Lạng Sơn: Không để phát sinh dịch bệnh tại các cửa khẩu

Hoàng Nghĩa| 13/03/2020 19:10

(TN&MT) - Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid - 19, Phó Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng yêu cầu các lực lượng chức năng tỉnh này không được chủ quan, không để phát sinh dịch bệnh tại cửa khẩu; tiếp tục hội đàm với phía Trung Quốc để mở 3 cửa khẩu phụ còn lại, tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Chỉ đạo này được đưa ra tại cuộc họp đánh giá tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa và công tác phòng chống dịch tại các cửa khẩu trên địa bàn từ đầu năm 2020 đến nay do UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức chiều 13/3.

Lạng Sơn họp đánh giá tình hình XNK hàng hóa và phòng chống dịch bệnh tại các cửa khẩu

Ông Nguyễn Công Trưởng cho biết, công tác phòng, chống dịch và xuất nhập khẩu đã được các lực lượng chức năng triển khai nghiêm túc, an toàn, trách nhiệm và tích cực. Lạng Sơn đã có nhiều cuộc hội đàm với phía Trung Quốc cũng như đưa ra nhiều sáng kiến kịp thời để đẩy mạnh giải quyết khó khăn trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ông Trưởng yêu cầu các lực lượng không được chủ quan, không để phát sinh dịch bệnh tại cửa khẩu. Đồng thời tiếp tục hội đàm với Trung Quốc để mở cửa 3 cửa khẩu phụ còn lại. Các lực lượng tiếp tục tạo môi trường giải quyết thủ tục hành chính cửa khẩu nhanh nhất theo quy định của pháp luật; phân luồng phương tiện hợp lý để tránh xảy ra tình trạng ùn ứ, mất an toàn giao thông. Lực lượng biên phòng tăng cường quân số tại các đường mòn, lối mở để hạn chế tối đa tình trạng xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới…

Về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa, tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng quy trình cụ thể đối với phương tiện vận tải, hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại. Quy trình trên vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa và các lực lượng chức năng tại cửa khẩu.

Từ 5/2 đến hết 12/3/2020, trên địa bàn tỉnh có 06 cửa khẩu đã thực hiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu bình thường là Hữu Nghị, ga đường sắt Đồng Đăng, Chi Ma, Tân Thanh, Cốc Nam và Bình Nghi; Đã thực hiện thông quan được 14.328 xe (xuất khẩu 6.360 xe, nhập khẩu 7.554 xe) tương đương 386,8 nghìn tấn hàng hóa; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 360 triệu USD.

Về công tác phòng chống dịch tại các cửa khẩu, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai giám sát y tế chặt chẽ, nghiêm ngặt và thực hiện việc tiêu độc khử trùng hệ thống bến bãi, địa điểm làm việc, nhà liên ngành của các lực lượng chức năng theo quy định. Đặc biệt tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh đã chủ động chỉ đạo các cơ quan chức năng thiết lập một khu vực cách ly riêng trong khu vực để làm điểm giao, nhận hàng hoá từ ngày 05/02.

Tỉnh Lạng Sơn cũng đã có sáng kiến trong việc cho các chủ hàng, lái xe mặc quần áo bảo hộ khi sang Trung Quốc giao dịch, vận chuyển hàng hóa khi trở về Việt Nam cởi bỏ, tiêu hủy quần áo bảo hộ và không phải thực hiện cách ly.

Công tác phòng, chống dịch và hoạt động XNK đã được các lực lượng chức năng Lạng Sơn triển khai nghiêm túc, an toàn, trách nhiệm và tích cực.

Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn Phan Hồng Tiến cho biết, thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục duy trì trao đổi thông tin thường xuyên với phía Trung Quốc để đẩy mạnh lưu thông hàng hóa. Bên cạnh đó phối hợp với Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế và các lực lượng chức năng tại cửa khẩu tăng cường công tác kiểm tra đột xuất các đơn vị kinh doanh bến bãi và sẽ đề xuất dừng hoạt động bến bãi nếu không đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh và vi phạm công tác quản lý về giá.

Thông tin tại cuộc họp cũng cho biết, tỉnh Lạng Sơn vẫn là địa phương có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu đường bộ lớn nhất cả nước. Tuy nhiên hiện nay, nhân công bốc xếp hàng hóa phía Trung Quốc đang thiếu hụt, dẫn đến lượng hàng được thông quan giữa hai bên bị ảnh hưởng, nhất là tại cửa khẩu Tân Thanh. Do đó, Lạng Sơn kiến nghị với Chính phủ có biện pháp tháo gỡ khó khăn này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạng Sơn: Không để phát sinh dịch bệnh tại các cửa khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO