(TN&MT) - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lào Cai, tính đến ngày 30/9/2020, toàn tỉnh có 3.172 người nhiễm HIV, trong đó 1.628 người nhiễm còn sống, Trên địa bàn tỉnh, 100% huyện, thị xã, thành phố và 82,2% xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV.
Theo báo cáo người nhiễm HIV đầu tiên của tỉnh Lào Cai được phát hiện vào tháng 12/1996, tính đến ngày 30/9/2020, toàn tỉnh có 3.172 người nhiễm HIV, trong đó 1.628 người nhiễm còn sống, 1.049 bệnh nhân AIDS còn sống và 1.544 người nhiễm HIV đã tử vong. Trên địa bàn tỉnh, 100% huyện, thị xã, thành phố và 82,2% xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV. Số ca nhiễm HIV mới phát hiện có xu hướng chững lại trong những năm gần đây. Số trường hợp bệnh nhân chuyển AIDS và tử vong giảm. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường máu, chiếm 63,14%; tuy nhiên cảnh báo nguy cơ lây truyền qua đường tình dục đang có xu hướng gia tăng.
Để công tác phòng chống lây lan đại dịch AIDS hiệu quả Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai nỗ lực triển khai các hoạt động để đạt mục tiêu 90-90-90. Tức là, 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV, 90% người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp. Để đạt được các mục tiêu này, trong thời gian tới, công tác phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh Lào Cai cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm. Đó là kiện toàn mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống HIV/AIDS; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động dự phòng, can thiệp giảm hại, bao gồm thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi, các hoạt động chống kỳ thị, phân biệt đối xử tại cộng đồng, gia đình và cơ sở y tế; duy trì và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone; tiếp tục cung cấp phát bơm, kim tiêm, bao cao su cho các đối tượng nguy cơ cao.
Lào Cai phát động tháng hành động chung tay đẩy lùi đại dịch AIDS sâu rộng tới lớp trẻ trên địa bàn |
Các dịch vụ về HIV/AIDS từ can thiệp dự phòng đến chăm sóc và điều trị HIV đã và đang được triển khai toàn diện và hiệu quả. Các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi được thực hiện với sự phối hợp đa ngành bằng nhiều hình thức, như thông tin đại chúng, truyền thông trực tiếp qua lễ phát động, mít tinh hoặc thông qua các buổi nói chuyện trực tiếp, nhóm tuyên truyền viên đồng đẳng tham gia hoạt động can thiệp giảm tác hại...
Thời gian qua, các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV được mở rộng về địa bàn và nâng cao về chất lượng. Các biện pháp can thiệp giảm hại như cung cấp bơm, kim tiêm sạch cho người nghiện chích ma túy, cấp phát bao cao su cho phụ nữ mại dâm từ chỗ bị cấm đến nay đã được triển khai rộng rãi; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone đang được điều trị cho hơn 14.000 người.
Các mô hình xét nghiệm HIV tại cộng đồng, tìm người nhiễm HIV dựa vào mạng lưới của các nhóm nguy cơ cao đã được thực hiện mở rộng và có hiệu quả cao. Các phòng xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV cũng được mở đến tuyến huyện, mỗi năm có hơn 3.000 người được xét nghiệm HIV.
Chương trình chăm sóc và điều trị HIV/AIDS được duy trì tại các huyện, thị xã, thành phố. Toàn tỉnh hiện có gần 1.000 người nhiễm HIV đang được điều trị ARV, trong đó có 26 trẻ nhiễm HIV. Lào Cai cũng là một trong các tỉnh đã thực hiện chi trả điều trị HIV/AIDS thông qua hệ thống bảo hiểm y tế.
Đại diện Quỹ chăm sóc sức khỏe HIV/AIDS Hoa Kỳ tại Việt Nam (AHF) tặng quà cho những trẻ em nhiễm HIV tại huyện Bảo Thắng - Lào Cai |
ông Trần Minh Hiếu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lào Cai cho biết, để chấm dứt được đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030 theo chiến lược quốc gia, cũng như để đảm bảo mục tiêu mọi người dân đều có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV, những người nhiễm HIV có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ tư vấn xét nghiệm, chăm sóc, hỗ trợ điều trị, dự phòng phổ cập.
Thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ, từ truyền thông nâng cao nhận thức cho mọi người đến cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc hỗ trợ và điều trị; cần lồng ghép hiệu quả chương trình phòng, chống HIV/ AIDS với chương trình phòng, chống tai - tệ nạn ma tuý, mại dâm trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh ban hành kế hoạch đảm bảo tài chính cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2021 - 2030; tiếp tục tăng cường điều trị ARV thông qua quỹ bảo hiểm y tế theo lộ trình; tích cực huy động các nguồn tài trợ quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.