Lào Cai: Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tâm huyết, xác đáng và bám sát thực tế địa phương

Bích Hợp| 10/03/2023 10:28

(TN&MT) - Sau gần một tháng lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đã có rất nhiều ý kiến tại Lào Cai tham gia đóng góp khá toàn diện, tâm huyết, xác đáng, bám sát với thực tế của địa phương để hoàn chỉnh Dự thảo Luật đất đai( sửa đổi).

Theo báo cáo, tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Lào Cai đã tổ chức 17 hội nghị lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó đã tổng hợp được 970 ý kiến tham gia, có 190/212 thôn bản, tổ dân phố đã tổ chức họp lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Nhiều ý kiến, tâm huyết, xác đáng, bám sát thực tế của địa phương như: Nâng cao quyền tiếp cận đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; Thêm quy định để xác định giá đất công khai, minh bạch; Quy định cụ thể đối với việc xử lý diện tích đất có nguồn gốc nông - lâm trường; Làm rõ đối với các trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp khi hết thời hạn sử dụng đất; Cần ban hành bảng giá đất định kỳ 5 năm 1 lần; Cần xem xét quy định về chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp...

img_0941.jpg
Luật Đất đai (sửa đổi) cần ưu tiên miễn, giảm tiền đăng ký quyền sử dụng đất ở lần đầu đối với hộ gia đình, cá nhân là người dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao chưa có đất ở.

Theo ông Lương văn tình, Trường Chính trị tỉnh Lào Cai, tại Điểm a, Khoản 2, Điều 17 quy định: “Giao đất lần đầu không thu tiền sử dụng đất trong hạn mức đối với đồng bào dân tộc thiểu số chưa được giao đất để sản xuất, kinh doanh”, đề nghị bổ sung vào điều, khoản này chính sách ưu tiên miễn, giảm tiền đăng ký quyền sử dụng đất ở lần đầu đối với hộ gia đình, cá nhân là người dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao chưa có đất ở.

Tại Khoản 2, Điều 89 xác định nguyên tắc bồi thường: “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”. Trong thực tế, thời gian qua, nhiều người bị thu hồi đất nhưng chậm được bố trí tái định cư hoặc chỗ ở, thu nhập và điều kiện sống gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với những người bị thu hồi đất là người dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng cao chỉ biết gắn với sản xuất nông nghiệp, rất khó khăn trong việc chuyển đổi ngành, nghề lao động. Vì vậy, sau này Chính phủ quy định chi tiết nội dung này cần đặc biệt quan tâm đến người bị thu hồi đất là người dân tộc thiểu số gắn với sản xuất nông nghiệp, chỗ ở mới phải có quỹ đất cho người dân sản xuất, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Tại Điều 133, về việc đăng ký lần đầu đối với đất đai, đề nghị bổ sung: Đối tượng được ưu tiên miễn, giảm tiền thuế đăng ký quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân đăng ký quyền sử dụng đất ở lần đầu cần có chính sách giảm thuế nhằm tạo điều kiện cho đại đa số người dân có khả năng đăng ký quyền sử dụng đất ở theo quy định pháp luật, đồng thời có cơ chế tăng thuế cao đối với hộ gia đình, cá nhân đăng ký quyền sử dụng đất ở các lần sau nhằm tránh tình trạng đầu cơ đất ở, gây rối loạn thị trường bất động sản, gây lãng phí đất đai.

Còn theo ông Cồ Huy Khương, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất thị xã Sa Pa, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có rất nhiều điểm mới, tiến bộ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, cần có quy định chặt chẽ hơn để đảm bảo việc xác định giá đất được công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích.

ong-co-huy-khuong-giam-doc-trung-tam-phat-trien-quy-dat-thi-xa-sa-pa-1.jpg
Ông Cồ Huy Khương, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất thị xã Sa Pa: Luật Đất đai ( sửa đổi) cần có quy định chặt chẽ hơn để đảm bảo việc xác định giá đất được công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích.

Thị xã Sa Pa gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các công trình, dự án, bởi sự phát triển “nóng” về du lịch trong những năm gần đây. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do đơn giá bồi thường, hỗ trợ tái định cư thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường.

Thị xã Sa Pa có khí hậu, địa hình đặc thù, phù hợp để phát triển nông nghiệp và du lịch. Thực tế, giá giao dịch, chuyển nhượng đất trên thị trường luôn cao gấp nhiều lần so với các địa phương khác. Do có sự chênh lệch lớn về đơn giá bồi thường so với giá thị trường nên người dân không phối hợp trong đền bù, giải phóng mặt bằng. Trong nhiều vụ việc, thị xã Sa Pa phải tổ chức cưỡng chế kiểm đếm và cưỡng chế thu hồi đất, làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng.

Chỉ cần so sánh giá trị sản xuất trên đất nông nghiệp ở một số khu vực trên địa bàn thị xã với giá bồi thường, hỗ trợ sản xuất là có thể thấy rõ sự bất cập. Nhờ địa hình và thổ nhưỡng thuận lợi, việc sản xuất nông nghiệp ở một số khu vực trên địa bàn đạt giá trị rất cao. Điển hình, một số hộ trồng hoa cắt cành (hoa ly, hoa hồng…) có thể doanh thu lên đến vài tỷ đồng/ha/năm, trong khi đó giá bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp trung bình chỉ khoảng 2 tỷ đồng/ha, cùng với việc người dân mất tư liệu sản xuất nên họ không đồng thuận.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) rất tiến bộ khi bỏ quy định khung giá đất, thay vào đó quy định cụ thể về nguyên tắc định giá đất phù hợp với giá trị thị trường. Việc định giá đất sát với giá thị trường sẽ đảm bảo lợi ích hài hòa giữa 3 bên (người dân, Nhà nước và nhà đầu tư).

Góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), theo tôi, tại Khoản 2, Điều 153 quy định: Giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường… được xác định bằng bình quân của các mức giá giao dịch thực tế của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng trên thị trường xuất hiện với tần suất nhiều nhất thông qua thống kê tại một khu vực và trong một khoảng thời gian nhất định… Cần chỉ rõ cụm từ “trong một khoảng thời gian nhất định” là bao lâu (có thể xác định rõ mốc thời gian như 1 tuần, 1 tháng, 1 quý…).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lào Cai: Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tâm huyết, xác đáng và bám sát thực tế địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO