Lạng Sơn: Siết chặt quản lý tài nguyên nước

Hoàng Nghĩa| 20/05/2022 11:11

(TN&MT) - UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành văn bản số 527/UBND-KT về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.

Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, sau hơn 9 năm thi hành Luật Tài nguyên nước, công tác quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước từng bước được quản lý chặt chẽ. Tỉnh đã phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Danh mục vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh; Phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình; triển khai cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; ban hành Kế hoạch hành động quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2014 – 2020; Hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hoạt động hành nghề khoan nước dưới đất đã được quản lý cấp phép theo đúng quy định của pháp luật,…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như: nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của công tác quản lý tài nguyên nước chưa cao; vẫn có các vi phạm trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý và chính quyền các cấp thiếu đồng bộ và chặt chẽ; nhiều hạn chế, yếu kém cần tiếp tục được chấn chỉnh trong thời gian tới.

Để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao vai trò của các tổ chức, đoàn thể và Nhân dân trong việc giám sát các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên nước có hiệu quả, UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các Sở, Ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước, các thủ tục hành chính đã ban hành hoặc công bố có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước để đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản thay thế bảo đảm phù hợp với Luật Tài nguyên nước và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành;

20210407_091908.jpg
Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra các hoạt động thăm dò, khai thác sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hành nghề khoan nước dưới đất trên địa bàn tỉnh. Phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước;

Hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông suối, hồ tự nhiên trên địa bàn tỉnh; tổ chức thẩm định, trình phê duyệt phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước theo đúng quy định; Đôn đốc, hướng dẫn, giám sát các chủ công trình thủy điện thực hiện vận hành hồ chứa thủy điện bảo đảm đúng quy trình đã được phê duyệt; bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu sau đập theo đúng thiết kế.

Hướng dẫn các chủ đầu tư khi thực hiện các dự án cấp nước, thoát nước, xả nước thải vào nguồn nước phải lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tài nguyên nước và Giấy phép môi trường theo quy định; Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường chủ động phối hợp Sở TN&MT, các Sở, Ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường;

Đối với chủ hồ chứa thủy điện, thủy lợi, UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu xây dựng phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước đối với hồ chứa thủy điện, thuỷ lợi theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 43/2015/NĐ[1]CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước và trình UBND tỉnh phê duyệt, tổ chức thực hiện cắm mốc, bàn giao mốc giới cho UBND cấp xã nơi có hồ chứa để quản lý bảo vệ; Duy trì dòng chảy tối thiểu sau đập theo quy định trong Giấy phép khai thác sử dụng nước mặt được cơ quan có thẩm quyền cấp…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạng Sơn: Siết chặt quản lý tài nguyên nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO