Môi trường

Lạng Sơn phân loại CTRSH tại nguồn: Chung tay vì thành phố xanh

Hoàng Nghĩa 15/08/2024 - 19:28

(TN&MT) - Thực hiện Đề án Tuyên truyền, triển khai thí điểm mô hình thu gom, phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP. Lạng Sơn (Lạng Sơn), đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường, từng bước thay đổi hành vi, hình thành thói quen phân loại rác.

Những kết quả bước đầu

Đề án Tuyên truyền, triển khai thí điểm mô hình thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn trên địa bàn TP.Lạng Sơn được triển khai tại 45 trường học, 9 siêu thị, 2 trung tâm thương mại, 5 điểm chợ, 77 nhà hàng phục vụ ăn uống và 1 phường Vĩnh Trại, TP.Lạng Sơn với 10 khối phố.

6c.jpg
Từ hiệu quả bước đầu của Đề án, Lạng Sơn sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ra các địa phương khác, góp phân xây dựng thnahf phố xanh - sạch - đẹp

Để thực hiện Đề án, Sở TN&MT đã soạn thảo, phát hành sổ tay hướng dẫn kỹ thuật phân loại CTRSH, tài liệu tuyên truyền phổ biến kiến thức về phân loại chất thải rắn. Treo áp phích, băng zôn, pano... tại các trường học, siêu thị, trung tâm thương mại, điểm chợ, các nhà hàng; các phướn tuyên truyền về phân loại CTRSH tại 6 tuyến đường chính của thành phố.

Ngoài ra, đã tổ chức 2 lớp tập huấn cho 240 học viên là cán bộ quản lý môi trường, giáo viên, chủ nhà hàng, siêu thị, điểm chợ trên địa bàn thành phố; phối hợp tổ chức 18 buổi tập huấn và cấp phát trên 8.000kg bao bì đựng rác cho các hộ dân phường Vĩnh Trại... Phát thanh tuyên truyền trên loa phát thanh tại các điểm thực hiện đề án về công tác phân loại rác, tần suất 3 lần/ngày.

Sau 1 tháng thí điểm phân loại rác từ ngày 15/4 đến 15/5/2024, các trường học trên địa bàn TP.Lạng Sơn đã nghiêm túc thực hiện phân loại CTRSH theo đúng sổ tay, tài liệu và hướng dẫn trong buổi tập huấn. Nhà trường đã sử dụng hiệu quả 45 ngôi nhà xanh được cung cấp để thu gom các chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế, đồng thời, tích cực tuyên truyền cho các em học sinh biết cách phân loại rác thông qua nhiều hình thức như treo băng zôn, áp phích, bật loa phát thanh, hướng dẫn trực quan trong các buổi sinh hoạt, buổi học ngoại khóa.

Đối với siêu thị, điểm chợ, trung tâm thương mại, nhà hàng, chủ các cơ sở kinh doanh đã có ý thức tuyên truyền đến nhân viên, dán áp phích tại nhà bếp để nhân viên nắm rõ quy định và thực hiện đúng công tác phân loại rác.

Tại phường Vĩnh Trại, trong tuần đầu của tháng thí điểm, người dân còn lúng túng trong việc phân loại các loại chất thải, nhầm lẫn bỏ chất thải vào bao bì chứa. Ngay sau đó, các cán bộ cùng khối trưởng đã chung tay vào cuộc để hướng dẫn người dân.

Bà Nguyễn Minh Phương - phường Vĩnh Trại cho biết, được khối phố tuyên truyền, vận động và nhận thấy ý nghĩa của việc phân loại rác, gia đình bà đã nghiêm túc thực hiện theo. Mỗi hộ dân được phát 2 kg bao bì đựng rác cùng tài liệu hướng dẫn phân loại, bà đã học thuộc các quy định phân loại.

"Theo hướng dẫn, tôi phân loại rác hữu cơ ủ xuống đất để trồng rau. Rác tái chế thì thu gom bán phế liệu, còn rác vô cơ được cho vào túi đựng rác để thu gom, mang đi xử lý" - bà Phương chia sẻ.

Tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình

Theo thống kê của Sở TN&MT, trung bình mỗi ngày, TP.Lạng Sơn phát sinh khoảng 113 tấn CTRSH. Trong đó, khối lượng thu gom, xử lý bằng phương pháp chôn lấp khoảng 112 tấn/ngày, chiếm 99%. Bình quân mỗi năm, khối lượng CTRSH tại địa bàn thành phố tăng thêm khoảng 5%. Để giảm áp lực lên môi trường, việc triển khai phân loại CTRSH tại nguồn là việc làm rất cần thiết và cấp bách.

Ông Nguyễn Hữu Trực - Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, quá trình triển khai Đề án đã được các Sở, ngành có liên quan, UBND thành phố tích cực hưởng ứng, phối hợp và được người dân đồng thuận cao. Thông qua công tác thí điểm phân loại rác, bước đầu đã tạo sự chuyển biến trong ý thức người dân, phần lớn các hộ gia đình đã chủ động thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn tại hộ gia đình.

Tuy nhiên, vẫn còn trình trạng các hộ dân không phân loại, một số bộ phận người dân chưa thực sự nhận thức được tầm quan trọng, lợi ích của việc phân loại chất thải. Vẫn còn tình trạng vứt rác theo thói quen cũ, thay vì phải cho chất thải vào từng thùng đựng chất thải riêng thì cho lẫn rác vào một túi theo quan điểm, vừa tiện vừa không mất thời gian. Hoặc đa số người dân chỉ thu gom rác thải tái chế để bán phế liệu, các loại rác sinh hoạt còn lại chưa được phân loại. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng xử lý rác chưa đồng bộ, nguồn lực để thu gom, phân loại, xử lý CTRSH chưa đáp ứng yêu cầu thực tế...

Trong năm 2024, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục duy trì thực hiện mô hình phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn phường Vĩnh Trại. Tăng cường tập huấn cho cán bộ nòng cốt về cách thức phân loại rác theo đúng quy định. Thành lập các hội nhóm zalo, facebook.... chia sẻ các tài liệu, giải đáp các thắc mắc của các hộ gia đình và tiếp tục hướng dẫn người dân cách thức phân loại chất thải.

Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ đảng viên, Bí thư chi bộ, trưởng các khu, khối phố, người có uy tín trong thực hiện và tuyên truyền, vận động các hộ dân phân loại rác tại nguồn. Đồng thời, đưa các nội dung giáo dục truyền thông về môi trường, phân loại rác thường xuyên vào các trường học. Tăng cường kiểm tra, giám sát các hộ gia đình, nhà hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, điểm chợ trong công tác phân loại CTRSH.

"Từ kết quả thực hiện ở phường Vĩnh Trại, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ra các phường khác trên địa bàn thành phố, hướng tới thay đổi thói quen, hành động, nhận thức của người dân trong việc phân loại chất thải và bảo vệ môi trường, chung tay xây dựng TP.Lạng Sơn sáng - xanh – sạch – đẹp." – ông Trực cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạng Sơn phân loại CTRSH tại nguồn: Chung tay vì thành phố xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO