Trao đổi với PV Báo TN&MT, Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng Bùi Quốc Khánh cho biết, ngay sau khi nhận được kiến nghị của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đông Bắc về tình trạng san gạt đồi làm ảnh hưởng đến Trạm Khí tượng Hữu Lũng (Trạm), huyện đã yêu cầu Phòng TN&MT chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, xử lý.
"Bên cạnh đó, để răn đe, phòng ngừa về lâu dài, huyện cũng đã yêu cầu Công an huyện chủ động nắm tình hình địa bàn và sẽ vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm nếu người dân còn tự ý san gạt đồi làm ảnh hưởng đến Trạm." - ông Khánh cho biết thêm.
Theo thông tin Trưởng phòng TN&MT huyện Hữu Lũng Trịnh Tuấn Anh cung cấp, qua kiểm tra thực tế, hiện nay tại phía Tây của Trạm (tiếp giáp với Quốc lộ 1A cũ) có 2 khu đất tiếp giáp đất Trạm gồm đất của ông Nguyễn Quang Khánh và đất Nhà văn hóa khu Tân Mỹ II có san gạt đất.
Cụ thể: Khu đất của ông Nguyễn Quang Khánh có 2 mặt giáp với đất của Trạm (mặt phía bên cạnh và mặt sau). Ông Khánh đã múc đất cách bờ rào của vườn quan trắc Trạm khoảng 4m. Sau đó đã kè đá từ chân lên và đổ bê tông trên bề mặt, đồng thời làm hệ thống thu nước trên bề mặt chảy xuống hệ thống thoát nước chung của đường Chi Lăng.
Việc sử dụng đất của ông Khánh không ảnh hưởng đến hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng của Trạm. Tuy nhiên, do san ủi mặt bằng, taluy cao khoảng 20m có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng đến Trạm nếu trời mưa trong thời gian dài.
Còn khu đất Nhà văn hóa khu Tân Mỹ II, có 2 mặt giáp với đất Trạm. Mặt phía bên cạnh giáp nhà điều hành của Trạm, UBND thị trấn Hữu Lũng đã san ủi mặt bằng hết phần diện tích đất được giao quản lý, taluy cao khoảng 5m. Phía sau, mép taluy cách bậc lên vườn khí tượng khoảng 3,8m, taluy cao 7-8m.
Cũng theo ông Tuấn Anh, mặt phía sau đã san ủi, còn cách tường bao của vườn khí tượng (khu làm việc) 4,5m, mục đích để ngăn ngừa sạt lở cho công trình Trạm, taluy cao khoảng 20m.
Công trình Nhà văn hóa này được xây dựng xong vào cuối năm 2020, vẫn còn thấp hơn Nhà điều hành của Trạm, thấp hơn nhiều so với độ cao của vườn khí tượng (khu làm việc), không ảnh hưởng đến hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của Trạm. Tuy nhiên, do san ủi mặt bằng, taluy cao (chỗ thấp nhất là 5m, cao nhất 20m), có nguy cơ xảy ra sạt lở, ảnh hưởng đến Trạm nếu trời mưa trong thời gian dài.
Ông Tuấn Anh cho biết, trên cơ sở kiểm tra thực địa, các thành phần kiểm tra đã thống nhất đề nghị UBND thị trấn Hữu Lũng và Khu Tân Mỹ II khẩn trương thực hiện kè đá phần đất Nhà văn hóa khu tiếp giáp với Trạm đảm bảo quy chuẩn; Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động san gạt đất xung quanh, gây ảnh hưởng đến Trạm.
Trong thời gian chưa xây được kè chống sạt lở thì chủ đông theo dõi tình hình, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh và báo cáo UBND huyện các nội dung vượt thẩm quyền.
Yêu cầu ông Nguyễn Quang Khánh cam kết tiếp tục kè đá toàn bộ phần đất của gia đình giáp với đất của Trạm đảm bảo an toàn, đúng quy chuẩn, hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để sạt lở, gây ảnh hưởng đến Trạm khí tượng Hữu Lũng.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đông Bắc phản ánh, thời gian gần đây, địa phương và người dân san gạt đồi đặt vườn khí tượng của Trạm Khí tượng Hữu Lũng, Trạm đã nhiều lần gửi công văn lên chính quyền địa phương nhưng chưa được giải quyết.
Vì vậy, Đài đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn quan tâm, xem xét chỉ đạo các cấp chính quyền ở Hữu Lũng và người dân không tiếp tục san gạt sườn đồi đặt trạm Khí tượng Hữu Lũng; Thực hiện kè đá toàn bộ phần sườn đồi đã san gạt ở đồi đặt trạm Khí tượng Hữu Lũng từ dưới mặt đất lên đến đỉnh phần san gạt theo đúng quy chuẩn kỹ thuật chuyên môn về xây dựng, kè đá chống sạt lở sườn đồi dốc sau khi san gạt.