Lạng Sơn: Vì sao phải chuyển địa điểm xây dựng nhà máy tái chế, xử lý chất thải rắn?

Hoàng Nghĩa| 25/10/2019 21:27

(TN&MT) - Tháng 7/2019, UBND tỉnh Lạng Sơn và nhà đầu tư ký Hợp đồng triển khai Dự án máy tái chế, xử lý chất thải rắn TP. Lạng Sơn tại thôn Quảng Trung 2, xã Quảng Lạc, TP.Lạng Sơn. Tuy nhiên, đến nay Dự án này không thể triển khai và đang phải tìm địa điểm mới do vấp phải sự phản đối của người dân khu vực Dự án.

Dự án Nhà máy tái chế, xử lý chất thải rắn Tp. Lạng Sơn, được UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư là Liên danh Công ty TNHH MTV Công nghệ Tài nguyên Môi trường Gia Linh và Công ty TNHH Môi trường Bắc Kạn tại Quyết định số 549/QĐ-UBND ngày 21/3/2019.

Tổng vốn đầu tư hơn 98 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 thực hiện năm 2019 – 2020; giai đoạn 2 sẽ triển khai sau khi giai đoạn 1 đi vào hoạt động ổn định. Địa điểm thực hiện Dự án là thôn Quảng Trung 2, xã Quảng Lạc, TP. Lạng Sơn. Nhu cầu diện tích đất sử dụng khoảng 7,38 ha. Quy mô công suất nhà máy tái chế, xử lý, thiêu hủy đốt 150 - 300 tấn/ngày/đêm.

Mục tiêu của Dự án nhằm thu gom, phân loại và xử lý các loại rác thải sinh hoạt, chất thải rắn nguy hại, thu gom và vận chuyển chất thải không độc hại, thu gom và vận chuyển chất thải độc hại, xử lý các công trình, cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

Khu dân cư Quảng Trung 2, xã Quảng Lạc, TP. Lạng Sơn.

 

Tuy nhiên, theo phía nhà đầu tư, trong quá trình tham vấn lấy ý kiến cộng đồng dân cư, người dân thôn Quảng Trung 2 đã phản đối, không đồng ý với việc xây dựng nhà máy tại địa điểm thôn Quảng Trung 2.

Lý do người dân đưa ra là gần khu dân cư và gần trường học. Mọi ý kiến của chính quyền địa phương và nhà đầu tư đều không được người dân lắng nghe và đồng thuận. Sau các buổi tham vấn ý kiến cộng đồng, nhà đầu tư đã tiến hành nhiều cuộc làm việc với các hộ dân để tuyên truyền, thuyết minh các giải pháp công nghệ đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường hiện hành. Thế nhưng, các hộ dân vẫn không nhất trí cho thực hiện Dự án.

Theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (QCVN 07:2010) về xử lý, chế biến chất thải rắn sinh hoạt thành phân vi sinh hoặc chế biến thành nhiên liệu đốt thì: “Vị trí các trạm xử lý chế biến chất thải rắn hữu cơ thành phân vi sinh hoặc chế biến thành nhiên liệu đốt phải có khoảng cách an toàn môi trường nhỏ nhất giữa trạm xử lý chất thải rắn đến chân công trình dân dụng khác ≥500 m.” Trong khi đó, địa điểm Dự án này cách trường học 200 - 300 m, cách nơi ở hộ dân Quảng Trung 2 từ 200 - 300m, cách trung tâm TP. Lạng Sơn 2 km.

Để tiếp tục thực hiện Dự án, nhà đầu tư đã đề xuất địa điểm mới tại thôn Yên Sơn, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc để tỉnh Lạng Sơn xem xét. Vị trí này cách khu dân cư khoảng 3km, cách TP. Lạng Sơn 7km.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu đã giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND huyện Cao Lộc, Công ty TNHH Môi trường Lạng Sơn và các cơ quan có liên quan kiểm tra địa điểm nhà đầu tư đề xuất để thay thế cho vị trí cũ tại xã Quảng Lạc.

Sở TN&MT có trách nhiệm xem xét, thẩm định kỹ các yếu tố liên quan, bảo đảm theo đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành hiện hành; đánh giá, dự báo các tác động của Dự án đến môi trường, đất đai, nguồn nước, sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng dân cư trong khu vực và các yếu tố khác để bảo đảm tính khả thi khi triển khai Dự án; hoàn thành, báo cáo đề xuất UBND tỉnh trước ngày 08/11 tới.

Được biết, vị trí thực hiện Dự án tại thôn Quảng Trung 2 là vị trí trước đây thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý, chế biến chất thải rắn trong Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, đồng thời được phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.

Tháng 3/2013, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và môi trường xanh đã tổ chức lễ khởi công, san ủi mặt bằng để thi công hạng mục đường giao thông. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Dự án, Công ty này không đủ năng lực tổ chức triển khai dẫn đến Dự án dừng hoạt động từ tháng 5/2013 đến 28/6/2016 và không có hồ sơ đề xuất giãn tiến độ theo quy định. Do đó, ngày 30/6/2016, tỉnh Lạng Sơn đã quyết định chấm dứt hoạt động của Dự án.

Sau đó, một số nhà đầu tư đã đề xuất nghiên cứu, khảo sát thực hiện Dự án Nhà máy tái chế, xử lý chất thải rắn thành phố Lạng Sơn; đề xuất thực hiện Dự án theo quy định của Luật Đầu tư tại vị trí trên. Để đảm bảo công bằng, minh bạch, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo Nghị định 30/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Kết quả đã lựa chọn nhà đầu tư là Liên danh Công ty TNHH MTV Công nghệ Tài nguyên Môi trường Gia Linh và Công ty TNHH Môi trường Bắc Kạn. Ngày 03/5/2019, Liên danh này thành lập Công ty TNHH Môi trường Lạng Sơn để thực hiện Dự án. Ngày 31/7/2019, UBND tỉnh Lạng Sơn và nhà đầu tư ký Hợp đồng triển khai Dự án nêu trên.

Theo Tự viết
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạng Sơn: Vì sao phải chuyển địa điểm xây dựng nhà máy tái chế, xử lý chất thải rắn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO