn, Lào Cai.

Có được thành quả như này Văn Bàn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: chú trọng công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền trong nhân dân để nhân dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo, từ đó chủ động vươn lên thoát nghèo.

Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt các chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội, đảm bảo 100% các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng yếu thế, khuyết tật.

Thực hiện đúng mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.

vb4.jpg
Nhờ phát huy những mô hình tạo sinh kế bền vững dựa vào đất, công tác giảm nghèo của huyện Văn Bàn( Lào Cai) đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Tập trung và thu hút mọi nguồn lực đầu tư vào hỗ trợ người dân phát triển kinh tế gia đình, các mô hình phát triển kinh tế doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo việc làm cho lao động. Đồng thời, khích lệ tinh thần, lan tỏa phương thức, cách làm, phát triển kinh tế các thể, cải thiện thu nhập vươn lên thoát nghèo của người dân trên địa bàn.

PV: Xin ông cho biết rõ hơn về những cách làm để giảm nghèo tại Văn Bàn?

Ông Lương Thanh Hương: Để giảm nghèo bền vững, Văn Bàn đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình phát triển mô hình kinh tế bằng việc dựa vào cấu tạo và địa hình của đất phù hợp phát triển mô hình trồng cây hoa màu, trồng rau, trồng cây ăn quả, trồng mía, … thay cho trồng cây lương thực nhằm đem lại thu nhập cao và ổn định cuộc sống của các hộ dân ở xã trên địa bàn …

Điển hình như mô hình "Cây hành lá" của gia đình chị Sự thôn Nà Lộc xã Hòa Mạc( Văn Bàn) với 0,8ha hàng năm thu nhập trên 60 triệu đồng, mô hình trồng ổi trồng na của gia đình chị Sao thôn An xã Làng Giàng với hơn 2000m2 hàng năm đem lại thu nhập trên 300 triệu, mô hình trồng cam lòng vàng của ông Nguyễn Trường Tam, mô hình trồng cam vinh của ông Lưu Công Trường xã Khánh Yên Trung.

vb8.jpg
Mô hình trồng chanh leo của huyện Văn Bàn không những giảm nghèo mà còn giúp người dân vươn lên làm giàu.

Đặc biệt có mô hình HTX Thế Tuấn tại Chiềng Ken( Văn Bàn) thực hiện trồng, thu hoạch và sản xuất phát triển các sản phẩm từ cây Tía Tô, cây Đài Bi, Bàng tang, Chanh leo, tạo việc làm cho lao động địa phương, thường sử dụng 8 lao động trực tiếp với mức lương 5 triệu/người/tháng, 20 lao động thời vụ với mức lương từ 2-3triệu/người/tháng tùy từng thời điểm, doanh thu hàng năm của HTX khoảng 1,3 tỷ.

Với cấu tạo và thành phần đất phù hợp với việc trồng và phát triển cây Quế cùng với các sản phẩm từ Quế trên địa bàn huyện các dự án mô hình trồng quế được lan toả và phát triển rộng trên địa bàn đặc biệt ở xã Tân An, xã Nậm Tha, xã Nậm Dạng, … người dân có thu nhập sau 7 năm thực hiện.

Hay Mô hình chăn nuôi Bò tại xã Sơn Thủy; Mô hình chăn nuôi lợn tại xã Tân An, nuôi lợn giống tại xã Khánh Yên Thượng; Mô hình nuôi ếch giống Thái Lan ở Liêm Phú, điển hình như gia đình chị Hà thôn Đồng Qua hàng năm bán ra thị trường hơn 20 vạn ếch giống, 3 tấn ếch thịt với tổng doanh thu là 450 triệu đồng, trừ các chi phí lãi hơn 200 triệu đồng.

vb-2.jpg
Chăn nuôi kết hợp với trồng trọt là hướng đi mà huyện Văn Bàn đang áp dụng để giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Ngoài việc phát triển các mô hình nông lâm nghiệp, Văn Bàn còn quan tâm đến việc phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch ẩm thực… Để tạo sinh kế giúp giảm nghèo bền vững.

PV: Trong công tác giảm nghèo huyện Văn Bàn đã gặp phải những khó khăn thách thức gì, thưa ông?

Ông Lương Thanh Hương: Mặc dù công tác giảm nghèo của huyện Văn Bàn những năm gần đây đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, khi triển khai công tác giảm nghèo chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn như: Kết quả đạt được chưa thực sự bền vững, các hộ nghèo trên địa bàn huyện chủ yếu là thuần nông ở nông thôn, người dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao đặc biệt khó khăn. Các mô hình dự án phát triển nông, lâm nghiệp thuộc các Chương trình MTQG trong quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn do đối tượng thụ hưởng không đáp ứng được yêu cầu theo quy định . Tình trạng hộ nghèo thiếu đất canh tác nông nghiệp khá phổ biến.

vb5.jpg
Ngoài phát triển nông nghiệp Văn Bàn cũng chú trọng phát triển lâm nghiệp trong giảm nghèo.

Sự chênh lệch về thu nhập giữa các hộ, nhóm hộ, các vùng, các dân tộc vẫn còn cao. Người nghèo còn lúng túng, thiếu chủ động, chưa tích cực, khả năng nhận thức vận dụng chậm trong học hỏi, lựa chọn phương thức thoát nghèo.

Tình trạng lao động trong các hộ nghèo chưa qua đào tạo, trình độ học vấn thấp, thiếu chuyên môn kỹ thuật và kiến thức làm ăn vẫn còn phổ biến. Đa số người nghèo có tính cần cù chịu khó song thiếu tính sáng tạo, chỉ muốn tham gia lao động tự do không muốn bị gò bó về thời gian, thiếu kiên trì, đa số người lao động được kết nối giới thiệu việc làm chỉ tham gia lao động tại các công ty một thời gian ngắn rồi bỏ về lao động tự do ở địa phương nên thu nhập không ổn định, khả năng thoát nghèo chưa bền vững.

vb-3.jpg
Phát triển nông, lâm nghiệp đang là một trong những lợi thế để Văn Bàn bứt phá về đích nông thôn mới trong thời gian tới.

Trong thời gian tới, để công tác giảm nghèo phát huy tôi đa hiệu quả chúng tôi tiếp tục phát huy mạnh mẽ tính dân chủ trong xoá đói giảm nghèo, lấy ý kiến người dân làm gốc để thực hiện hiệu quả các chính sách, dự án giảm nghèo. Tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác xoá đói giảm nghèo để mọi người, mọi nhà tự giác nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Tiếp tục đồng bộ có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo trên địa bàn theo tiêu chí nghèo đa chiều. Tập trung huy động các nguồn lực, đặc biệt coi trọng nguồn nhân lực, tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển các mô hình phát triển kinh tế nhằm giúp người dân giảm nghèo bền vững.

PV: Xin trân trọng cám ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lào Cai: Hiệu quả trong công tác xoá đói giảm nghèo tại Văn Bàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO